Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 7/2020
14 | 08 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và Bắc Kinh triển khai các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế, GDP Trung Quốc quý II/2020 tăng 3,2%[1], xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 4,3% và 6,2%,  đây là tháng thứ 3 liên tiếp Trung Quốc có xuất khẩu tăng. Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi của các nước nhập khẩu và hàng hóa trong nửa đầu năm, 5.965 doanh nghiệp đăng ký nước ngoài mới được phê duyệt. Nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp tăng trong nửa đầu năm 2020 như đậu nành tăng 17,9% lên 45,044 triệu tấn, thịt lợn tăng 140% lên 2,123 triệu tấn, thịt bò tăng 42,9% lên 997.000 tấn. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm Trung Quốc tăng trưởng khá ổn định, vẫn luôn duy trì mức tăng trưởng hơn 8% ngay cả trong thời gian dịch bệnh.

          Đông Nam Á đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, thương mại với ASEAN đã đăng ký 2,99 nghìn tỷ RMB, tăng 5,6%, chiếm 14,7% tổng khối lượng giao dịch ngoại thương của Trung Quốc. Trung Quốc và ASEAN đã nâng cấp hiệp định thương mại tự do vào tháng 10 năm ngoái. Trong đó, hạ thấp rào cản về quy tắc xuất xứ, tiền tệ, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác, nhân đôi lợi thế của một hiệp định thương mại tự do. Trong nỗ lực chống lại xung đột từ Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy thương mại với ASEAN và những nước tham gia khác trong sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.  

          EU và Mỹ là đối tác lớn thứ hai và thứ 3 của Trung Quốc sau ASEAN trong 6 tháng đầu năm, lần lượt chiếm 14% và 11,5% tổng thương mại của Trung Quốc. Thương mại với EU đạt 1,99 nghìn tỷ RMB, giảm 1,8% trong khi giao dịch với Mỹ đứng ở mức 1,6,6 nghìn tỷ RMB, giảm 6,6%. Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 01 năm nay, trong đó đặt mục tiêu tăng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thêm 63,9 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch này, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 110 tỷ USD trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng con số thực tế chỉ là 56,4 tỷ USD. Các lô hàng đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump coi là ưu tiên, tăng trưởng xuất khẩu rất chậm. Về thỏa thuận "giai đoạn hai", ngày 10/7, Tổng thống Trump cho biết, chưa phải là ưu tiên hiện nay của Mỹ.

          Cuộc chiến thương mại với Mỹ buộc Bắc Kinh phải tính toán lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc cũng đang chuyển sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để tránh thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam cho biết đã phê duyệt 3 tỷ USD đầu tư trực tiếp mới từ Trung Quốc đại lục vào năm 2019, tăng 75% so với năm trước, Trung Quốc đại lục trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam sau Singapore và Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc giảm 30% trong nửa đầu năm 2020, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,7 tỷ USD chiếm 9% tổng vốn đầu tư cả nướ

          Kể từ tháng 6, những trận mưa lớn liên tục đã phá hủy phần lớn miền nam Trung Quốc, khiến nước ở nhiều con sông ở các khu vực bị ảnh hưởng đã vượt quá mức cảnh báo. Vùng thượng lưu của sông Dương Tử đang trải qua trận lũ thứ 3 trong năm, mực nước ở đập Tam Hiệp đã lên mức kỷ lục. Lũ lụt đã gây thiệt hại cho sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, chủ yếu thể hiện ở việc giảm ngũ cốc và các loại cây trồng khác, sản xuất và sinh hoạt của nông dân và thu nhập tài chính nông nghiệp. Tại tỉnh Hồ Bắc, 883 hợp tác xã có máy móc nông nghiệp bị ảnh hưởng, số lượng máy móc và công cụ bị hư hỏng lên tới 104.000 đơn vị, 705.600 mét vuông kho chứa bị ảnh hưởng. Thống kê tại thời điểm ngày 15/7/2020 cho thấy lượng mưa lớn đã gây ra 24 thành phố (quận tự trị) và 44 quận (thành phố, quận) ở Giang Tô, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Vân Nam và các tỉnh khác) khiến 223.000 người bị ảnh hưởng, 10.000 người đã được chuyển đi và tái định cư khẩn cấp, và hơn 2.600 người cần hỗ trợ sinh kế khẩn cấp, hơn 800 ngôi nhà bị sập và hơn 1.700 ngôi nhà bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, diện tích bị ảnh hưởng là 10,2 nghìn ha, trong đó hơn 900 ha không được thu hoạch trị giá 100 triệu nhân dân tệ. Đến ngày 29/7/2020, ước thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 144,43 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 20,66 tỷ USD). Hiện tại, trữ lượng ngũ cốc chính (gạo, lúa mì và ngô) của Trung Quốc vượt quá 300 triệu tấn đủ để ứng cứu thảm họa. Mưa lũ đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng thiên tai hơn một mùa vụ và tấn công ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm địa phương.

          Theo dự báo, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc năm nay giảm trong khi một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, nên sức ép nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc của Trung Quốc sẽ tăng lên. Điều này có thể gây áp lực lên nhập khẩu thịt trong nửa cuối năm 2020. Kể từ tháng 6, nhiều công ty thịt nước ngoài đã trải qua dịch bệnh quy mô lớn và việc nhập khẩu thịt của Trung Quốc đã trở nên nghiêm ngặt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm dịch (Trung Quốc đã đình chỉ 23 công ty thịt nước ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc). Theo dự báo của USDA, do đàn lợn của Trung Quốc đang phục hồi sau dịch tả lợn Châu Phi, sản xuất thịt gà của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2021, dự báo ở mức 15,3 triệu tấn, tăng 3% tăng phần trăm so với ước tính 14,9 triệu tấn vào năm 2020. Nhập khẩu trong năm 2021 được dự báo đạt khoảng 775.000 tấn, giảm tới 16% so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức gần gấp đôi mức trước khi dịch tả lợn Châu phi. Ước tính tiêu thụ thịt gà ở Trung Quốc  sẽ tăng lên 15,7 triệu tấn vào năm 2021, đạt mức tăng trưởng khoảng 2%/năm.

           Tháng 7/2020, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 12 đồng ý tham gia kết nối các hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây là ý tưởng được Singapore và New Zealand đề xuất từ tháng 3/2020, trong bối cảnh sự bùng phát của dịch bệnh trên toàn cầu đã khiến phần lớn các chuỗi cung ứng bị tê liệt. Các quốc gia tham gia đề xuất này như Australia, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Uruguay cam kết không áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc các biện pháp thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, cũng như loại bỏ các biện pháp hạn chế giao thương hiện có đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là vật tư y tế, nhằm hỗ trợ các hoạt động phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.

          Về thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng thương mại của Trung Quốc với Việt Nam tăng 14% trong 6 tháng đầu năm nay, là mức tăng lớn nhất của bất kỳ đối tác thương mại lớn nào. Tuy nhiên, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa có nhiều khởi sắc kể từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 6/2020 giảm 10,54% so với tháng trước và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 615 triệu USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu NLTS thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

          Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, sản phẩm từ cao su. So với tháng 5 năm 2020, chỉ có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như cao su tăng 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 68,95%, mây tre đan tăng 16,22%. Các mặt hàng NLTS khác đều có kim ngạch giảm, đặc biệt gạo giảm 82%, cà phê giảm 25%, thịt và các sản phẩm thịt giảm 17,3%. Các mặt hàng hàng như gỗ và sản phẩm từ gỗ, rau quả, thủy sản, hạt điều, sắn giảm từ 10% đến 13%. So với cùng kỳ năm 2019, ngoại trừ xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt giảm nhiều nhất ( 92,86%0, tiếp đến là gạo giảm 46,44%, rau quả giảm 23%, mây tre đan giảm 25%, hạt điều giảm 21%, các mặt hàng còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là cao su và sản phẩm cao su tăng lần lượt là 33 % và 25%, tiếp đến là gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,73%.

          Nhằm thúc đẩy thương mại khu vực biên giới, tỉnh Lào Cai vừa ban hành Đề án xây dựng Trung tâm xúc tiến thương mại và chợ biên giới Kim Thành. Theo nội dung Đề án, Trung tâm xúc tiến thương mại và chợ biên giới Kim Thành gồm 3 phân khu; trong đó, phân khu một là khu tổ chức hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm thường xuyên tại khu vực Trung tâm hội chợ, triển lãm Kim Thành với diện tích 2,69 ha. Phân khu thứ hai bao gồm chợ cư dân biên giới, sàn giao dịch thương mại điện tử; khu kiểm tra, giao nhận hàng thương mại điện tử, diện tích 2,4 ha; Phân khu thứ ba bao gồm chợ đầu mối nông sản, thủy hải sản, diện tích 6,2 ha. Dự kiến các phân khu nêu trên sẽ được kêu gọi đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2020-2022 với tổng mức đầu tư ước tính trên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Bản Vược (huyện Bát Xát, Lào Cai, nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai) và Bá Sái (Trung Quốc) dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2021 sau khi thống nhất các nội dung liên quan với phía Trung Quốc. Dự án sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương thương mua bán giữa hai nước.

 


[1] GDP Quý I của Trung Quốc giảm 6,8%

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường