Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm toàn cầu giảm trong tháng 11 xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm
13 | 12 | 2018
Giá thực phẩm thế giới giảm trong tháng 11 vừa qua xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, chủ yếu do giá dầu thực vật, giá sữa và giá ngũ cốc. Giá thịt cũng giảm nhẹ trong khi giá đường tăng. Chỉ số giá thực phẩm FA (FFPI) đạt trung bình 160,8 điểm trong tháng 11 vừa qua, giảm 2,1 điểm (1,3%) so với tháng 10 trước đó, là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 và thấp hơn gần 15 điểm (8,5%) so với cùng kỳ năm 2017.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình gần 164 điểm trong tháng 11, giảm 1,7 điểm (1,1%) so với tháng 10 và 11 điểm (7,1%) so với cùng kỳ năm 2017. Các nguồn cung xuất khẩu lớn gây áp lực lên giá lúa mỳ tron gkhi cạnh tranh xuất khẩu mạnh gây áp lực giảm giá ngô. Nguồn cung gạo vụ mới cũng đẩy giá gạo xuất khẩu giảm, bất chấp tác động tích cực của nhu cầu từ Philippines và dự báo sản lượng gạo thơm của các nước xuất khẩu chính giảm sút.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 125,3 điểm trong tháng 11, giảm 7,6 điểm (5,7%) so với tháng 10 và đánh dấu tháng giảm điểm thứ 10 liên tiếp cũng như mốc thấp nhất trong 12 năm. Mức giảm này phản ánh giá toàn bộ các loại dầu thực vật đều giảm. Giá dầu cọ chào bán trên thị trường quốc tế giảm mạnh, chủ yếu do tồn kho lớn kéo dài tại các nước xuất khẩu chính và giá dầu thế giới giảm trong thời gian gần đây. Trong khi đó, giá dầu đậu tương và giá dầu hạt hướng dương giảm do nguồn cung dồi dào trên khắp các thị trường Mỹ, EU và một số thị trường mới nổi cộng với triển vọng sản xuất tích cực của khu vực biển Đen.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 175,8 điểm trong tháng 11, giảm 6 điểm (3,3%) so với tháng 10 và là tháng giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Ở mức điểm này, chỉ số này thấp hơn 13,9% so với cùng kỳ năm 2017 và thấp hơn 18,3% so với mức cao nhất đạt được gần đây vào tháng 5 vừa qua. Trong tháng 11, giá bơ, phô mai và sữa bột nguyên kem đều giảm, chủ yếu do tồn kho lớn cùng với nguồn cung khả dụng xuất khẩu tăng, đặc biệt là từ New Zealand. Ngược lại, giá sữa bột gầy phục hồi một phần vào tháng 11, chủ yếu do tốc độ nhập khẩu mạnh hơn của những người mua đặt hàng giao ngay.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 160 điểm trong tháng 11, giảm nhẹ so với mức điều chỉnh trong tháng 10 và thấp hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong tháng 11, giá thịt gia cầm, giá thịt lợn, giá thịt cừu tiếp tục giảm, trong đó giá thịt cừu giảm mạnh nhất và giá thịt bò phục hồi nhẹ. Thiếu sức mua từ thị trường châu Á và nguồn cung xuất khẩu từ châu Đại dương tăng, giá thịt cừu giảm. Giá thịt lợn giảm tháng thứ 3 liên tiếp, phản ánh nguồn cung khả dụng xuất khẩu của các khu vực sản xuất chính tăng và các hạn chế thương mại tiếp diễn do dịch tả lợn châu Phi. Giá thịt gia cầm vẫn đang gặp áp lực nhu cầu yếu. Ngược lại, sau 5 tháng suy giảm, giá thịt bò phục hồi nhẹ, một phần nhờ nguồn cung giao ngay hạn chế và nhu cầu tăng trên các thị trường châu Á.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 183,1 điểm trong tháng 11, tăng 7,7 điểm (4,4%) so với tháng 10, đánh dấu tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Mức tăng chỉ số giá đường chủ yếu phản ánh các diễn biến sản xuất tại Brazil, nơi theo các ước tính mới nhất thì sản lượng đường của khu vực trung nam nước này có khả năng tăng 27% so với năm 2017. Ngoài ra, tỷ trọng mía đường sử dụng để sản xuất đường giảm từ 47,4% năm 2017 xuống còn 35,8% năm 2018, phần còn lại sử dụng để sản xuất ethanol. Tuy nhiên, giá dầu tại Brazil giảm tron gtháng vừa qua ngăn giá đường tăng thêm, khi một lượng mía đường lại chuyển hướng, không sử dụng để sản xuất ethanol.

Theo FAO



Báo cáo phân tích thị trường