Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía đường: Thiệt người sẽ hại đến thân
13 | 08 | 2008
Nếu người dân bị ép giá, chán nản không trồng mía thì thiệt hại chính là các nhà máy đường.
Trong vụ mía vừa qua, vẫn xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ép giá và thậm chí là không thu mua mía nguyên liệu của nông dân. Tình trạng này tái diễn qua nhiều vụ mía mà vẫn chưa được giải quyết.

Ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam về vấn đề này, ông cho biết:

“Tất cả các nhà máy đường đều cùng chung nhận thức là muốn tồn tại được thì phải có mía. Muốn có mía thì phải có giá cả thỏa đáng với người trồng. Do đó nếu nhà máy đường ép giá để làm cho người nông dân chán nản không muốn trồng mía để rồi cuối cùng không có mía cho sản xuất thì sẽ thiệt hại cho chính nhà máy đường đó. Cho nên, theo tôi, nhìn chung các nhà máy đường đều muốn có giá mía thỏa đáng cho nông dân để nông dân có lãi, nhà máy đường cũng có lãi, cả hai cùng tồn tại. Đó mới là suy nghĩ đúng đắn.

Trong thực tế, đã từng xảy ra việc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thời kỳ các nhà máy đường đưa giá mía lên quá cao, trong khi giá bán đường lại thấp. Có khi đầu vụ giá bán cao, cuối vụ xuống thấp nên nhiều nhà máy lâm vào cảnh khó khăn và thua lỗ. Như vậy các nhà máy đường cũng phải bàn lại để có giá hợp lý, vẫn chịu đựng được, sản xuất vẫn có lãi, ít nhất cũng phải hòa vốn. Do đó ở ĐBSCL các nhà máy đường đã đồng thuận hợp tác với nhau xác định giá mua mía có khi đưa lên 570.000 đ/tấn, nhưng sau đó lại hạ xuống 520.000 đ/tấn. Chủ trương này không chỉ các nhà máy đường thống nhất với nhau mà đã được báo cáo với chính quyền địa phương, trao đổi với người trồng mía.

Như vậy theo tôi, ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng không phải là do ép giá mà là do thị trường và khó khăn chung. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Mía đường đã có khuyến cáo: giá mua 1 tấn mía 10 ccs (hàm lượng đường chuẩn) tại ruộng phải tương đương với giá trị của 60 kg đường kính trắng loại I trước thuế tại kho nhà máy đường. Như vậy nếu ta điểm lại, nhà máy nào mua không đúng với khung như trên thì nhà máy đó mua thấp, ép giá. Thực tế là có. Cho nên Hiệp hội luôn khuyến cáo các nhà máy và người nông dân phải nắm vững khuyến cáo vừa nêu để điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, trong vụ qua giá xăng dầu tăng, giá phân bón, lương thực tăng mạnh, các nhà máy đường không xoay trở kịp nên thực hiện giá họ ký hợp đồng với nông dân ban đầu cũng đã được hai bên chấp nhận, thì với biến động giá cả như vậy, nhà máy không chuyển biến kịp, nên có tình trạng thua thiệt cho nông dân.

PV: Thưa ông nhưng có một thực tế là biên bản hợp đồng đều do phía Nhà máy đơn phương soạn thảo và người dân thường bị động trong việc ký kết. Như vậy có hợp lý và đảm bảo tính công bằng?

Ông Hà Hữu Phái: Đúng là có tình trạng nhà máy và người nông dân ký kết hợp đồng như vậy. Điều quan trọng ở đây là có sự can thiệp của cơ quan chức năng, trung gian. Ở nước ta Nhà nước chưa quy định giá mua mía tối thiểu. Và thực tế là nhà máy với nông dân tự tính toán với nhau. Nhà máy tính trên nguyên tắc người trồng mía phải đầu tư công sức, chăm bón, giống.v.v. để tạo ra tấn mía đó thì người ta đã tính người nông dân đó phải có lãi khoảng 40%, trên cơ sở đó mới ký hợp đồng. Nhưng thực tiễn thị trường luôn biến động. Nếu những nhà máy nào nhanh nhạy, điều chỉnh được để cho hài hòa giữa hai bên thì tốt. Tuy nhiên không phải nhà máy nào cũng làm được điều này.

PV: Hiện nay mỗi khi có biến động bất lợi về giá cả thì hầu hết người nông dân chịu thiệt, như: gạo, cá ba sa đang diễn ra tình trạng ép giá, doanh nghiệp, thương lái thu mua cầm chừng. Đối với mía đường, theo ông cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Hà Hữu Phái: Chúng ta phải đi từ gốc của vấn đề. Tức là phải đưa được năng suất và chất lượng mía lên cao. Bởi năng suất thực tế vẫn thấp. Các nước năng suất trung bình là 100 tấn mía/ha, độ đường lên tới 14 – 16%, nhưng ta mới chỉ dừng lại ở 50 tấn/ha và độ đường xấp xỉ 10%. Do đó phải đưa năng suất và chất lượng mía lên.

Vấn đề thứ 2 là đối với nhà máy đường thì phải nâng cao hiệu quả chế biến. Thời gian qua cả nông dân và nhà máy có cố gắng nhưng phần cố gắng của nhà máy thuận lợi hơn vì nhà máy có thể đầu tư máy móc, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhưng còn phần nguyên liệu mía thì rất khó khăn. Đây là vấn đề mà cả nhà máy và người nông dân chưa thể giải quyết nổi, mà phải có những đầu tư lớn về tài chính, sự chỉ đạo, sự phối hợp của rất nhiều ngành, nhiều cấp. Giống mía thì phần lớn vẫn là giống cũ, đã thoái hóa một phần.

Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề khác như: cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông khó khăn nên cản trở cho việc vận chuyển, nhất là khi mưa bão. Rồi vấn đề thủy lợi, tưới tiêu.v.v… Rồi vấn đề cơ giới hóa. Đến mùa thu hoạch, việc thiếu lao động cũng đẩy công thu hoạch tăng cao, vào giá thành mía nguyên liệu của nông dân, khiến lợi nhuận giảm đi.

PV: Các thành viên của Hiệp hội đã có kế hoạch thu mua mía nguyên liệu như thế nào để đảm bảo người nông dân có lãi trong vụ mía tới, tránh để lại hậu quả xảy ra vòng luẩn quẩn trồng – chặt, chặt – trồng, mà lâu dài ảnh hưởng tới chính các doanh nghiệp chế biến mía đường?

Ông Hà Hữu Phái: Theo tôi cần đẩy mạnh thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết 4 nhà. Quyết định này ở nhiều nơi đã thực hiện khá tốt, nhưng còn một vài nơi, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thì còn thực hiện chưa tốt. Tất nhiên Quyết định 80 còn nhiều vấn đề cần bổ sung sửa đổi để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà máy đường với nông dân và có ràng buộc, đòn bẩy cho việc hai bên cùng nhau hợp tác. Vụ tới này cần tiếp tục đẩy mạnh ký kết hợp đồng.

Mặt khác là Hiệp hội có các tổ chức, chi hội ở các vùng, phân hội ở tiểu vùng. Vào đầu vụ các nơi này đều họp để đánh giá lại tình hình mía, cùng nhau bàn bạc thống nhất chủ trương xem bắt đầu ép mía từ ngày nào, mua mía với giá như thế nào và giá bán đường dự kiến ra sao để bảo đảm đúng như khuyến cáo: 1 tấn mía tương đương 60kg đường, để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. Như vậy chúng ta phải có hợp đồng, thỏa thuận với nhau, thống nhất giá cả mua bán giữa nhà máy với nông dân, tránh tình trạng tranh mua tranh bán để thị trường mía ổn định.

Xin cảm ơn ông!




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường