Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ðầu tư chế biến gỗ xuất khẩu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
07 | 08 | 2008
Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ là những địa phương dồi dào về tài nguyên rừng và nguồn nhân lực nhưng những lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả để phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) phải làm gì để sớm trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK)?

Tiềm năng lớn

Sáu tỉnh BTB, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có diện tích tự nhiên khoảng 5,15 triệu ha, trong đó có gần 1,5 triệu ha rừng sản xuất được quy hoạch. Thời gian từ 10 đến 15 năm qua, hưởng lợi từ các chương trình dự án đầu tư như 327, 661, Quyết định 147 của Chính phủ và các dự án đầu tư nước ngoài khác, phong trào trồng rừng kinh tế (chủ yếu keo lai, tràm hoa vàng, bạch đàn) phát triển khá nhanh.

Nếu trước đây, việc giao đất trồng rừng cho người dân là chỉ tiêu pháp lệnh của các địa phương, nay muốn có một ha đất để trồng rừng, nhiều người phải bỏ ra từ 5, 10 và 20 triệu đồng để được sang nhượng. Chi phí từ sáu đến tám triệu đồng trồng một ha rừng nguyên liệu, sau sáu đến tám năm cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng.

Hiệu quả trồng rừng đã rõ, người dân bắt đầu đầu tư thật sự cho rừng: Nếu chăm sóc, bón phân đúng quy trình, sản lượng cho thu hoạch đạt cao, từ 80 đến 120 tấn sản phẩm/ha. Nhiều nơi đã xã hội hóa công tác phát triển rừng nguyên liệu, đầu ra tiêu thụ khá thuận lợi, số gỗ lớn cung cấp làm nhà, đồ dùng gia dụng; cây nhỏ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy CBGXK, dăm giấy, MDF...

Nhận thấy rừng trồng có hiệu quả kinh tế cao, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa là địa phương có diện tích và đông dân nhất khu vực đã thực hiện quy hoạch diện tích rừng sản xuất được số lượng lớn, tổng số hơn tám trăm nghìn ha rừng sản xuất.

Thời gian gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trồng rừng như các công ty: Công ty Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện quy hoạch 67.000 ha rừng nguyên liệu; Innov Green Nghệ An (Ðài Loan, Trung Quốc) khoảng 36.000 ha; Inno Green Thanh Hóa cũng diện tích tương tự...

Hằng năm các tỉnh BTB trồng mới từ 5.000 đến 10.000 ha rừng nguyên liệu. Vùng đất trống, đồi núi trọc dần được phủ xanh, đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trồng rừng giỏi, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ðã xuất hiện nhiều "tỷ phú" về trồng nguyên liệu như: Ông Ðỗ Hữu Ðờn ở Công ty Lâm công nghiệp Long Ðại (Quảng Bình) thuê đất trồng 500 ha rừng keo, bạch đàn; Ông Nguyễn Văn Tùy, xã Lộc Bốn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) trồng hơn 100 ha keo lai, 30.000 cây dó trầm...

Nhiều hộ nông dân biết cách làm ăn đang dần tích tụ đất để trồng rừng nguyên liệu đồng thời hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số về cây giống, phân bón để cùng phát triển. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Như Thanh (Thanh Hóa) Lê Phú Vẽ cho biết, nhờ hợp sức của cộng đồng nên Như Thanh là huyện mới thành lập nhưng đã có gần 200 hộ trồng rừng nguyên liệu tập trung quy mô từ 10 đến 30 ha/hộ.

Dưới áp lực trồng rừng, nhiều nông - lâm trường có diện tích đất rừng lớn nhưng không có khả năng trồng rừng đã phải trả lại cho địa phương để chia cho người dân; thậm chí có địa phương ở Quảng Trị còn tổ chức đấu thầu đất trồng rừng... Một số doanh nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành việc cấp Chứng chỉ quốc tế FSC (trồng rừng bền vững)...

Nhờ phát triển tốt rừng trồng, độ che phủ rừng của các tỉnh BTB cao hơn độ che phủ trung bình toàn quốc 38,2%. Quảng Bình đã vươn lên đứng đầu cả nước với độ che phủ đạt 68,4%, Thừa Thiên - Huế gần 50%, Thanh Hóa 44,5%. Quảng Trị sau hơn 20 năm tái lập tỉnh đã đưa độ che phủ từ 19% lên 43,6%...

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị Trương Văn Khánh cho biết: "Cơ bản vùng đất cát ven biển, vùng trung du, thậm chí cả vùng núi của tỉnh đã được rừng keo lai, thông... xanh ngút ngàn chinh phục. Nhờ vậy, gần 10 nghìn ha cát bay, cát nhảy thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã trở thành vùng ổn định và đang biến dần thành đất trồng cây màu.

Anh Trần Ðình Bình, xã Gio Thành (Gio Linh) kể: "Vùng đất quê tôi từ đồi 31 đến đồi Hoàng Hà trước đây cơ cực bội phần vì cát bay, cát nhảy trùm lên cả làng mạc, thì nay đã phủ xanh bởi cây keo lưỡi liềm. Mọi người đã kỳ công trồng cây keo dày làm hàng rào bảo vệ bên ngoài ngăn cát, vùng đất bên trong cải tạo để trồng màu, đời sống bà con được nâng cao". Keo, tràm xanh ngút ngát trên mọi địa hình giống như cây tre cách đây 30-40 năm về trước.

Ðội trưởng trồng rừng Bắc Sông Hiếu, thuộc Công ty Lâm nghiệp Ðường 9, Lê Lượng cho biết, cây keo được trồng tận dụng trên mọi khoảnh đất, trên băng cản lửa rừng thông, kín bìa rừng, dọc khe suối, trên khoảnh đất tận dụng từ 5 đến 10 m2... Thậm chí còn trồng được hơn 300 ha keo, thông trên đỉnh núi Phu Lơ cao hơn 300 m. Rừng xanh, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho hàng chục nghìn hộ dân, mà là cải tạo môi trường.

Anh Lượng nói thêm, trước đây suốt dọc quốc lộ 9, không có một bóng cây, gió tây thổi rách nát cả tàu lá chuối, người đi xe máy từ Ðông Hà ngược lên bị gió đẩy xiêu vẹo. Nay nhờ có cây rừng mà gió giảm hẳn. Tại khu vực đội trồng rừng đóng quân như suối Trọt Cau, Trọt Huệng và nhiều nơi khác vẫn có nước vào giữa mùa hè nắng nóng này điều chưa từng có, chứng tỏ môi trường ở Quảng Trị đã được cải thiện nhiều nhờ công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ðiều nghịch lý là, rừng nguyên liệu phát triển mạnh nhưng công nghiệp CBGXK thì còn chưa theo kịp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chi cho biết, Nghệ An quy hoạch gần nửa triệu ha rừng sản xuất và cho thu hoạch khoảng 600-700 nghìn tấn gỗ nguyên liệu/năm, nhưng cả tỉnh mới có 10/29 doanh nghiệp CBGXK với khoảng 50 công nhân trở lên, đạt giá trị xuất khẩu 10-11 triệu USD/năm...

Tỉnh Thanh Hóa có điều kiện tương tự cộng với gần 15.000 ha luồng đang khai thác, xuất khẩu đạt 4 triệu USD từ sản phẩm luồng; còn cơ sở CBGXK thì hầu như chưa có. Tỉnh Hà Tĩnh, các cơ sở CBGXK cơ bản đã giải thể cách đây mười năm. Quảng Bình có bốn cơ sở chế biến gia công, CBGXK, quy mô 100-200 công nhân/nhà máy. Còn Quảng Trị có một nhà máy MDF... Ngoài ra, mỗi tỉnh có một số cơ sở sơ chế gỗ thô cung cấp cho các nhà máy ngoài tỉnh như Bình Ðịnh, Ðà Nẵng.

Tuy nhiều doanh nghiệp có bề dày truyền thống về khai thác, chế biến gỗ tự nhiên, có đội ngũ công nhân lành nghề và máy móc hiện đại, được giao quản lý sử dụng diện tích lớn đất lâm nghiệp, như Công ty Long Ðại, Công ty Bắc Quảng Bình (Quảng Bình), Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn (Hà Tĩnh) và một loạt lâm - nông trường ở các tỉnh khác, nhưng không thể làm "đầu tàu" chuyển sang chế biến gỗ rừng trồng.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo ngành nông nghiệp và UBND các tỉnh BTB đều thừa nhận, do thiếu nhà máy chế biến, nên ở một số nơi, đầu ra không giải quyết được, làm cho phong trào trồng rừng chững lại, chưa tương xứng với quy hoạch...

Ðể giải quyết đầu ra cho rừng nguyên liệu, các địa phương BTB mới dừng lại cấp phép cho chế biến dăm gỗ (bán thành phẩm). Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu về vấn đề này. Hiện cả tỉnh có bốn nhà máy chế biến dăm gỗ, công suất gần 500 nghìn tấn/năm. Các tỉnh khác, trừ Quảng Trị do không có cảng lớn đều có từ hai, ba nhà máy dăm gỗ, công suất từ 150 đến 200 nghìn tấn/năm. Bù lại, Quảng Trị có Nhà máy MDF sản xuất ván ép, công suất 120 nghìn tấn/năm.

Ngoài ra, Nghệ An và Thanh Hóa cấp phép đầu tư quá nhiều nhà máy bột giấy dẫn đến ô nhiễm môi trường nặng nề, dù trước mắt các nhà máy này góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân. Qua tìm hiểu, việc người dân bán gỗ rừng trồng cho các nhà máy dăm gỗ này chẳng khác nào "xay gạo làm tấm". Sau bảy năm mỗi ha rừng trồng, trừ các khoản chi phí, cao nhất là chi phí vận chuyển thì người trồng chỉ lãi tám, chín triệu đồng/ha. Trong lúc đó, nhà máy dăm gỗ lại lãi từ 28 đến 35 triệu đồng/ha, cao gấp ba, bốn lần so với thu nhập của người trồng...

Tại Hà Tĩnh, mỗi năm các nhà máy dăm gỗ tiêu thụ lượng gỗ khai thác từ khoảng 9.000 ha rừng trồng, nhưng chỉ giải quyết việc làm cho 500 lao động và doanh thu đạt khoảng 45 triệu USD. Theo ông Lại Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ xuất khẩu Tuấn Lộc: "Nếu sử dụng lượng gỗ của 9.000 ha rừng trên, các nhà máy CBGXK có thể giải quyết được 2.500 - 3.000 lao động. Sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị từ 22.000 đến 25.000 USD/ha, thì số ngoại tệ thu về tương ứng hơn 200 triệu USD". Tất nhiên người trồng rừng có cơ hội cải thiện được giá thu mua...

Tìm hiểu các địa phương có nhiều nhà máy CBGXK được biết, các tỉnh BTB đang bế tắc về chính sách để phát triển công nghiệp CBGXK. Trước tiên do phát triển rừng manh mún và đất rừng đã cơ bản giao cho người dân. Trong khi đó, doanh nghiệp có tiềm năng tài chính lại không được thuê đất, đầu tư qua dân thì họ chưa tin, nên tiến độ triển khai chậm.

Nhìn chung chưa tỉnh nào có quy hoạch tổng thể trồng rừng và khai thác khoa học. Do vậy sẽ xảy ra hiện tượng lúc thì khai thác ồ ạt, khi thì không có để khai thác, dẫn đến tình trạng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến không ổn định; đặc biệt, dẫn đến tình trạng mất cân bằng về môi trường và tính phòng hộ của rừng. Kế đến, khu vực này chưa có cảng công-ten-nơ để xuất hàng.

Ðã có doanh nghiệp ở Quảng Bình đầu tư dây chuyền sơn gỗ xuất khẩu hiện đại nhưng không thể sử dụng được vì do quãng đường vận chuyển bằng ô-tô quá xa. Cộng vào đó, lực lượng lao động phổ thông thừa nhưng lại thiếu nhân lực có tay nghề cao. Chính quyền nhiều địa phương chưa có chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Do rừng bị chia nhỏ một cách manh mún cho người dân, thị trường nguyên liệu gỗ bị xé lẻ, dễ bị các doanh nghiệp ngoài tỉnh thao túng nếu có xuất hiện nhà đầu tư mới.

Mới đây, một nhà sản xuất gỗ ở Ðồng Nai ra đầu tư nhà máy CBGXK tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng không thể thu mua được nguyên liệu trong tỉnh vì bị các doanh nghiệp ngoại tỉnh tranh mua hết.

Ðiểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư

Theo các doanh nghiệp, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (BTB) có nhiều tiềm năng mà các nhà đầu tư chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) cần tranh thủ khai thác, với quỹ đất rừng khá lớn để trồng nguyên liệu cung cấp ổn định cho chế biến.

Theo Hiệp hội CBGXK Việt Nam, sản phẩm gỗ chế biến của nước ta đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2008 phấn đấu đạt 3 tỷ USD xuất khẩu nhưng phải dành hơn 1,3 tỷ USD để nhập 80% nguyên liệu và phụ kiện sản xuất trong thế bị động và ăn đong. Việc bị ép giá thanh toán bằng đồng ơ-rô thay cho đồng USD như trước đây, hay khi nhiều nước cấm xuất gỗ tròn gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty CBGXK Quý-doanh nghiệp có 1.000 công nhân ở Bình Ðịnh, khi khảo sát thị trường các tỉnh miền bắc khẳng định, khu vực Bắc Trung Bộ có tiềm năng về đất trồng rừng, và có nhiều rừng trồng đang chuẩn bị khai thác, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, nên ngay từ bây giờ các tỉnh phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư ngoài tỉnh.

Trong thời gian 5-10 năm tới, BTB sẽ trở thành công xưởng CBGXK. Vấn đề này sẽ sớm trở thành hiện thực nếu các tỉnh có chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh có tiềm lực về tài chính, công nghệ. Ðặc biệt, phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư chế biến sâu gắn bó lâu dài với tỉnh bằng việc cho họ được thuê đất trồng rừng lâu dài gắn với sản xuất.

Các tỉnh cần có cơ chế cho các doanh nghiệp CBGXK thuê đất trồng rừng lâu dài, theo công thức: Một nhà máy chế biến gỗ 500 lao động được thuê lâu dài 1.500 - 2.000 ha rừng. Với chu kỳ bảy năm trồng rừng nguyên liệu, mỗi năm nhà máy này sẽ thu hoạch 200 - 300 ha rừng. Các ban quản lý rừng chỉ chuyên quản lý rừng phòng hộ, còn rừng sản xuất cần giao hay cho các doanh nghiệp sản xuất thuê, gắn chặt với nhà máy CBGXK.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành thủ tục bàn giao 4.000 ha đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên cho Công ty cổ phần chế biến gỗ Ðại Phát để tiến hành trồng rừng nguyên liệu và xây dựng nhà máy CBGXK là một thí dụ. Doanh nghiệp này tự bỏ tiền ra trồng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, tuyển dụng và gửi đi đào tạo hàng trăm công nhân, tỉnh có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng...

Tại các địa phương có diện tích đất rừng đã chia hết cho người dân, cần hợp tác, liên kết với nhau theo hình thức "dồn rừng thành ô thửa lớn", giống như "dồn điền, đổi thửa" đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðây chính là đầu mối để các doanh nghiệp chế biến có thể ký hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu, hay cung cấp gỗ nguyên liệu qua các tổ nhóm hợp tác này.

Ngoài ra, có thể tạo cơ hội cho những cá nhân có điều kiện tích tụ đất rừng để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn. Ðây cũng là điều kiện để các tổ chức này có thể đầu tư thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Về lâu dài, các tỉnh cần có cơ chế nhanh chóng xây dựng chợ gỗ đầu mối khu vực để nhập khẩu, tổ chức thu mua gỗ nguyên liệu nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Với số dân hơn 11 triệu người trong đó có số lượng lớn lao động trẻ, khỏe cùng với mặt bằng dân trí khá cao, nhưng các tỉnh BTB vẫn chưa có một trường trung cấp hay cao đẳng dạy nghề mộc, chế biến gỗ xuất khẩu. Các tỉnh cần có chính sách đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề chế biến gỗ xuất khẩu để cung ứng cho thị trường lao động. Ðồng thời, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần theo sát sự phát triển của ngành CBGXK để có kế hoạch cho vay phát triển hợp lý, đồng bộ...

Lợi nhuận từ trồng rừng của doanh nghiệp được coi là phần giảm chi phí đầu vào và được cấu thành một phần trong giảm giá thành, sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ðặc biệt, với vùng nguyên liệu bền vững trên, các nhà máy CBGXK sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế FSC, thì sản phẩm xuất khẩu sẽ có giá cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mà không có chứng chỉ này.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường