Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 10/2020
09 | 11 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Kinh tế Trung Quốc gia tăng tốc độ hồi phục trong quý 3, mặc dù mức tăng trưởng không đạt dự báo. Nền kinh tế nước này tiếp tục đứng lên sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, giữ vai trò một trong những "đầu tàu" tăng trưởng hiếm hoi của kinh tế thế giới. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) nền kinh tế nước này tăng 4,9% trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng 0,7% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 5,6% trong tháng 8. Mức tăng 9 tháng đạt 1,2%. Tiêu dùng cũng đang có sự khởi sắc tốt - một dấu hiệu quan trọng khác về đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 3,3%, sau khi tăng 0,5% trong tháng 8. Trong quý 3, doanh thu bán lẻ tăng 0,9%, và 9 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 7,2%. Đầu tư tài sản cố định tăng 0,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019, sau khi giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm. Chính phủ nước này cũng rót hàng trăm tỷ USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn và hỗ trợ tiền mặt để kích thích người dân tiêu dùng. Những biện pháp này đã phát huy kết quả, thể hiện qua sự gia tăng mạnh của hoạt động du lịch và tiêu dùng, hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, thương mại với các đối tác cũng có nhiều điểm sáng.

Trung Quốc là đối tác truyền thống, có kim ngạch nhập khẩu NLTS lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng ba tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2020 đạt 752 triệu USD, tăng  1,51% so với tháng 8/2020, và tăng 11,36 % so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, sản phẩm từ cao su. So với tháng 8 năm 2020, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 95%, hạt điều tăng 60%, sản phẩm từ cao su tăng 30%, thủy sản tăng 20%, cà phê tăng 11%.  Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm, nhiều nhất là mây tre đan giảm 36%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 33%, rau quả giảm 24%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, thức ăn gia súc và nguyên liệu là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất, tăng 85%, tiếp đến là cao su tăng 60%, sản phẩm từ cao su tăng 30%, thủy sản tăng 22%, gạo và hạt điều tăng 11%; Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm, đặc biệt thịt và các sản phẩm thịt giảm 97%, chè giảm 42%, rau quả giảm 21%, cà phê giảm 19%.

Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 700 triệu con lợn, chiếm khoảng 1/2 toàn cầu. Để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Trung Quốc đặt mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn phải đạt trên 70%, đến năm 2030 là trên 75%. Riêng với thịt lợn, tỷ lệ tự cung tự cấp sẽ phải duy trì ở mức khoảng 95%, thịt bò và thịt cừu là khoảng 85%, nguồn sữa là trên 70%. Các loại trứng và thịt gia cầm về cơ bản có thể tự cung tự cấp. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho hay nguồn cung thịt lợn ở nước này dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện và giá khó có thể tăng trong thời gian còn lại của năm 2020, khi các chính sách hỗ trợ sản xuất thịt lợn có hiệu lực và hoạt động nhập khẩu mở rộng. Tuy xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng đến 95% so với tháng trước, đạt tổng cộng 93,151 USD, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2019 với 4,1 triệu USD. Hiện nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh đã siết chặt các biện pháp kiểm tra và quản lý các loại thịt và đồ hải sản đông lạnh nhập khẩu. Các mặt hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị nghiêm cấm đưa vào tiêu thụ. Một nền tảng online dùng để truy suất nguồn gốc thực phẩm nhập khẩu sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/11 tại đây.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19. Riêng trong quý II, Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc 3 tháng cuối năm sẽ có những chuyển biến tích cực do nhu cầu của người tiêu dùng sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc chưa hoàn toàn hồi phục sau dịch Covid. Năm 2020, sản lượng cá tra của Trung Quốc dự báo giảm xuống còn 18.000 tấn, so với mức 32.000 tấn năm 2019. Nông dân nuôi cá tra Trung Quốc gặp khó khăn do chất lượng con giống thấp, khí hậu không phù hợp, thiếu tiêu chuẩn hóa sản xuất và thịt vàng, trong khi người tiêu dùng ưa cá tra thịt trắng. Theo Liên minh Marketing và Chế biến các sản phẩm thủy sản nuôi Trung Quốc, mặc dù có thể nhập khẩu cá bột từ Việt Nam để nuôi thương phẩm, nhưng tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 20%. Để giải quyết vấn đề thịt vàng, ngành nuôi cá tra Trung Quốc đang nghiên cứu loại thức ăn chuyên dụng mới.

