Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Dự báo sai – ai chịu?
06 | 08 | 2008
Hiện nay, nhiều hộ nông dân đang ngồi trên chảo lửa bởi vốn vay ngân hàng đã đến kỳ hạn phải trả, giá lúa bán ra không những thấp hơn tổng chi phí sản xuất mà còn thiếu vắng người mua. Nhiều ý kiến cho rằng, thời cơ để Việt Nam XK giá cao đã bị bỏ qua, nguyên nhân chủ yếu là do công tác dự báo.
Tuy nhiên, vấn đề bây giờ không phải chỉ mổ xẻ hay đổ lỗi cho một cơ quan nào đó mà quan trọng hơn là cách giải quyết thế nào, cải tổ phương thức phân cấp quản lý ra sao để tránh tái diễn những hậu quả đáng tiếc vừa qua.

Đầu vào ngất ngưởng

Theo tính toán sơ lược từ một số chi phí dành cho sản xuất lúa gạo như: làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch thì tổng chi phí là 26.710.000đồng/ha. Nếu cộng tất cả các chi phí cho 1 ha đạt sản lượng là 5 tấn, thì giá thành sẽ lên tới 5.342đồng/kg. Đây là giá thành ở mức cao nhất từ trước đến nay. Và nó đang tiến tới thực tế “lấy công làm lãi” so với giá bán hiện nay. Từ tháng 6, giá lúa trong nước đã có xu hướng giảm. Tại các tỉnh phía Bắc, giá lúa giảm khoảng 500 - 800 đồng/kg. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá lúa gạo trên thị trường liên tục giảm, đến tháng 7, nhiều nông dân như ngồi trên chảo lửa bởi kỳ hạn trả nợ ngân hàng đã đến ngày mà lúa thì không bán được.

Theo tổ điều hành thị trường trong nước, hiện giá lúa các tỉnh phía Bắc giá lúa đã chững lại ở mức 5.700 – 6.400đồng/kg (lúa tẻ thường), giảm 400 – 800đồng/kg so với tháng 6; gạo tẻ thường vẫn ổn định ở mức 8.500 – 10.000đồng/kg. Ở các tỉnh phía Nam, do sản lượng từ vụ hè thu khá dồi dào nhờ diện tích trồng lúa tăng tới 1,5 triệu ha (mức lớn nhất trong 5 năm trở lại đây) nên giá lúa giảm, hiện ở mức 4.700 – 5.100đồng/kg (lúa thường), giảm 200 – 400đồng/kg so với tháng 6. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện giá lúa đã giảm hơn cả dự báo. Tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, giá đã rớt xuống từ 4.900 còn 4.500đồng/kg, tức chấp nhận lỗ 500 – 700đồng/kg so với giá sản xuất nhưng nông dân vẫn khó bán.

Dự báo ... ”lệch”

Các cơ quan quản lý cho rằng, giá lúa hè thu giảm theo đà giảm chung của giá gạo thế giới, do nhu cầu trên thị trường đã khá ổn định, trong khi nguồn cung tại một số nước sản xuất lúa gạo khá dồi dào. Đúng là hai tháng qua, vì chịu áp lực bởi dự báo dự trữ gạo vụ mới và vụ cũ của Bộ Nông nghiệp Mỹ đều tăng lên; Malaysia thông báo muốn hoãn một số đợt mua hàng mà họ đã đặt của Thái Lan từ trước; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo; một số nước xuất khẩu gạo lớn được mùa... Vì thế giá lúa trong nước giảm không có gì lạ. Tuy nhiên, cái mà dư luận quan tâm là giá gạo trên thế giới hiện đã hạ xuống gần 50% so với thời kỳ trên 1.000USD/tấn.

Điều này khiến người nông dân ĐBSCL chưa kịp cười đã phải khóc. Cười vì vụ hè thu trúng lớn, nhưng khóc vì lúa đầy đồng mà không bán được. Còn Nhà nước thì cũng ở trong tình trạng thở phào vì an ninh lương thực được đảm bảo, nhưng lại tiếc đứt ruột vì thời cơ xuất khẩu giá cao đã vọt mất.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi, trong đó đặc biệt là công tác dự báo về thị trường và tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Còn nhớ ngày 2/4/2008, tại buổi gặp gỡ lãnh đạo 32 tỉnh, thành phía Bắc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhằm chỉ đạo các địa phương thực hiện 8 giải pháp và tập trung vào 5 nhiệm vụ để góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng kinh tế, Lãnh đạo tỉnh Hà Tây (cũ) rất lạc quan cho rằng, với đà phát triển của cây lúa thời điểm đó, vụ lúa đông - xuân sẽ thắng lợi.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nam Định thì lại cho rằng, theo kinh nghiệm từ ngàn xưa, sau rét đậm rét hại, lúa trồng chậm so với thời gian qui định thì sẽ... mất mùa! Trong khi những ý kiến trái chiều này còn như một câu hỏi bỏ ngỏ thì cũng thời điểm đó, các nhà chuyên môn của ngành nông nghiệp vẫn khẳng định: vụ đông - xuân năm nay miền Bắc mất mùa. Sản lượng lương thực sẽ thiếu hụt 300.000 tấn. Đây cũng là 1 trong những lý do khiến Việt Nam tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo đúng lúc cả thế giới “sốt” giá gạo.

Thế nhưng chỉ sau đó không lâu, ngành nông nghiệp đã phải công bố kết quả: miền Bắc được mùa lớn, sản lượng cao hơn vụ đông - xuân năm trước 1 triệu tấn. Như vậy, Bộ NN&PTNT tính toán, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu năm nay sẽ đạt khoảng 4 – 4,5 triệu tấn chứ không phải chỉ như dự báo ban đầu là 3 – 3,5 triệu tấn(!).

Bây giờ đã là đầu tháng 8, dù lúa hè thu vẫn rải đầy đồng vì không có người tiêu thụ nhưng nông dân ĐBSCL vẫn đang đồng loạt xuống giống vụ ba, bởi theo dự báo của các cơ quan chức năng và Tổ điều hành thị trường trong nước, giá gạo trên thế giới thời gian tới sẽ vẫn đứng ở mức cao và giá lúa trong nước sẽ chỉ giảm trong thời kỳ thu hoạch rộ.

Đây là điều đáng để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các chuyên gia dự báo về sản xuất và thị trường tiêu thụ phải bàn. Bởi nếu công tác dự báo tiếp tục thiếu chính xác như thời gian vừa qua thì hậu quả sẽ khôn lường!

Nông dân: thiệt đơn, thiệt kép

Theo thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 7 đạt 350.000 tấn, trị giá 339 triệu USD, đưa tổng lượng gạo 7 tháng đầu năm là 2,794 triệu tấn với kim ngạch là 1,810 tỷ USD, đạt 93,2% về lượng, tăng tới 87,6% về trị giá. Tuy giá trị tăng cao như vậy nhưng nếu giá gạo trên thế giới vẫn thuyên giảm như hiện nay thì sự tăng trưởng cả năm sẽ bị giảm xuống.

Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã mất khoảng nửa tỷ USD đối với mặt hàng lúa gạo vì không dự báo được chính xác. Các DN XK gạo Việt Nam - đối tượng bám sát thị trường nhất dường như cũng không đoán định được nên bán gạo vào thời điểm nào để có được giá tốt nhất. Việt Nam đã tạm dừng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo đúng vào thời điểm giá gạo lên đến hơn 1.000USD/tấn. Trong lúc đó, Thái Lan vận dụng tối đa cơ hội, gần như “một mình một chợ”, không bị cạnh tranh bởi gạo Việt Nam, còn nhu cầu thu mua lương thực của nhiều nước trên thế giới tăng vọt.

Điều đáng nói, ngay sau khi Việt Nam có lệnh dừng tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, giá lúa của nông dân ngày một tụt giảm. Đã vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng, trên thực tế thì hạt gạo Việt Nam đã phải gánh chịu quá nhiều sự chia sẻ cho các bộ phận trung gian. Theo mô hình chung, từ đồng ruộng ra tới bến cảng, hạt lúa đã chịu ít nhất là 4 lần "ăn lời" của bộ phận trung gian, còn người nông dân hưởng lợi không đáng kể.

Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại các khâu trung gian không cần thiết, công tác dự báo về thị trường, đặc biệt là dự báo về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước. Cũng có không ít ý kiến cho rằng, sự phân cấp quản lý nhỏ lẻ hiện nay chính là rào cản khiến công tác dự báo dậm chân tại chỗ. Hiện nay, Chính phủ giao việc quản lý đất đai cho Bộ Tài nguyên Môi trường, quản lý trồng trọt phát triển thì lại là Bộ NN&PTNT, quản lý về mặt tiêu thụ thương mại là do Bộ Công Thương. Nếu ba Bộ này chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ từ theo dõi, giám sát đất đai đến sản phẩm trồng trọt và thị trường tiêu thụ hàng hóa thì hạt gạo Việt Nam còn chịu nhiều thua thiệt, hay nói chính xác hơn là người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường