Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 6/2022
15 | 07 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4,05 tỷ USD, tăng 4,29% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 1,51 tỷ USD, tăng 18,94%. Tính riêng tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 868,08 triệu USD, giảm 4,69% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 5 là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 24,0%), thủy sản (chiếm 19,7%), cao su (chiếm 14,4%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 12,1%), rau quả (chiếm 11,6%), hạt điều (chiếm 6,7%); gạo (chiếm 5,5%). So với tháng 4/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: chè (tăng 195,6%), cao su (tăng 57,7%), hạt điều (tăng 46,9%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 14,8%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 11,9%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là rau quả (giảm 41,7%), cà phê (giảm 40,2%), gạo (giảm 25,5%), thủy sản (giảm 18,6%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 16,6%). So với cùng kỳ, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: thủy sản (tăng 78,6%), cao su (tăng 44,5%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 39,4%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 35,1%), chè (tăng 15,0%), cà phê (tăng 7,0%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là rau quả (giảm 46,3%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 31,7%), gạo (giảm 18,5%), hạt điều (giảm 18,3%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 04.07.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 713 xe, trong đó xe chở hoa quả là 547 xe hoa quả và 166 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 283 xe (143 xe tại khu trung chuyển và 140 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 231 xe hoa quả, tất cả đều được chở bằng container lạnh; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 430 xe (tại bãi Bảo Nguyên 346 xe, khu phi thuế quan 85 xe), trong đó có 316 xe hoa quả (01 xe chở bằng xe nóng, 315 xe chở bằng container lạnh); (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma không còn phương tiện tồn.

Ngày 27/6/2022, các lực lượng quản lý biên giới phía Trung Quốc đã thí điểm nhập khẩu các loại nông sản của Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) với 3 mặt hàng thanh long, vải thiều và xoài sau hơn 4 tháng tạm dừng thông quan (từ ngày 17/2/2022). Đến ngày 4/7, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm dựng toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành do phía Trung Quốc phát hiện trên hàng hóa của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc và lái xe Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thời gian thực hiện trong ngày 04/7 cho đến khi có thông báo mới của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, từ 19h tối ngày 5/7, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) được nối lại.

Theo Tổng cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, sản lượng công nghiệp trong tháng 5 của nước này tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 2,9% trong tháng 4. Theo giới phân tích, sản lượng công nghiệp phục hồi là nhờ việc nới lỏng các hạn chế được áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và nhờ nhu cầu toàn cầu tăng mạnh mẽ. Lĩnh vực khai khoáng đứng đầu về sản lượng công nghiệp trong tháng 5, với mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi lĩnh vực chế tạo chỉ tăng 0,1%, chủ yếu nhờ sản xuất xe năng lượng mới tăng tới 108,3%.

Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 17.170 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.540 tỷ USD), giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5, doanh thu bán lẻ giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 giảm 0,2% so với mức tăng 0,4% của tháng trước. Về thực phẩm, với số lượng lớn rau trên thị trường, công tác hậu cần dần được thông suốt, giá rau tươi giảm 15,0%; công tác thu mua, tích trữ thịt lợn dự trữ tiếp tục được triển khai dẫn đến giảm sản lượng, giá thịt lợn hơi tăng 5,2%. Giá bột mì, sản phẩm ngũ cốc và dầu ăn trong nước lần lượt tăng 0,8%; 0,8% và 0,7%. Đối với các mặt hàng phi thực phẩm, sự biến động của giá dầu quốc tế đã ảnh hưởng đến giá xăng và dầu diesel trong nước, đều tăng ở mức 0,6%.

Trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là 49,6%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với tháng trước và mức độ phát triển chung của ngành sản xuất đã được cải thiện. Xét theo quy mô doanh nghiệp, chỉ số PMI của các doanh nghiệp lớn là 51,0%, tăng 2,9 điểm phần trăm so với tháng trước; PMI của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 49,4% và 46,7%, tăng 1,9 và 1,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Theo người phát ngôn Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tình hình phòng chống dịch bệnh nhìn chung được cải thiện, trật tự sản xuất và đời sống từng bước được khôi phục, nhu cầu thị trường đang dần được cải thiện do chính sách bình ổn đầu tư và đẩy mạnh tiêu thụ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9,5 điểm phần trăm so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,3%. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 ở khu vực thành thị trên toàn quốc là 5,9%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư có hộ khẩu nông nghiệp là 6,2%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước. 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường