Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 8/2021
15 | 09 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 27,46% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 2,12 tỷ USD, tăng 32,44%. Tính riêng tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 752,94 triệu USD, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2021 là cao su (chiếm 32,6%), rau quả (chiếm 15,7%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 14,5%), thủy sản (chiếm 11,2%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 9,3%). So với tháng 6/2021, hầu hết các mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là thịt và sản phẩm thịt (giảm 58,1%), gạo (giảm 46,9%), cà phê (giảm 34,9%), mây tre đan (giảm 33,0%), rau quả (giảm 25,8%), …; các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là cao su (tăng 29,9%) và chè (tăng 2,5%). So với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thịt và sản phẩm từ thịt (cao gấp 33 lần), gạo (tăng 55,4%), chè (tăng 52,4%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 50,5%), hạt điều (tăng 48,3%), cao su (tăng 20,6%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 10,3%), rau quả (tăng 9,4%), …; các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là mây tre đan (giảm 56,4%), thủy sản (giảm 25,8%), cà phê (giảm 13,5%), sản phẩm từ cao su (giảm 7,4%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ của quốc gia này trong tháng 7/2021 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với dự báo 11,5% mà Reuters thăm dò các nhà phân tích trước đó.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,4% trong tháng 7/2021, thấp hơn kỳ vọng ở mức 7,8%. Trong 7 tháng đầu năm 2021, đầu tư tài sản cố định tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng dự đoán 11,3%. Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố trong tháng 7 là 5,1%; tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 - 24 tuổi là 16,2%.

Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm biến thể Delta lan rộng nhanh chóng kể từ khi bùng phát ở Nam Kinh vào tháng trước, dẫn đến việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát ở nhiều tỉnh và làm dấy lên lo ngại về việc chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm. Vào đầu tháng 7, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng quý 3 từ 5,8% xuống 2,3%, đồng thời cắt giảm dự báo cả năm từ 8,6% xuống 8,3%.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 8,2% cho năm 2021, đồng thời nói rằng, sự bùng phát của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu dùng và ngành dịch vụ.

Theo chuyên gia của Capital Economics, mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã khởi động lại các nỗ lực để giảm chi phí đi vay, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy họ có ý định nới lỏng các biện pháp kiểm soát định lượng đối với cho vay và đảo ngược tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại gần đây, vốn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu vốn trong những quý tới.

Trang thương mại điện tử Pinduoduo là một trong những nền tảng nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, đã cam kết đóng góp 1,5 tỷ USD cho người trồng trọt và ngành nông nghiệp Trung Quốc. Công ty này muốn thúc đẩy các thực hành bền vững với môi trường và đầu tư vào hệ thống nông sản thực phẩm. Công ty đã công bố thành lập “Sáng kiến ​​Nông nghiệp 10 tỷ nhân dân tệ” và cho biết họ sẽ trích 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) tiền lợi nhuận để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển công nghệ nông nghiệp.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, công ty bán lẻ và rang xay cà phê đặc sản có ảnh hưởng của Trung Quốc Seesaw Coffee đã nhận được khoản đầu tư 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,4 triệu USD) từ chuỗi cửa hàng trà sữa HeyTea của Trung Quốc và các cổ đông của nó. Báo hiệu niềm tin vào cả sự phục hồi sau đại dịch và sự tăng trưởng liên tục của thị trường cà phê đặc sản của Trung Quốc, khoản đầu tư này thể hiện vai trò đầu tiên của HeyTea trong lĩnh vực cà phê. Công ty trà, bắt đầu với một cửa hàng duy nhất ở Giang Môn vào năm 2012, hiện có hơn 200 địa điểm bán lẻ.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường