Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái cơ cấu ngành điều để phát triển bền vững
06 | 05 | 2018
Hội nghị Phát triển ngành điều Việt Nam diễn tại tỉnh Bình Phước ngày 5/5, tại đây các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) đã thảo luận về hiện trạng và giải pháp phát triển ngành điều, thực hiện tái cơ cấu không tăng diện tích, thâm canh, tái canh, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và khuyến nông, xây dựng thương hiệu... nhằm đưa ngành điều phát triển bền vững.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) diện tích cây điều cả nước năm 2017 là 337.143 ha, bao gồm cả 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của tỉnh Bình Phước, tăng 4.410 ha so với năm 2016. Trong đó diện tích cho thu hoạch 283.216 ha, chiếm 94,10%. Diện tích trồng điều ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ 183.700 ha, chiếm 61% diện tích cả nước.

Tính đến nay, cả nước có hơn 465 DN chế biến điều với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Trong đó, chế biến sâu có khoảng 20 DN với công suất 15,4 ngàn tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Hạt điều Việt Nam hiện đã xuất khẩu trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD. Cùng với đó là việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến điều, góp phần tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực trồng trọt và sản xuất cho gần 1 triệu dân.

Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy ngành điều Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức như tốc độ tăng trưởng của nguồn cung điều hàng năm chỉ đạt 3,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng 6%/năm. Như vậy, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng, thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến trong vài năm trở lại đây.

Định hướng phát triển ngành điều đến năm 2020 tiếp tục giữ ổn định 300.000 ha điều, sản lượng 450.000 tấn. Vùng trọng điểm 200.000 ha ở 4 tỉnh: Bình Phước 135.000 ha, Đồng Nai 40.000 ha, Bình Thuận 17.000 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 8.000 ha, các vùng khác 100.000 ha. Tái canh và ghép cải tạo 60.000 ha, trong đó tái canh 45.000 ha và ghép cải tạo 15.000 ha…

Ngoài ra, ngành nông nghiệp xác định đến năm 2030 không tăng diện tích mà tập trung tái cơ cấu ngành điều, DN cũng cần tái cơ cấu và tập trung chế biến sâu, thâm canh đúng quy trình, xây dựng mô hình và ổn định đầu ra, phối hợp giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông để tăng năng suất vườn điều... Trong đó tại các tỉnh trồng điều nhiều như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông… cần thực hiện thâm canh, tái canh vườn điều bằng giống tốt, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và khuyến nông, tăng cường dự báo tổ chức lại sản xuất…

Theo Báo Công thương



Báo cáo phân tích thị trường