Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 5/2021
11 | 06 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm khoảng 9% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 giảm 7,08%,  trong khi kim ngạch nhập khẩu NLTS tăng cao ( tăng 170%) Tính riêng tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 396 triệu USD, tăng 19,9% so với tháng trước, đồng thời tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 4 là gạo (chiếm 48%), thủy sản (chiếm 13%), cà phê (chiếm 8%), phân bón các loại (chiếm 7%), gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 6%. So với tháng 3/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao, đặc biệt là thịt và sản phẩm thịt ( tăng 505%), tiếp đến là gạo ( tăng 58%), phân bón các loại (tăng 46%), hạt điều tăng (27%), trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là sắn và các sản phẩm sắn ( giảm 73%), chè (giảm 41%), rau quả giảm 17%.  So với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thịt và các sản phẩm thịt ( tăng 936%), gỗ và sản phẩm gỗ ( tăng 120%), cao su ( tăng 74%), sản phẩm cao su tăng (58%). Ngoại trừ sắn và các sản phẩm sắn có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh (giảm 92%), các mặt hàng khác giảm không đáng kể. (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Để đối phó với việc giá thịt lợn tăng cao do dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn, Philippines đã tạm thời giảm thuế suất thịt lợn và tăng khối lượng hạn ngạch. Vào ngày 15/5/2021, Tổng thống Duterte ban hành Sắc lệnh số 134, đặt mức thuế thịt lợn thấp hơn đáng kể so với mức ban đầu là 30% trong hạn ngạch và 40% ngoài hạn ngạch. Tổng thống cũng đã ban hành Lệnh hành pháp 133 vào ngày 11/5/2021, nâng Lượng tiếp cận tối thiểu hoặc hạn ngạch thuế quan đối với thịt lợn nhập khẩu từ 54.210 tấn đến 254.210 tấn.

Vào 15/5, chính phủ Philippines đã quyết định giảm thuế suất MFN từ 40-50% xuống 35% trong năm nay với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung, nâng cao phúc lợi tiêu dùng cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Quan ngại trước phản ứng tiêu cực của người dân, 5 ngày sau khi ban bố Sắc lệnh trên, chính phủ Philippines cho biết họ sẽ không nhập khẩu gạo trong thời gian người dân tiến hành thu hoạch.

Theo dự báo cập nhật tháng 5/2021 của USDA, sản lượng gạo của ASEAN trong năm 2021 vẫn được dự báo là sẽ đạt khoảng 115,2 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2020. Về nhập khẩu, lượng gạo nhập khẩu của ASEAN năm 2021 kỳ vọng sẽ đạt 5,0 triệu tấn, giảm 75 nghìn tấn so với năm 2020.

Theo thương vụ Việt Nam tại Campuchia, 37 công ty trồng xoài của Campuchia vừa được phía Trung Quốc chính thức chấp nhận cho xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này với khoảng 500.000 tấn mỗi năm. Như vậy sau hơn 3 năm đàm phán (từ năm 2018), Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã chính thức chấp nhận cho 37 công ty có trang trại trồng cây xoài, 5 công ty có nhà máy xử lý đóng gói quả xoài tươi của Campuchia đủ điều kiện để xuất khẩu quả xoài tươi trực tiếp vào Trung Quốc. Đây là trái cây thứ hai, sau quả chuối của Campuchia được trực tiếp xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Trung Quốc và Campuchia sẽ ưu tiên đàm phán về xuất khẩu thanh long, nhãn, dừa và các loại trái cây khác sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Ngày 3/6/2021, vải U hồng Thanh Hà đã có mặt trên các kệ siêu thị tại Singapore. Chính thức thâm nhập thị trường Singapore từ năm 2020, vải Việt Nam đã ghi dấu ấn tốt tại thị trường nhờ ưu thế về chất lượng và giá cả. Mức giá bán của vài thiều Việt Nam tại Singapore năm nay đã cao hơn năm ngoái, được bày bán trên toàn bộ 230 siêu thị của FairPrice. Từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40 ft, dự kiến đến cuối tháng 7/2021, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.  Hàng năm, Singapore nhập khẩu tới hơn 2000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các nước Nam bán cầu như Úc, Nam Phi, Madagascar, Mauritius… Là nước không trồng vải, nhưng hàng năm, Singapore xuất khẩu gần 400 tấn vải tươi và đóng gộp, tức khoảng 20% khối lượng nhập khẩu. Vải tươi được Singapore tái xuất chủ yếu sang: Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines; vải đóng hộp sang hàng chục thị trường, bao gồm: các nước ASEAN, Nam Á (Srilanka, Bangladesh, Pakistan), Maldives, Barbados, Fiji, Papua New Guinea,Kenya, Seychelles, các nước vùng Vịnh… Nếu không tính thị trường Trung Quốc, Singapore có thể cũng được coi là một “đối thủ cạnh tranh” với Việt Nam về khối lượng xuất khẩu trái vải ra thế giới.

 ‎Indonesia đã đặt mục tiêu đạt 6,05 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản vào năm 2021, cao hơn 1 tỷ USD so với năm trước. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa thủy sản của nước này đạt 1,75 tỷ USD trong quý I/2021, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư cán cân thương mại trong giai đoạn này đạt 1,59 tỷ USD, tăng 3,26%, so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng ‎‎ ‎‎giá trị xuất khẩu‎‎ ‎‎ và thặng dư cán cân thương mại trong lĩnh vực hàng hải và thủy sản đã trở thành động lực để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản là 6,05 tỷ USD vào năm 2021‎.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường