Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 8/2020
14 | 09 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Kinh tế Trung Quốc đang hồi phục nhanh hơn dự kiến, đồng thời sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ qua, trong lúc nhu cầu nội địa của nước này cũng được cải thiện. Chỉ số quản lý thu mua Caixin/Markit (PMI) của Trung Quốc được công bố ngày 3/8 đã tăng từ 51,2 trong tháng 6 lên 52,8 trong tháng 7. Số liệu này đánh dấu 3 tháng tăng trưởng liên tiếp của PMI Trung Quốc và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2011. Theo OECD, Trung Quốc hiện đứng đầu danh sách 14 nền kinh tế lớn về tăng trưởng với GDP quý 2/2020 ghi nhận mức tăng trưởng 11,5% so với quý trước đó

Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 7/2020 đạt 684 triệu USD, tăng 11,29% so với tháng 6, và giảm 0,58% so với cùng kỳ. Đây là tháng đầu tiên Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu NLTS sang Trung Quốc tăng kể từ đầu năm 2020.Trung Quốc là đối tác thương mại NLTS lơn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, sản phẩm từ cao su. So với tháng 6 năm 2020, hầu hết các mặt hàng đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, mây tre đan tăng 65%, tiếp đến là cao su tăng 59%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 44%, cà phê tăng 42%, gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 12%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và các sản phẩm thịt giảm 92%, chè giảm 34%, hạt điều giảm 24%, rau quả giảm 21%. Hầu hết các mặt hàng trên đều tăng giảm tương ứng so với cùng kỳ. Cà phê tăng 50%, gạo tăng 34%,  sản phẩm cao su tăng 21%, sắn và các sản phẩm sắn tăng 14% trong khi đó thịt giảm 99%,  chè giảm 75%, hạt điều giảm 36%, rau quả giảm 25%.

Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề lãng phí thực phẩm. Theo Chủ tịch Tập, bất chấp mùa màng bội thu những năm qua, Trung Quốc vẫn cần "duy trì cảnh giác về nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, đặc biệt dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19". Chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường giám sát trong khu vực và thiết lập một cơ chế dài hạn để tránh lãng phí thực phẩm, đồng thời kêu gọi nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngoài ảnh hưởng của Covid-19, kể từ đầu tháng 6, tình trạng mưa lớn và lũ lụt cũng tàn phá các vùng đất nông nghiệp phía nam Trung Quốc, những vựa lúa lớn của đất nước. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đảm bảo với công chúng rằng nước này đang sản xuất đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, theo một báo cáo chung của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Viện Khoa học Trung Quốc, các nhà hàng và căng tin ở Trung Quốc đã lãng phí khoảng 18 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương đương 3% tổng sản lượng lương thực cả nước, số thực phẩm lãng phí đủ để nuôi 50 triệu người. Các chuyên gia cho rằng việc hạn chế lãng phí thực phẩm sẽ giúp cải thiện an ninh lương thực và củng cố khả năng đối phó tình trạng suy giảm nhập khẩu của Trung Quôc. Theo dự báo, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc năm nay giảm trong khi một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, nên sức ép nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc của Trung Quốc sẽ tăng lên. Giá thành thấp là lý do chính khiến nông dân không muốn trồng thêm ngũ cốc mặc dù nhà nước đã bắt đầu trợ cấp cho họ.

USDA dự báo tổng sản lượng và giết mổ lợn của Trung Quốc sẽ đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2020 do dịch tả lợn châu Phi tiếp tục ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự suy giảm nguồn cung sẽ chạm đáy vào năm 2020 và năm 2021 bắt đầu từ tồn kho lợn và lợn nái sẽ tăng lần lượt là 9% và 15%. Hoạt động giết mổ mạnh mẽ vào năm 2021 sẽ thúc đẩy sản lượng thịt lợn lên 41,5 triệu tấn từ mức thấp kỷ lục 38 triệu tấn vào năm 2020. Dự báo tồn kho lợn cuối năm 2021 lên 370 triệu con, tương đương hơn 80% mức trước khi có dịch tả. Nhập khẩu thịt lợn sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 ở 4,3 triệu tấn và giảm xuống 3,7 triệu tấn vào năm 2021 khi nguồn cung trong nước phục hồi. Sản lượng thịt bò sẽ tiếp tục tăng vào năm 2021, dự báo ở mức 6,9 triệu tấn. Nhập khẩu thịt bò năm 2021 dự báo giảm xuống còn 2,7 triệu tấn.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh... gây khó khăn việc thông quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu. Tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, phía Trung Quốc thông báo để tăng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, từ ngày 1.7.2020, các phương tiện vận tải hàng hóa Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc phải cung cấp giấy phép vận tải loại C. Đồng thời, các xe tải chở hàng hóa phải mua bảo hiểm phương tiện với giá 86 Nhân dân tệ (khoảng 300.000 VNĐ/1xe/7 ngày).

Tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), chính quyền tỉnh Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; Tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như: Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm; Cấm mua - bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan... Ngoài ra, từ ngày 1/7/2020, các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc đều phải mua bảo hiểm phương tiện.

Vào ngày 18 tháng 8 năm 2020, thành phố Thâm Quyến ở miền Nam Trung Quốc đã áp đặt các yêu cầu mới về xử lý và kiểm tra COVID-19 đối với hàng nhập khẩu thịt và hải sản đông lạnh tại các cảng ở Thâm Quyến. Theo đó, bộ phận Phòng chống và Kiểm soát, nhập khẩu thịt và hải sản đông lạnh Thâm Quyến sẽ độc quyền được bán, xử lý hoặc lưu trữ ở Thâm Quyến - sau khi thông quan - sẽ chuyển đến kho lạnh tập trung cơ sở nơi lô hàng sẽ được khử trùng và kiểm tra COVID-19. Chính quyền địa phương sẽ trả tiền cho việc khử trùng, thử nghiệm và lưu trữ trong một thời gian nhất định. Sau khi khử trùng và thử nghiệm âm tính, lô hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận xuất cảnh và được phép tham gia thương mại địa phương. Các nhà nhập khẩu lo ngại về khả năng kiểm tra và làm vệ sinh các thùng chứa cũng như việc tồn động container khi chỉ có một kho lạnh tập trung.

Việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc đang là vấn đề cấp bách bởi, hiện tại, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tạm dừng thông quan tại cặp chợ Lũng Vài (Trung Quốc) - Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) từ ngày 1/7/2020 bởi lo ngại tiềm ẩn rủi ro như lây lan dịch bệnh, buôn lậu, gian lận thương mại. Trung Quốc cũng siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường, nghiêm cấm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới các loại nông sản chưa được mở cửa thị trường. Cơ quan hải quan Nam Ninh cho biết Trung Quốc cũng sẽ xây dựng kế hoạch ngừng cho phép nhập khẩu thạch đen, khoai lang để gia công tại chỗ. Gần đây phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý do 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750 ngàn tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 – chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, Trung Quốc đã thông báo 589 giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) đối với 67 loại thuốc trừ sâu trong thực phẩm cho Ủy ban SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới là G / SPS / N / CHN / 1164. Dự thảo MRLs bao gồm một loạt các sản phẩm làm vườn. Hạn chót để lấy ý kiến là ngày 13 tháng 9 năm 2020. Trung Quốc chưa công bố ngày dự kiến có hiệu lực đối với MRLs.

Về tình hình xuất khẩu nông sản của các nước trong khu vực sang Trung quốc: Khoảng 90% lượng nhãn nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc đến từ Thái Lan, trong khi 80% lượng nhãn xuất khẩu từ Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với nhãn Thái Lan. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm nay, nhưng xuất khẩu nhãn của Thái Lan sang Trung Quốc vẫn đang có xu hướng tăng cả về lượng và giá. Theo số liệu của cơ quan hải quan, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc đạt 145.000 tấn, với trị giá 1,4 tỷ nhân dân tệ, tăng lần lượt 27,9% và 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn giá xuất khẩu cũng đạt 9,67 NDT / kg, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Để trái cây Thái Lan vào thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách thuận lợi. Gần đây, cảng Đường sắt Bình Hương Quảng Tây và cảng Đông Hưng của Trung Quốc đã được thêm vào làm cảng nhập cảnh cho trái cây Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua nước thứ 3. Theo người phát ngôn của Trung tâm Khẩn cấp Dịch bệnh New Pavilion của Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã cho phép một nhóm người mua nhãn Trung Quốc nhập cảnh vào nước này, những thương nhân này sẽ thực hiện việc thu mua nhãn 3 tháng tại Thái Lan sau 14 ngày kiểm dịch bắt buộc. Chính phủ Thái Lan không tiết lộ số lượng và thời gian nhập khẩu cụ thể, nhưng dự kiến ​​số lượng long nhãn được thu mua lần này sẽ lên tới 1 tỷ baht (khoảng 220 triệu nhân dân tệ). 

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu và trồng chuối Philippines (PBGEA), cho biết thị phần xuất khẩu chuối của Philippines sang Trung Quốc có thể bị giảm sút khi Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu chuối từ các nước ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Việt Nam và Campuchia. Các thành viên PBGEA cung cấp hơn 50% tổng sản lượng chuối của Philippines, dự kiến ​​xuất khẩu chuối năm nay sẽ giảm 20%, từ 195 triệu hộp (trị giá 1,93 tỷ USD) năm 2019 xuống còn 162 triệu hộp (trị giá 1,53 tỷ USD). Việc giảm sản lượng chuối là do bệnh vàng lá và cạnh tranh thị trường quốc tế gay gắt. Giám đốc điều hành của Unifrutti Tropical Philippines cho rằng ngoài Việt Nam và Campuchia, các nước Mỹ Latinh như Peru, Ecuador và Guatemala đang dần ăn mòn thị trường chuối toàn cầu từng bị Philippines thống trị. 

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường