Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 3/2022
15 | 04 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát hàng năm của Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 3/2022, tăng từ 5,9% vào tháng 2/2022. Lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức hai con số ở một số quốc gia thành viên EU, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%, tỷ lệ tăng chậm nhất được ghi nhận ở Malta, với mức tăng 4,6%. Đối với các quốc gia thành viên quan trọng của EU thì lạm phát ở Đức đã tăng 7,6%, Pháp là 5,1%,  Italia là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%.

Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu có khả năng bị thúc đẩy bởi 3 yếu tố, bao gồm giá năng lượng trên toàn thế giới tăng cao, áp lực ngày càng tăng trong lĩnh vực thực phẩm và một số điểm nghẽn sản xuất. ECB đã bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng điều tiết đà tăng lạm phát. Các quốc gia châu Âu không sử dụng đồng euro như Cộng hòa Séc, Anh, Na Uy cũng đang triển khai động thái tương tự.

Theo Eurostat, giá năng lượng trong tháng 3/2022 đã tăng 44,7% so với tháng 3/2021. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 5,0% trong một năm. Các loại hàng hóa công nghiệp, không bao gồm năng lượng tăng 3,4% và hàng hóa dịch vụ tăng 2,7%. Tỉ lệ lạm phát, không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến, đã lên tới 3,2% trong một năm, so với 2,9% một tháng trước đó. Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ năm 1997.

Liên minh châu Âu (EU) đang quan ngại về tình hình giá nông sản, nhiên liệu trên toàn cầu tăng mạnh do căng thẳng Nga-Ukraine. EU không có nguy cơ thiếu lương thực, nhưng lo ngại những hậu quả mà cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra ở châu Phi hoặc châu Á, dẫn đến tác động gián tiếp đến EU; do đó, EU phải đảm bảo an ninh lương thực. Một số quốc gia thành viên cũng đang kiến nghị các mục tiêu xanh của Chính sách nông nghiệp chung (PAC) nên nhường chỗ cho an ninh lương thực và các yêu cầu sản xuất khác.

Nga và Ukraine nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm 30% lượng xuất khẩu lúa mỳ. Do đó, kể từ khi xung đột bùng nổ, giá lúa mỳ, đậu nành, hạt cải dầu và ngô trên thế giới đã tăng vọt, cũng như giá phân bón và nhiên liệu. Chính vì vậy, EU đang tìm cách để tăng sản lượng nông nghiệp và hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng do nguồn cung thức ăn chăn nuôi giảm mạnh. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các đề xuất hỗ trợ. Các đề xuất của EC sẽ cho phép tái phát triển 4 triệu hectar đất trồng trọt trên lãnh thổ EU. EC sẽ áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự gián đoạn thị trường và hỗ trợ dự trữ tư nhân thức ăn chăn nuôi cho ngành lợn, cho phép sử dụng đất hoang để chăn thả hoặc phát triển các loại cây trồng chứa nhiều protein. EC cũng dự định tăng tỷ lệ ứng trước trong các khoản thanh toán trực tiếp cho nông dân và sẽ tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên về khả năng thiết lập một cấu trúc liên kết tạm thời mới trong thời kỳ khủng hoảng.

Về thương mại NLTS của EU với Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất 793,7 triệu USD sang EU, trong khi nhập khẩu 247,9 triệu USD, tăng 47,7% về xuất khẩu và 58,6% về nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU so với năm 2021 cụ thể như sau: cà phê (tăng 75,9%), cao su (giảm 13,6%), chè (giảm 53,1%), gạo (tăng 334,1%), gỗ & sản phẩm gỗ (tăng 8,9%), hàng rau quả (tăng 39,1%), hàng thủy sản (tăng 65,5%), hạt điều (tăng 21,3%), hạt tiêu (tăng 124,2%), mây, tre, cói và thảm (tăng 50,5%), và sản phẩm từ cao su (giảm 25,6%). 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường