Phát biểu tham luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định những kết quả tích cực đạt được về KT-XH thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thì “vẫn còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ”. Một trong số đó là “các vụ giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn”. Theo đó, “giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản”.
“Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản - đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp”, đại biểu nêu vấn đề và cho rằng, để không còn “nền nông nghiệp giải cứu”, “nông nghiệp từ thiện”, cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản”.
Tuy nhiên, “việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ, hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự phát triển khai, mà cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường”. Muốn vậy, “cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.
Trước nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp và câu chuyện “được mùa mất giá,” "giải cứu nông sản," giá cả không bù đắp được chi phí sản xuất, nông dân không thiết tha với đồng ruộng…, chiều 25/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
Tái cơ cấu ba nhóm sản phẩm đi đúng hướng
Theo Bộ trưởng, tái cơ cấu ở 3 trục, nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm quốc gia - gồm trên 10 mặt hàng có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp làng, xã, đặc sản đang từng bước khẳng định hướng đi đúng, có những kết quả ban đầu, dù phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Ba nhóm này đang được cơ cấu tổ chức lại theo chuỗi theo hướng áp dụng công nghệ cao. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ví dụ về một số sản phẩm điển hình của nhóm sản phẩm quốc gia như sữa, thủy sản; nhóm sản phẩm trục cấp tỉnh của Bắc Giang như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi…
Ở khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, trong đó phần lớn là doanh nghiệp trong nước, trừ một số lĩnh vực như thức ăn chăn nuôi gia súc, chế tạo giống. Song, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp trong nước sẽ chiếm thị phần chủ yếu, thể hiện hướng đi đúng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
Tuy nhiên, với đặc điểm gần 86 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, Bộ trưởng cho rằng việc đi lên nền nông nghiệp hiện đại cần khoảng thời gian nhất định.
“Các tồn tại đại biểu Quốc hội trao đổi hoàn toàn đúng, vì tính liên kết trong các nhóm sản phẩm còn yếu, kể cả trong 3 trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm cấp tỉnh, trục sản phẩm ở địa phương, liên kết người sản xuất với cơ sở chế biến cho đến tổ chức thị trường, khâu này của chúng ta nhìn chung là còn yếu,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhận định nền công nghiệp chế biến hiện nay chưa tương xứng với sức sản xuất. Đây là “khâu tồn tại,” nút thắt phổ biến trong tất cả các ngành hàng, kể cả một số ngành được coi là mạnh như chế biến thủy - hải sản, tôm, cá ba sa, dẫn đến tình trạng có thời điểm sản phẩm bị dư thừa thời vụ, hoặc khi thị trường biến động sản phẩm cũng bị dư thừa, đặc biệt là chuỗi giá trị chưa cao. Quản lý trong nước nhiều mặt còn bất cập như vấn đề vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, kiểm soát lưu thông hàng hóa… đều là những khâu còn yếu kể cả bộ chuyên ngành và quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Về thị trường, hiện có tình trạng xuất khẩu nhiều, nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu. Mẫu mã, loại hàng hóa chưa tương xứng với tầm vóc của mở rộng thị trường hiện nay. “Tổ chức thị trường trong nước vẫn chưa hoàn thiện. Đất nước chuyển đổi sang 30% là đô thị nhưng các thiết chế hạ tầng hiện đại để phục vụ cho thị trường trong nước chưa bắt kịp với nhu cầu”, Bộ trưởng nói. Ông cũng cho rằng, để huy động nhiều lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đất đai vẫn còn là nút thắt. Cần tháo gỡ để tích tụ đất đai, thu hút nhiều doanh nghiệp vào, trở thành nòng cốt phát triển của ngành.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các địa phương, các thành phần kinh tế để tháo gỡ vừa bằng cơ chế, chính sách, vừa bằng cải cách thủ tục hành chính, phối hợp liên kết để đưa nhiều thành phần tham gia, bao gồm cả hợp tác quốc tế.
Cần phát huy hơn nữa vai trò của Tư lệnh ngành
Không đồng tình với giải đáp của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận, trao đổi về cách phân loại nông sản, hàng hóa theo 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Theo đại biểu, "cách nói của Bộ trưởng có thể dẫn đến hiểu lầm, đó là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm".
Ông Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa; chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy yếu tố tác động từ các cấp chính quyền đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Và câu chuyện "được mùa rớt giá," "giải cứu nông sản" chính là từ tư duy phân cấp quản lý như này.”
Để làm rõ hơn quan điểm của mình, đại biểu Lê Thanh Vân phân tích trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ. Nhiều nước sẵn sàng để ruộng đất bỏ hoang nếu như không có đặt hàng. “Trong khi đó, nông dân của chúng ta sản xuất hàng hóa theo thị trường khi mà có lợi, có tính trào lưu tiêu thụ mà không tính đến cung cầu.” - đại biểu Vân nhấn mạnh.
Từ những nguyên nhân đã nêu, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về chỉ dẫn địa lý, năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá thành. Theo đại biểu, môi trường internet kết nối vạn vật có thể góp phần giải tỏa được câu chuyện về giải cứu nông sản, “được mùa rớt giá”. Tuy nhiên, đây là việc không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của ngành Nông nghiệp mà còn cần sự chung tay của các bộ, ngành khác.
Về vấn đề “nông nghiệp thông minh,” đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần lựa chọn những công nghệ mới dựa trên những phân tích cơ sở dữ liệu, từ đó lựa chọn công nghệ, lựa chọn giống cây con thích hợp với năng lực sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu. Những giải pháp trên sẽ giúp phát huy vai trò điều tiết của ngành Nông nghiệp một cách đúng hướng.
Chưa hài lòng với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những giải thích của Bộ trưởng chưa thể hiện hết vai trò của Tư lệnh ngành trong việc bảo hộ cho người nông dân trong sản xuất. Đại biểu Châu dẫn ví dụ về vụ việc cà phê trộn pin gây xôn xao dư luận mới đây. Ngày 15/4/2018, sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí, các hãng tin lớn ở ngoài nước đều đồng loạt đưa tin. Song tới ngày 24/5/2018, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Nông mới khẳng định là hỗn hợp bị thu giữ không dùng để sản xuất cà phê. Trong gần 10 ngày khi chưa có thông tin chính xác, cụ thể về vụ việc, người nông dân trồng cà phê trở nên lao đao.
“Khi đó, vai trò của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Hiệp hội người tiêu dùng ở đâu để bảo vệ người nông dân? Bởi vì càphê của Việt Nam sản xuất, xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Phải khẳng định cà phê của chúng ta là tốt, hồ tiêu của chúng ta là tốt. Chúng ta phải khẳng định sản phẩm của mình là tốt, bởi nếu im lặng sẽ gây hoang mang.” đại biểu Châu nêu ý kiến.
Từ dẫn chứng cụ thể như trên, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, bên cạnh những mảng sáng của bức tranh thành tựu ngành nông nghiệp, cần thẳng thắn nhìn nhận vào những mảng tối, những vấn đề còn khó khăn, tồn tại.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) mong Bộ trưởng cần nhìn thẳng hơn vào vấn đề: Ai là đối tượng được thụ hưởng giá trị gia tăng trong nông nghiệp, liệu có phải là người nông dân hay không?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị: “Tôi mong rằng, Bộ trưởng luôn nghĩ đến những chi phí trung gian đã “ăn” hết lao động của người nông dân.” Theo ông Ngân, đây là điểm phải lưu ý khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể là cơ cấu lại cây trồng, rà soát lại quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Kinh tế nông thôn