Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 1/2021
22 | 02 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Năm 2020 là một năm nhiều biến động cho thương mại tại khu vực ASEAN, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và gây ra tổn hại nghiêm trọng cho thương mại khu vực. Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu suy giảm tại hầu hết các nền kinh tế khu vực. [1]

Tại Thái Lan, tháng 12/2020, cán cân thương mại thặng dư ở mức 0,96 tỷ USD, đây là tháng thứ 11 liên tiếp Thái Lan ghi nhận mức xuất siêu trong năm 2020. Trong đó, xuất khẩu bất ngờ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 20,08 tỷ USD, đây là điểm tích cực khi mà trong tháng 11 xuất khẩu của nước này đã giảm 3,7%. Con số này cũng vượt qua dự báo thị trường ở mức 2,0%. Trong số các động lực xuất khẩu chính, điện tử phục hồi mạnh mẽ khi tăng 15,9%, nông sản tăng 2,1%; tuy nhiên xuất khẩu ô tô và linh kiện giảm 0,2%. Tính chung cả năm 2020, cán cân thương mại của Thái Lan tăng đột biến khi mức thặng dư đạt 24,48 tỷ USD, tăng 144,45% so với năm 2019.Tuy nhiên, việc tăng của cán cân thương mại nước này chưa phản đầy đủ thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể cán cân tăng nhưng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, trong đó xuất khẩu đạt 231,47 tỷ USD, giảm 6,01% so với năm 2019, và nhập khẩu đạt 206,99 tỷ USD, giảm nhiều hơn với mức giảm 12,4%.

Tại Indonesia, theo cơ quan Thống kê Indonesia, cán cân thương mại nước này thặng dư 2,10 tỷ USD trong tháng 12/2020, đây là mức cao nhất kể từ năm 2011. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp Indonesia ghi nhận mức thặng dư do xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm. Trong đó, xuất khẩu đạt 16,54 tỷ USD; tăng 14,63% so tháng 12 năm 2019, chủ yếu do doanh thu xuất khẩu ngoài dầu mỏ cao hơn (tăng 16,73%). Ngược lại, nhập khẩu đạt 14,44 tỷ USD; giảm 0,47% so với tháng 12 năm 2019, chủ yếu do lượng mua dầu và khí đốt giảm mạnh với mức giảm 30,54%. Tính chung cả năm 2020, cán cân thương mại của Indonesia thặng dư 21,74 tỷ USD, tăng 505,57% so với năm 2019. Đây là mức thặng dư thương mại lớn nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, mức tăng thặng dư cán cân thương mại là do xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu đạt 163,3 tỷ USD, giảm 2,61%, trong khi nhập khẩu đạt 141,5 tỷ USD, giảm tới 17,34% so với năm 2019.

Cán cân thương mại của Malaysia cũng thặng dư 16,82 tỷ RM, tăng 151,6% so với tháng 11/2019, đây là mức thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay và cao hơn mức kỳ vọng của thị trường (mức 12,7 tỷ RM) do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm. Cụ thể, xuất khẩu đạt 84,43 tỷ RM, tăng 4,3% so với tháng 11 năm 2019, nhập khẩu đạt 67,61 tỷ RM, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại Malaysia thặng dư đạt 163,86 tỷ RM, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mức thặng dư này có được cũng giống như Thái Lan, Indonesia khi đều bắt nguồn từ nguyên nhân xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu đạt 885,02 tỷ RM, giảm 2,6%  và nhập khẩu đạt 721,16 tỷ RM, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngược lại với xu hướng thặng dư thương mại trên, cán cân thương mại của Philippines lại thâm hụt 2,18 tỷ USD trong tháng 12/2020, giảm so với mức thâm hụt 2,97 tỷ USD của tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,74 tỷ USD, giảm 0,2% % so với tháng 12/2019, và nhập khẩu đạt 7,92 tỷ USD, giảm 9,1%. Tính chung cả năm 2020, thâm hụt thương mại của Philipinnes giảm mạnh xuống còn 21,84 tỷ USD, tức là giảm tới 46,3% so với mức 40,67 tỷ USD của năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 63,77 tỷ USD, giảm 10,1% và nhập khẩu đạt 85,61 tỷ USD, giảm 23,3% so với năm 2019.

Việt Nam là một trong số ít các điểm sáng về thương mại năm 2020 của thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (tháng 01/2021) dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN-5[2] sẽ hồi phục một cách mạnh mẽ ở mức 5,2% trong năm 2021 và 6,0% trong năm 2022, điều này có thể giúp thương mại khu vực được cải thiện trong thời gian tới.

Về thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, trong năm 2020, ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hàn Quốc, với giá trị nhập khẩu đạt 30 tỷ USD, riêng các ngành nông lâm thủy sản đạt 3,42 tỷ USD. Về xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, năm 2020 đánh ghi nhận mức tăng trưởng dương của Việt Nam sang các quốc gia trong khu vực, với mức tăng trưởng hơn 3,92% so với năm 2019, đạt 3,57 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN là rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, cao su thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó nhóm mặt hàng có tăng trưởng cao là gạo (+22,87%), rau quả (+21,77%, phân bón và thức ăn chăn nuôi (lần lượt là +16,81% và +7,14%), sản phẩm từ cao su (+5,5%). Các nhóm sản phẩm khác như cà phê, cao su, chè, thủy sản, thịt, điều, tiêu, sắn đều giảm.

Tải báo cáo chi tiết tại đây.



[1] Theo Thời báo Tài Chính Việt Nam

[2] ASEAN-5 gồm Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia

 



Báo cáo phân tích thị trường