Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm cho cây cà phê ở Tây Nguyên: Nông dân vẫn hờ hững
12 | 05 | 2011
AGROINFO - Niên vụ cà phê này, ước tính nông dân Tây Nguyên thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng do hạn hán. Thế nhưng tại “thủ phủ” cà phê Đăk Lăk, mặc dù đã có một sản phẩm bảo hiểm (BH) ra đời nhằm giúp nông dân chịu thiệt hại có “lối thoát”, song chẳng mấy ai mặn mà.

Lợi thì có lợi nhưng…

Đăk Lăk có ít nhất 200 ngàn hộ dân trồng cà phê. Ngay từ đầu mùa khô 2010-2011, các cơ quan chức năng đã đánh giá tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài.

Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh đã cho ra đời sản phẩm BH hạn hán cây cà phê tại Đăk Lăk, được coi là cứu cánh để nông dân giảm thiểu thiệt hại. Thế nhưng nhiều người lại rất thờ ơ nên sau gần 3 tháng, Bảo Minh chỉ ký được 33 hợp đồng với tổng giá trị 68 triệu đồng.

Anh Đặng Xuân Hoan, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, một trong 33 hộ trên, cho biết: “Mức giá tối đa là 5 triệu đồng/1ha nhưng tôi chỉ mua 1,5 triệu. Phần do “kẹt”, phần sản phẩm này “quá lạ” nên tôi cũng không dám mạo hiểm!”.

Ở chỗ anh Hoan, hầu hết người dân đều tỏ ra rất tâm đắc với sản phẩm này nhưng mua… thì không bởi e ngại, quan trọng hơn là không có tiền. Đây là thời điểm quyết định năng suất của cả niên vụ nên hầu như nông dân đã dành tất cả vốn cho việc chăm bón cây cà phê.

Ông Trần Quốc Phúc - Phó Giám đốc chi nhánh đại diện Bảo Minh tại Đăk Lăk, cũng thừa nhận mức phí còn khá cao nhưng với Bảo Minh đó là mức thấp nhất có thể. BH hạn hán dựa trên tiêu chí lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng thuỷ văn đại diện cho một vùng. Như vậy khi xảy ra hạn hán, không chỉ một vài mà toàn bộ diện tích đã mua BH trong vùng này đều được bồi thường. Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro cho doanh nghiệp là rất lớn.

 

Nông dân cần “trợ lực”

 

Với người trồng cà phê, hạn hán sẽ gây ra thiệt hại nặng nhất. Người trồng không chỉ tốn thêm cho tưới tiêu mà năng suất cà phê sẽ giảm và còn ảnh hưởng vài năm sau. Mức bồi thường từ 10-50 triệu sẽ giải quyết được thiệt hại, nhưng để bỏ ra một lúc vài triệu đồng với người nông dân thật không dễ.

“Với giá cả vật tư phân bón hiện tại, người trồng cần khoảng 50 triệu đồng để đầu tư cho niên vụ cà phê tới. Nếu phải mua thêm BH tức là họ phải tăng thêm từ 1-10% chi phí đầu tư. Rõ ràng con số này không thể không khiến nông dân phải trăn trở” - anh Nguyễn Minh - một người trồng cà phê ở Đăk Lăk nói.

Theo Sở NNPTNT Đăk Lăk, cần phải đưa cây cà phê vào danh mục cây, con được hỗ trợ BH nông nghiệp theo QĐ 315 của Chính phủ. Bởi có ít nhất 2 triệu/gần 4 triệu người ở Tây Nguyên sống nhờ cây cà phê. Tiền hỗ trợ có thể lấy từ việc thu phí xuất khẩu. Và để việc này thực sự hiệu quả, phải quy hoạch lại ngành cà phê khi mà cây cà phê vẫn đang được sản xuất một cách manh mún, nhỏ lẻ. Hầu hết người trồng cà phê đều nghèo, họ sẽ khó lòng bỏ tiền để đầu tư thêm BH.

Đại diện Bảo Minh cũng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ BH nông nghiệp cho người trồng cà phê. Và để sản phẩm BH hạn hán nói riêng và BH nông nghiệp nói chung đến được với nông dân, cần có cơ chế cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nông dân.

Theo NTNN 

 



Báo cáo phân tích thị trường