Giá cồn sinh học sản xuất từ ngô và sắn tại Trung Quốc giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu. Trong khi nguồn cung ngô từ thị trường nội địa lẫn nhập khẩu dồi dào khiến nhập khẩu sắn của Trung Quốc giảm. Trong khi xuất khẩu sắn lát tiếp tục xu hướng giảm mạnh thì xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tháng 9 năm 2020 lại tăng bật trở lại. Lượng xuất khẩu ghi nhận ở mức 156 nghìn tấn, với giá trị 63,6 triệu USD, tăng 36% về lượng và 38% về giá trị so với tháng 8 năm 2020. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhiều nhà máy tinh bột sắn hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm nghỉ, xuất khẩu tinh bột sắn đường biên mậu và đường biển đều đang được giá. Dự báo xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn trong tháng tới sẽ trầm lắng do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc yếu, giá xuất khẩu ít khả năng tăng như các tháng trước khi các nhà máy vào vụ mới, khiến nguồn cung tăng lên.

            Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu thứ 3 của Gỗ & SP gỗ của Việt Nam (chiếm 10,7% tỉ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ & SP gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020). Là thị trường nhập khẩu mặt hàng gỗ nguyên liệu (dăm gỗ, gỗ xẻ) của Việt Nam, với tình hình phục hồi trong quý 2 và quý 3 cả về tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm cho các sản phẩm: dăm gỗ, đồ gồ nội ngoại thất của Việt Nam

Theo WTO, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng  hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, trong đó nhóm các mặt hàng rau quả khoảng 9 – 10 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường đích đứng thứ nhất, trên 70% rau quả của Việt Nam xuất khẩu  sang thị trường này. Tuy vậy, hiện nay chỉ có 9 loại trái cây tươi của VN được phép nhập khẩu  chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngày 27/10/2020, Hội thảo quốc tế thông tin thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Theo các chuyên gia, những quy định thị trường đối với kiểm dịch thực vật - an toàn thực phẩm xuất khẩu của thị trường Trung Quốc trong thời gian qua đã có sự thay đổi. Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của rau quả nhập khẩu nhắm kiểm soát nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua một thời gian thực hiện, phía hải quan Trung Quốc cho biết, vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gây ảnh hưởng đến tiến độ và kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc.[1]

Với việc đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đường ổn định và phục hồi. Ngày 13/10/2020, IMF dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có thể tăng trưởng trong năm nay, với dự báo mức tăng GDP 1,9% – thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% năm 2019, song có thể bứt phá với mức tăng trưởng lên tới 8,2% trong năm tới 2021. Giới hoạch định chính sách toàn cầu đang đặt hy vọng vào một sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc để kích thích nhu cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế còn chật vật xoay sở với các biện pháp giãn cách xã hội và làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong 2020, với mức tăng 1,9%.

Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc quan hệ Trung-Mỹ sẽ diễn biến theo chiều hướng nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Bất kỳ sự gia tăng căng thẳng thương mại nào giữa hai nước cũng có thể dập tắt đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu và Mỹ sẽ gây trở ngại không nhỏ cho kinh tế toàn cầu, theo đó ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế Trung Quốc.

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.


[1] Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay có 1.735 mã số vùng trồng, diện tích trên 180.000 hecta cho 9 loại quả tươi là thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt. Có 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 628 mã vùng trồng, 924 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.  Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng TCCS về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tiến tới xây dựng TCVN trong năm 2021.

 

 



Báo cáo phân tích thị trường