Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ THÁNG 10/2020
09 | 11 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 với tốc độ nhanh hơn so với sự phục hồi của nó từ cuộc Đại suy thoái năm 2008 khi Mỹ mất khoảng 8 năm để trở lại mức thất nghiệp và lạm phát trước khi xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, mức độ phục hồi còn tùy thuộc vào triển vọng hỗ trợ tài chính cũng như kiểm soát dịch bệnh - những yếu tố cần thiết để nền kinh tế có thể phục hồi hoàn toàn.

Xuất khẩu NLTS Việt Nam sang Mỹ tháng 9/2020 giảm 2,02% so với tháng trước, đạt 1,07 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ tháng 9/2019.  Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 67%), thủy sản (chiếm 14%), hạt điều (8%), các sản phẩm khác như mây tre đan, sản phẩm từ cao su, cà phê ( khoảng 2%). So với tháng 8/2020, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là chè tăng 37%, cao su tăng 23%, rau quả tăng 11%, sản phẩm từ cao su tăng 7%, cà phê tăng 6%,  hạt điều 4%, thức ăn gia súc và nguyên liệu 3%. Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng giảm, đặc biệt là thịt và sản phẩm thịt giảm mạnh nhất với 46%, tiếp đến là gạo giảm 33%, thủy sản giảm 15%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ ngoại trừ thịt và các sản phẩm thịt giảm 63%, gạo giảm 45%, cao su giảm 13%, các mặt hàng còn lại đều tăng, trong đó thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng cao nhất với 152%, tiếp đến là cà phê tăng 103%, mây tre đan tăng 102%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 55%, sản phẩm cao su 41%, thủy sản tăng 20%.

Theo dự báo cập nhật tháng 10/2020 của USDA, sản lượng gạo của Mỹ trong năm 2020 vẫn được báo là sẽ sụt giảm hơn 1,24 triệu tấn, từ 7,11 triệu tấn của năm 2019 xuống còn 5,86 triệu tấn. Nguyên nhân chính là do lượng mưa nhiều ở miền Nam đã ảnh hưởng lớn đến diện tích và năng suất lúa. Về nhập khẩu, lượng gạo nhập khẩu của Mỹ ước đạt 1,19 triệu tấn, tăng 204 nghìn tấn so với năm ngoái.

Mỹ là quốc gia nhập khẩu cà phê đứng thứ nhất trên thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (GCA), tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ tiếp tục giảm mạnh tính đến hết tháng 09/2020. Cà phê hạt (nguyên liệu) để phân phối cho các đơn vị chế biến thành phẩm rang xay vùng Bắc Mỹ chỉ đạt 6,4 triệu bao, tương ứng 384 nghìn tấn cà phê, giảm 5,1% so với tháng 08/2020 nhưng giảm đến 12,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức suy giảm mạnh nhất, một phần do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Doanh số bán hàng cà phê trực tuyến tại Mỹ đã tăng 57% do nhiều nhà rang xay bắt đầu bán “gói đăng ký mua cà phê dài hạn” cho người tiêu dùng nhằm cắt giảm số lần đi tới các cửa hàng siêu thị. Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Mỹ giảm nhẹ niên vụ 2019/20 0,6% so với niên vụ 2018/19, nhưng theo một khảo sát của Reuters công bố trung tuần tháng 10/2020, người Mỹ vẫn tiêu dùng cà phê như trước đại dịch, thay vì tại các quán cà phê hay nhà hàng, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng tại nhà. Thống kê cho thấy, 6/10 người uống cà phê trung bình 2,9 tách/ngày. Dự báo đến hết năm 2020, tổng nhập khẩu của Mỹ sẽ đạt 1,5 triệu tấn, giảm so với dự báo giữa năm do mức tiêu thụ giảm vì dịch Covid-19. 

Theo báo cáo tháng 10 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các nhà đóng gói và giết mổ thịt bò của Mỹ đã phục hồi sản lượng giết mổ tương đương mức cùng kỳ năm ngoái, khi chưa có dịch Covid-19. Do đó, dự báo hàng năm của USDA cho sản lượng thịt bò nước này năm 2020 được nâng lên 90 triệu pound (~40,8 nghìn tấn), lên mức 27,1 tỷ pound (~12,3 triệu tấn).

Tháng 8/2020, nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 9/2020, đạt 154,02 triệu USD, tăng 20,7% so với tháng 9/2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,17 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đang có dấu hiệu chững lại và giảm trong hai tháng gần đây. Mỹ là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đạt 207,85 triệu USD, giảm 14,65% so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường này chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2020. Gỗ & SP gỗ của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục giữ vững giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ & SP gỗ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9 đạt khoảng 723,3 triệu USD (tương đương với kim ngạch tháng 8/2020) nâng tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này lên 4,75 tỷ USD, tăng 30,2% so với 9 tháng năm 2019

Một số sản phẩm chứng kiến sự tăng về giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 như: Đồ gỗ nội, ngoại thất (tăng hơn 1,2 triệu USD tương đương gần 40%); Gỗ xây dựng, ván gỗ (tăng khoảng 42 triệu USD tương đương 53%); Gỗ dán (tăng khoảng 26 triệu USD tương đương 15%);

Ngày 14/10, Phó Chủ tịch FED đưa ra nhận định tổng thể lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Để thoát khỏi khó khăn, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ cần sự hỗ trợ hơn nữa về tiền tệ cũng như chính sách tài khóa từ chính quyền Tổng thống cũng như từ quốc hội. Mặc dù cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra là tồi tệ nhất trong lịch sử thời hậu chiến, song nó cũng có thể lập kỷ lục là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử của Mỹ khi số liệu cho thấy sự phục hồi của gần một nửa số việc làm bị mất vì đại dịch giai đoạn tháng 5-9. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,7% trong tháng 4 xuống 7,9% trong tháng 9 và sự phục hồi đáng ngạc nhiên trong chi tiêu dùng. Chi tiêu dùng ở Mỹ có tăng nhưng với mức độ chậm hơn tháng 5 và tháng 6. Niềm tin của người tiêu dùng mới được cải thiện trong tháng 8, như vậy sẽ phải mất thêm thời gian để kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn.

 



Báo cáo phân tích thị trường