Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC THÁNG 2/2022
18 | 03 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Ngày 24/02/2022, tại cuộc họp chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã nâng dự báo lạm phát của nước này năm 2022 từ mức 2% (đưa ra tháng 11/2021) lên mức 3,1%, trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao. Trong khi đó, dự báo về tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2022 vẫn được giữ ở mức 3%.

Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gao trong năm 2022. Trong nửa đầu năm 2022, các đợt đấu thầu dự kiến sẽ được thông báo vào tháng 1, tháng 2, tháng 4 và tháng 6 (tổng cộng bốn lần). Nửa cuối năm 2022, dự kiến sẽ tổ chức thêm hai hoặc ba đợt đấu thầu tùy thuộc vào tình hình trong nước.

Trong đợt đấu thầu vào tháng 1/2022, Hàn Quốc không triển khai nhập khẩu gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Đợt đầu thầu tháng 2/2022, Hàn Quốc thông báo mở thầu mua 27.791 tấn gạo từ Việt Nam (gồm cả gạo lứt hạt dài và gạo tẻ hạt dài).

Kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. Thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%. Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 5 nước gồm Trung Quốc, Hoa kỳ, Việt Nam, Thái Lan và Úc. Trong đó, Việt Nam được phân bổ 55.112 tấn. Khối lượng 20.000 tấn gạo nhập khẩu còn lại được áp dụng theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc năm 2021, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc đông lạnh chiếm tới 78% tổng giá trị xuất khẩu. Việc được hưởng ưu đãi thuế quan 0% giúp Việt Nam tăng bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh sang thị trường Hàn Quốc. Trái lại, xuất khẩu các sản phẩm mực khô/nướng và mực tươi/sống/đông lạnh giảm lần lượt 23% và 7%. Giá trị xuất khẩu hai nhóm sản phẩm bạch tuộc chế biến và bạch tuộc khô, muối, sống, tươi, đông lạnh tăng lần lượt 3% và 13%. Xuất khẩu mực chế biến tăng mạnh nhất 52%.

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...

Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Bạch tuộc đông lạnh là sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất vào Hàn Quốc, chiếm 39% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc vào thị trường này.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 11 tháng năm 2021, Hàn Quốc đã chi hơn 53 triệu USD để nhập khẩu sắn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Hàn Quốc. 11 tháng năm 2021, sắn Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc là hơn 42 nghìn tấn, tăng tới 56,8% so với 11 tháng năm 2020.

Với lượng nhập khẩu rất lớn như trên, sắn Việt Nam đang chiếm thị phần áp đảo trong tổng trị giá nhập khẩu sắn của Hàn Quốc (chiếm 79,1%), tăng mạnh so với mức 63,8% trong 11 tháng năm 2020. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn thứ 3 trên thế giới trong năm 2021, đứng sau Trung Quốc và Mỹ.

Tháng 01/2022, Việt Nam xuất khẩu 231,6 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 45,9%, thứ hai là thủy sản với 30,2%, rau quả chiếm 5,3%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, chỉ cao su và sắn là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường