Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng
14 | 04 | 2011
AGROINFO - Trong thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, gỗ, chè … và một số mặt hàng khác đang rất được ưa chuộng tại nước ngoài. Nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã tăng lên đáng kể.

Hàn Quốc tăng nhập khẩu thủy sản

Lo ngại về rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản khiến Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam và các nước không bị ảnh hưởng. Đây là điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn từ thị trường này.

Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng 28% so với cùng kỳ năm 2009. Bước sang năm 2011, tính đến 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 49,95 triệu USD).

Tính riêng tháng 2 thì kim ngạch này đạt 15,24 triệu USD, tăng 10,95% so với tháng 2 năm 2009. Với thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp các sản phẩm như bạch tuộc, cá chế biến (cá ngừ), tôm đông lạnh.

Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân Hàn Quốc với các sản phẩm thủy sản như tôm, nhuyễn thể chân đầu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá tra,basa đặc biệt là các sản phẩm từ cua, cá thu, mực nhưng lại thiếu nguồn cung trong nước, doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu cần chủ động thâm nhập thị trường này.

Muốn xuất khẩu hiệu quả tại thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp cần nghiên cứu những thông tin cơ bản như xu hướng tiêu dùng, tập khách hàng thường xuyên đến những thông tin cụ thể về các quy định chung nhập khẩu thủy sản vào thị trường Hàn Quốc, quy định trong đảm bảo chất lượng. 

 

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng ấn tượng

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong hai tháng đầu năm đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010.Trong tháng 2 vừa qua, tuy kim ngạch của tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ đều giảm so với tháng 1, nhưng vẫn tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2010.

Dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất, đạt 513,7 triệu USD; giày dép xếp vị trí thứ hai, đạt 147,5 triệu USD, tiếp đó là các sản phẩm gỗ với kim ngạch 144,5 triệu USD. Máy móc, thiết bị điện và sản phẩm âm thanh-thu thanh tiếp tục giữ vị trí thứ tư, trong khi thủy sản là mặt hàng đứng thứ năm về giá trị xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ sang Việt Nam trong tháng 2/2011 lại tăng 5,5% so với tháng trước, lên mức 353 triệu USD. Do vậy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong tháng 2 đã giảm 6,8% xuống còn 1,6 tỷ USD.

 

Cà phê Việt Nam có mức tiêu thụ mạnh

Tiêu thụ cà phê tại các nước sản xuất đạt mức tăng 3,4% trong năm qua, với 40,283 triệu bao. Trong số các nước sản xuất hàng đầu, tiêu thụ tại Braxin tăng trưởng 4,1% đạt 18,945 triệu bao, Colombia và Indonesia không tăng trưởng, giữ nguyên ở lần lượt 1,4 triệu bao và 3,33 triệu bao như năm 2009. Tiêu thụ cà phê tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với 31%, từ 1,208 triệu bao năm 2009 lên 1,583 triệu bao trong năm 2010.

Trong số các nước sản xuất thì Ethiopia cũng nổi lên là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh về tiêu thụ cà phê, có thể đã dùng 3,253 triệu bao trong năm ngoái, tăng 5,3%. Ở các nước nhập khẩu, tiêu thụ cà phê đạt mức tăng 2% với tổng 93,717 triệu bao. Trong số các nước nhập khẩu thì tăng trưởng tiêu thụ tại Đức giữ vị trí đầu bảng với 4,4% đạt 9,292 triệu bao trong năm ngoái, tiếp đến là Pháp tăng 4% đạt 5,902 triệu bao. Quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Mỹ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% với  21,784 triệu bao.

Tăng trưởng cà phê chậm nhất thế giới năm 2010 là Anh với -3,3%, chỉ đạt 3,115 triệu bao, so với 3,22 triệu bao năm 2009.

 

Xuất khẩu chè đạt 36 triệu USD

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, trong ba tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu được 26.000 tấn chè trị giá 36 triệu USD. Khối lượng chè xuất khẩu có suy giảm nhưng giá trị vẫn đạt gần mức cùng kỳ năm ngoái trước sự gia tăng 3,7% về giá cả xuất khẩu, ở mức giá trung bình 1.437 USD/tấn.

Hiện nay, giá xuất khẩu tương đương 60%-70% mức giá trung bình của thế giới, Hiệp hội Chè Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ kiếm được 200 triệu USD trong năm nay, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù phải đối mặt với sự sụt giảm trong vụ thu hoạch chè do thời tiết không thuận lợi.

Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu chè. Chè Việt Nam đã được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ và thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường trên toàn thế giới.

Tổng hợp

 



Báo cáo phân tích thị trường