Cẩn trọng các giao dịch
Mới đây, Ban Thường vụ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) khuyến cáo, DN phải hết sức cẩn trọng các giao dịch thời điểm này; cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua điều thô từ các nước châu Phi, kể cả với nước láng giềng Campuchia.
Theo đó, cần phân tích thông tin từ nhiều nguồn, qua đó đánh giá tình hình thị trường và các tác động khác, đặc biệt là tác động của Covid-19 và khả năng thực tế của DN trước khi quyết định ký hợp đồng mua điều thô, bán điều nhân, kể cả việc có nên dự trữ nguyên liệu hay thành phẩm trong kho hay không, để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Nếu chưa cân đối được giữa chi phí với giá xuất, hay chưa có hợp đồng đầu ra thì đừng vội mua điều thô.
Trong thị phần xuất khẩu điều nhân của các DN Việt Nam, Mỹ chiếm gần 30%, khối EU và các nước khác chiếm gần 56%, Trung Quốc chiếm hơn 14%. Tuy tỷ lệ không nhiều, nhưng từ lâu Trung Quốc lại có vai trò không nhỏ trong việc tác động qua lại về giá với các thị trường khác. Sự vững giá của thị trường Trung Quốc là đối trọng, góp phần giữ giá những thị trường còn lại.
Với diễn biến như hiện nay, khi dịch Covid-19 chưa thể xác định chính xác sẽ kéo dài bao lâu, Vinacas nhận định, việc xuất khẩu điều nhân sang Trung Quốc ít nhiều cũng gặp bất lợi. Năm 2020 này, Trung Quốc tiêu thụ lượng điều nhân nhiều hay ít luôn là câu hỏi và là vấn đề phải được lưu ý thường xuyên. Kinh nghiệm cho thấy, một khi sức tiêu thụ điều nhân ở thị trường Trung Quốc suy yếu thì những thị trường còn lại sẽ là dịp để nhà nhập khẩu “đè" giá điều nhân xuống.
Trong bối cảnh rối loạn hiện nay, nhiều khả năng các nhà nhập khẩu phương Tây giảm đơn đặt hàng để có được mức giá thấp hơn. Do vậy, việc thương thảo hợp đồng nhập khẩu hạt điều thô Tây Phi đầu tiên cũng sẽ đầy cam go. Và càng khó khăn hơn với những hợp đồng đã ký, một khi muốn đàm phán lại.
Bài toán khó
Một thực tế khác, so với điều nhân, người dân Trung Quốc tiêu thụ lượng hạt hạnh nhân cao hơn rất nhiều. Do Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lượng hạt hạnh nhân nhập khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, khiến cho giá hạnh nhân thị trường thế giới giảm xuống. Kết quả, như những lần trước, bộ phận người tiêu dùng trên thế giới chuyển sang dùng hạt hạnh nhân làm cho khả năng tiêu thụ điều nhân bị tác động dây chuyền.
Ngay cả sau khi dịch Covid-19 qua đi, cuộc sống của người dân Trung Quốc sẽ còn khó khăn một thời gian mới có thể trở lại nếp cũ, do vậy, lượng hàng cần nhập sẽ giảm so với những năm trước - khi mà hạt điều không phải là thực phẩm chính yếu trong bữa ăn. Đó là lý do Vinacas dự báo sản lượng điều nhân xuất đi Trung Quốc có thể giảm trong năm 2020. Hiện nay giá điều nhân đang có những điều chỉnh theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Ngược lại, với đà giảm mạnh của giá điều nhân thì giá nguyên liệu ở châu Phi lại giảm ít hơn. Đây là bài toán khó cho DN khi cân đối chi phí đầu vào và đầu ra. Với những phân tích này, Vinacas cho rằng tăng trưởng của ngành điều sẽ bị ảnh hưởng. Nếu 2019 là tăng trưởng “dương" thì năm 2020 có khả năng sẽ là tăng trưởng “âm".
Nhưng có một nhìn nhận khác. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, chứng “rối loạn tâm thần" đang chiếm lĩnh thị trường hạt điều, do dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự biến động bất ngờ, không thể đoán trước. Cần nhớ rằng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng nhưng thị phần cũng chỉ chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ điều nhân của thế giới. Ngoài ra, hàng năm, lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc (trong đó, hơn 90% là nhập khẩu từ Việt Nam) vẫn giảm đáng kể trong tháng 2 và tháng 3, sau mức tiêu thụ cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán.
Từ đó cho thấy, phải chăng vẫn còn quá sớm để nhượng bộ trong hoảng loạn? Nếu dịch bệnh tiếp tục mở rộng thêm vài tháng nữa, tác động của nó chắc chắn sẽ rất mạnh; nhưng nếu được kiểm soát vào cuối tháng 3, tác động đối với việc tiêu thụ hạt điều ở Trung Quốc và trên thế giới sẽ không đáng kể.
Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh về nhu cầu thế giới và mức độ hạn chế của hàng tồn kho còn lại từ mùa trước, dường như sự hoảng loạn bắt đầu từ trước đó đã bị phóng đại và có thể dẫn đến sự biến động tăng (giảm giá sau đó phục hồi mạnh mẽ) trong mùa điều tiếp theo.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng