Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây có chứng nhận, xu hướng tất yếu
21 | 04 | 2017
Gần đây, thông tin xoài, thanh long, mít, sầu riêng có giá cao ngất ngưởng tại thị trường Nhật Bản, Châu Âu và các nước khác. Chính điều này đã thật sự làm thức tỉnh người làm vườn vì lâu nay chỉ chăm bẫm đến năng suất mà quên đi khâu tiêu thụ với những tiêu chuẩn cần phải có.

Sản xuất có xuất xứ nguồn gốc, theo tiêu chuẩn

Thủ phủ cây ăn trái của cả nước đang đứng trước thời cơ và thách thức khi thị trường các nước Đông Nam Á đang rộng mở cho các loại cây trái các nước tràn vào Việt Nam. Ngược lại đây cũng là cơ hội để trái cây ĐBSCL được rộng đường xuất sang các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, điều quan trọng là tiêu chuẩn của mọi loại cây trái ở các nước có khác nhau. Chính vì vậy, sản xuất có xuất xứ nguồn gốc, theo tiêu chuẩn là điều rất quan trọng.

Tại Vĩnh Long, Viện Cây ăn quả Miền Nam triển khai hỗ trợ người trồng tại các HTX chôm chôm Bình Hòa Phước và 42 tổ viên của tổ hợp tác (THT) sầu riêng Thanh Bình đã hoàn thành các tiêu chí đủ điều kiện để được cấp chứng nhận.

Vùng chôm chôm Bình Hòa Phước đã được tái chứng nhận GlobalGAP, canh tác bền vững, xây dựng thương hiệu, còn giúp bà con nông dân xã Thanh Bình bắt đầu làm quen với tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các sản phẩm vi sinh vật vào sản xuất giúp bộ rễ cây trồng khỏe mạnh, tuổi thọ cây trồng được kéo dài và canh tác bền vững.

Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa, Bình Minh cũng được triển khai hiệu quả. Cty TNHH Thương mại MTV Hương Bưởi Mỹ Hòa sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án với vai trò là chủ thể đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động tổ viên 2 THT sản xuất bưởi Năm Roi ấp Mỹ An và ấp Mỹ Thới của xã tham gia chương trình với hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất - thu mua sản phẩm trong mô hình (39ha) theo giá thị trường, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại 1 xuất khẩu.

Chính quyền xã cũng hỗ trợ THT ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho DN và ký hợp đồng với giá bán loại 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng là 32.000 đồng/kg, loại 2 là 22.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, có thời điểm bán trái theo liên kết giá cao hơn gấp 3 lần so với giá bán trên thị trường khiến bà con rất hào hứng phấn khởi đầu tư vào canh tác theo quy trình.

Vào tổ hợp tác và canh tác theo quy trình được doanh nghiệp bao tiêu thu mua thì đầu ra ổn định, thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt đến nay đã dần thay đổi được tập quán canh tác cũ, khiến bà con rất phấn khởi mạnh dạn đầu tư thâm canh…

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đang quy hoạch hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung; đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình VietGAP, GlobalGAP; nhất là xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản thế mạnh của địa phương.

Vĩnh Long hiện có các cơ sở được cấp chứng nhận GlobalGAP như HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; HTX bưởi Năm Roi Đông Thành và vùng trồng bưởi Năm Roi xã Mỹ Hòa. Bên cạnh đó, một số HTX cũng được cấp chứng nhận VietGAP gồm HTX chôm chôm Java Tân Khánh (xã Tích Thiện); HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) và vùng chuyên canh cam sành ở huyện Tam Bình...

Quy hoạch vùng, sản phẩm chủ lực cần thực chất

Bộ NNPTNT đã khảo sát 6 vùng sản xuất tại ĐBSCL và đề nghị các địa phương chọn sản phẩm chủ lực. Thực tế cho thấy, cây lúa vẫn được ưu tiên hàng đầu; còn lại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long chọn sản phẩm chủ lực na ná nhau. Điều này cho thấy chưa thật sự có sự phân công trong sản xuất, tiêu thụ, chưa quy hoạch vùng chuyên canh để chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Tại Vĩnh Long, để nhân rộng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GAP, tỉnh đang tập trung xây dựng liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GAP với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hình thành kênh tiêu thụ riêng để đảm bảo giá bán ổn định và phân biệt với các sản phẩm thông thường khác.

Còn với tỉnh Tiền Giang hiện có 72.850ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 1,3 triệu tấn quả/năm. Trên địa bàn tỉnh này cũng hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, bưởi long Cổ Cò, nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong, sơ ri Gò Công…

Đến thời điểm này, Tiền Giang đã thành lập được 13 HTX, 33 THT sản xuất và tiêu thụ trái cây. Các HTX và THT bước đầu đã gắn kết nhà vườn với DN tổ chức sản xuất và tiêu thụ một số cây ăn trái hiệu quả như xoài, sầu riêng, thanh long, khóm, vú sữa, bưởi, sa pô (hồng xiêm)... Hằng năm, các HTX và THT đều ký hợp đồng với các DN tiêu thụ trái cây các loại, như Cty TNHH Thịnh Phát, Tập đoàn Metro Cash & Carry, Cty TNHH Phương Anh (Hà Nội) với sản lượng tiêu thụ hàng trăm tấn/năm.

Tương tự, các mô hình HTX, THT sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An… hiện đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu trái cây của địa phương. Ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đang tập trung hỗ trợ các DN, tập thể, hộ nông dân sản xuất xây dựng mối quan hệ liên kết sản xuất - tiêu thụ, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực như bưởi, cam, nhãn, chôm chôm, xoài…

Sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất phục vụ cho thị trường xuất khẩu đã đến lúc cần phải quy hoạch thực hiện. Và điều dĩ nhiên là quy trình sản xuất phải cần tuân thủ kỹ thuật, từ khâu chăm sóc đến quản lý dịch bệnh, bảo quản, và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bởi nếu không có thương hiệu, dù sản phẩm có đạt tiêu chuẩn gì đi nữa cũng khó tiêu thụ.



Theo Hoàng Huy
Báo cáo phân tích thị trường