Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 2/2022
18 | 03 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 2-2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục là 5,8%. Yếu tố này được xem là trở ngại lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của khu vực này.

Trong số 19 quốc gia Eurozone, mức lạm phát cao nhất được ghi nhận tại Lithuania (13,9%) và thấp nhất là Pháp (4,1%). Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guiundos mô tả, mức lạm phát của tháng 2-2022 là “một bất ngờ tiêu cực”, đồng thời nhận định điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của châu Âu. ECB hiện duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể giảm tới 0,4% trong năm 2022. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao kỷ lục được xác định bởi giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh.

Giá dầu mỏ và khí đốt tại châu Âu đã bắt đầu tăng từ khi xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2014 nổ ra, khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Tới nay, căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục khiến giá dầu thô Brent nhảy vọt, chạm đỉnh 110 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Tương tự, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lên mức 108,64 USD, cao nhất từ năm 2013, trong khi giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng lên mức kỷ lục mới. Tại sàn giao dịch ICE (London, Anh), giá khí đốt giao tháng 4-2022 tại Trạm trung chuyển TTF (Hà Lan) đã vọt lên 2.279 USD/1.000m3 (tương đương 193,95 euro/1MWh), vượt đỉnh cũ 2,226 USD/1.000m3 ghi nhận cuối tháng 12-2021.

Cùng với năng lượng, giá cả hàng hóa cũng tăng nhanh. Theo Eurostat, giá thực phẩm trong khu vực đã tăng 4,1% trong tháng 2 so với mức 3,5% của tháng đầu năm, do Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Giá nhôm - vật liệu công nghiệp quan trọng với các ngành sản xuất ô tô, máy bay, đồ gia dụng… cũng chạm đỉnh 3,552 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London. Điều này được cho là tất yếu bởi Nga là nhà sản xuất nhôm lớn trên thế giới. Khó khăn đến từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng góp phần vào đà tăng chi phí tiêu dùng.

Lạm phát tại Eurozone được dự báo còn tăng trong những tháng tới, do căng thẳng Nga - Ukraine tiếp diễn. Những kịch bản lạc quan nhất cho rằng, lạm phát sẽ đạt 6% trước khi giảm xuống 4% vào cuối năm - là mức cao gấp đôi ngưỡng 2% mà ECB hướng tới. Để giải bài toán khó lúc này, điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt với Nga đã phá vỡ mọi kế hoạch tìm kiếm tăng trưởng kinh tế tại Châu Âu.

Chiến sự tại Ukraine cũng đã đặt “hòn đá tảng” lên nỗ lực của ECB trong việc hoạch định chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, khiến thể chế tài chính này không có nhiều lựa chọn trong giải quyết lạm phát. Cắt giảm chương trình mua trái phiếu và mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản sẽ làm trầm trọng tình trạng tăng trưởng chậm, dù khiến lạm phát giảm mạnh xuống dưới mục tiêu trong năm 2023. Trong khi đó, nếu giữ nguyên các biện pháp kích thích và chịu đựng một thời kỳ lạm phát rất cao để tạo nền tảng cho nền kinh tế cũng không khả quan, bởi sẽ tạo ra nhu cầu tăng lương cho người lao động, dẫn tới nguy cơ một đợt tăng giá khác do các doanh nghiệp tìm cách bù đắp chi phí.

Căng thẳng Nga-Ukraine và biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra sự thiếu hụt, nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chí phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp. Mặt khác, kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao cũng gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho doanh nghiệp toàn cầu. Tuy vậy, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, còn Ukraine đứng thứ 5. Căng thẳng hai nước làm giá lúa mỳ tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá nhiều loại ngũ cốc, nông phẩm khác. Cũng như một số nước khác, Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine. Việt Nam xuất khẩu gạo trên 6,5 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ. Vì doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và nông phẩm Việt Nam không chỉ có lợi thế xuất khẩu về sản lượng mà thị trường, giá cả có thể tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, vào thời điểm này cũng là điều kiện tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và đa dạng nông phẩm lương thực sang thị trường EU. Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần trong thị trường EU, trước tiên là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Song song đó, Việt Nam nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng Châu Âu ưa chuộng.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong tháng 1 năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 482,3 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 87,1 triệu USD, tăng 57,1% về xuất khẩu nhưng giảm 2,0% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 101,7%), cao su (giảm 5,2%), chè (tăng 120,8%), gạo (tăng 381,6%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 25,3%), hàng rau quả (tăng 72,1%), hàng thủy sản (tăng 63,7%), hạt điều (tăng 3,3%), hạt tiêu (tăng 166,4%), mây, tre, cói và thảm (tăng 60,9%), và sản phẩm từ cao su (giảm 12,0%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường