Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều chỉnh chiến lược bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước bước sâu vào cải cách doanh nghiệp nhà nước
25 | 08 | 2008
Qua hai mươi năm cải cách mở cửa, công cuộc cải cách DNNN ở Trung Quốc đã có những thành công đáng kể về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Về đại thể nó đã trải qua ba giai đoạn sau đây: giai đoạn mở rộng chủ quyền xí nghiệp (1979 - 1984), giai đoạn thực hiện tách hai quyền: quyền sở hữu và quyền kinh doanh (1985 - 1993); giai đoạn xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại từ (1994 đến nay).
Sau đại hội 15, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã đẩy nhanh tiến độ cải cách DNNN theo hướng cổ phần hoá nhằm xoay chuyển chung tình trạng kém hiệu quả, thua lỗ của DNNN. Ông đã đưa ra phương châm "nắm to buông nhỏ", áp dụng phổ biến phương thức cổ phần hoá và phi quốc hữu hoá các DNNN nhỏ, vừa. Thực hiện phương châm này, Trung Quốc đã tiến hành phân loại xí nghiệp, trong số 470 nghìn DNNN đã xác định được 268 DNNN quy mô đặc biệt lớn và 7,223 DNNN quy mô lớn có ảnh hưởng và tác động tới quốc kế dân sinh để nhà nước tập trung đầu tư. Những xí nghiệp còn lại dùng biện pháp "thả nổi" hoặc "tuỳ nghi áp dụng". Quán triệt chủ trương này, thực tế đã diễn ra hai chiều hướng. Một là, bán đỏ bán tháo các DNNN làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước, điển hình nhất là tỉnh Liêu Ninh, Tứ Xuyên. Chằng hạn Liêu Ninh có 4300 DNNN, trong đó có 92% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính đến cuối tháng 3-1998 đã có khoảng 50% số doanh nghiệp này "xuất ngũ khỏi đội quân DNNN", trong đó có 684 doanh nghiệp này bán đứt cho tư nhân. Hai là nhiều ngành chủ quản và địa phương không mạnh dạn, tiến hành các biện pháp cải cách, tiếp tục quản lý theo cách cũ nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Cả hai chiều hướng trên đều làm cho đời sống của công nhân sa sút, sự ổn định xã hội bị đe doạ. Điều nghiêm trọng nữa là tình trạng DNNN thua lỗ năm 1998 vẫn là 70%. Dự kiến năm 1999 diện DNNN thua lỗ trong cả nước sẽ giảm bớt, song cũng chỉ giảm được 8% so với năm 1998. Thực tế hai tháng đầu năm 1999, DNNN vẫn lỗ vốn 14,3 tỷ NDT, tăng hơn cùng kỳ năm trước, làm cho "năm bản lề then chốt" của cải cách DNNN chưa được như mong muốn.

Trước thực tế trên, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có nhiều cuộc tiếp xúc, toạ đàm. Tại cuộc toạ đàm về cải cách và phát triển DNNN của 8 tỉnh thành và khu tự trị miền Đông Bắc và Hoa Bắc trong 2 ngày 11, 12 tháng 8 năm 1999 đã có bài nói chuyện quan trọng, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh, tiến sâu vào cải cách DNNN. Tiếp đó Hội nghị TW4 của BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 22/9/1999 đã ra Nghị quyết về "Một số vấn đề quan trọng của cải cách và phát triển DNNN", trong đó khẳng định "hiện nay, việc chuyển đổi thể chế và điều chỉnh cơ cấu DNNN đã đi vào giai đoạn công kiên".

Luận điểm nổi bật, đáng lưu ý vì giá trị chỉ đạo thực tiễn của nó nhằm mục tiêu "hình thành bố cục và kết cấu kinh tế quốc hữu tương đối hợp lý" vào năm 2010 trong đó khẳng định vị trí "trụ cột" của DNNN trong nền kinh tế quốc dân "không phụ thuộc vào tỷ trọng của nó". Nghị quyết khẳng định "ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển kinh tế, kinh tế quốc hữu có thể có sự khác biệt về tỷ trọng ở những ngành nghề và khu vực khác nhau…", "Theo đà phát triển liên tục của nền kinh tế quốc dân, kinh tế quốc hữu sẽ có không gian phát triển rộng lớn, tổng lượng sẽ tiếp tục tăng…, nhưng tỷ trọng của nó trong nền kinh tế quốc dân sẽ còn giảm," "… sự giảm này sẽ không ảnh hưởng tới tính chất xã hội chủ nghĩa ở nước ta".

"Tìm tòi nhiều hình thức của chế độ công hữu" được nhấn mạnh ở nhiều chỗ trong Nghị quyết lần này, từ những khái niệm chung rất mới như "… khai thác phát triển không gian, nhanh chóng hình thành xu thế mới của DNNN", đến những vấn đề cụ thể như "thúc đẩy sự lưu động hợp lý và tổ chức lại vốn tài sản sở hữu nhà nước", xây dựng tập đoàn doanh nghiệp nhà nước "xuyên chế độ sở hữu", DNNN "có thể tập trung nguồn vốn thông qua thị trường vốn và ngoài nước, đồng thời nâng cao tỷ trọng lưu thông cổ phần trong công chúng một cách hợp lý", cho phép "giảm bớt hợp lý một phần cổ phần nhà nước, doanh thu sẽ do nhà nước dùng vào việc cải cách và phát triển DNNN". Điều này cho thấy bước tiến sâu cải cách DNNN ở Trung Quốc lần này không chỉ giảm tỷ trọng DNNN trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân mà còn giảm tỷ trọng sở hữu nhà nước ngay trong từng DNNN. Đa dạng hoá sở hữu nhà nước ngay trong từng doanh nghiệp nhà nước. Đa dạng hoá sở hữu ở cấp độ toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp các DNNN sẽ có bước phát triển mới, đây là hướng quan trọng để làm sống động các DNNN, phát huy vài trò "trụ cột" của nó trong nền kinh tế quốc dân mà không làm tổn thất cơ sở kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc vì "kinh tế chế độ công hữu" không ngừng được củng cố và phát triển.

1. Tại sao phải điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước

Cùng với quá trình đẩy mạnh cải cách mở cửa, quy mô nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, cạnh tranh kinh tế trong và ngoài nước ngày càng quyết liệt, đặc biệt là trong điều kiện từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, khu vực kinh tế nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Một là, trong nền kinh tế thị trường, sự phân bố các nguồn lực chủ yếu dựa vào cơ chế thị trường, sự can dự của chính phủ do đó phải thay đổi. Chức năng cơ bản của chính phủ là đảm bảo cho bộ máy kinh tế quốc dân hoạt động trôi chảy, do vậy chủ yếu phải thông qua chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách phân phối thu nhập, các luật chơi của thị trường v.v. để tăng cường quản lý và điều phối nền kinh tế. Đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện như ở Trung Quốc, Chính phủ còn có nhiệm vụ là phải hình thành khuôn khổ luật pháp của kinh tế thị trường, tạo dựng trật tự cạnh tranh công bằng, hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Để thích ứng với tình hình trên, phải điều chỉnh khu vực kinh tế nhà nước, nhằm xây dựng bằng được cơ chế điều tiết vĩ mô với sự trợ giúp của cơ chế thị trường, tăng cường sức mạnh khống chế của kinh tế nhà nước, nâng cao hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước.

Hai là, do khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, các xí nghiệp trong nước đều đứng trước thách thức sống còn. Các DNNN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân càng cần phải thay đổi nhanh những thể chế và cơ cấu không phù hợp với sự phát triển của sức sản xuất, phát huy những ưu thế về quy mô tài sản, nhân tài và kỹ thuật được tích luỹ trong nhiều năm, hình thành các doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành chiến lược, lôi cuốn khu vực ngoài quốc doanh vào cạnh tranh quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng thể của quốc gia.

Ba là, quy mô nền kinh tế quốc dân ngày càng rộng lớn, nhu cầu của nhân dân ngày càng đa dạng, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn có hạn của nhà nước sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng, càng phong phú của dân chúng. Tình hình này đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các nguồn vốn ngoài quốc doanh, chẳng hạn lĩnh vực dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp cá thể, tư nhân quy mô vừa và nhỏ sẽ linh hoạt hơn về phương thức kinh doanh, dễ dàng cung cấp cho người tiêu dùng các loại hình sản phẩm cũng như dịch vụ, thoả mãn được mọi nhu cầu muôn hình muôn vẻ.

Bốn là, quy mô các nguồn vốn ngoài quốc doanh cũng đã lớn lên, các thành phần kinh tế Nhà nước ngày nay không còn nhiệm vụ phải xây dựng toàn bộ nền kinh tế quốc dân nữa mà là tích cực tham gia cạnh tranh với thị trường, đột phá các trọng điểm chiến lược, dẫn dắt mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó nhiệm vụ của Chính phủ là phải làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của đội quan các doanh nghiệp Trung Quốc, chứ không chỉ chú trọng đội quân các DNNN. Cần thấy rằng, qua hai mươi năm cải cách mở cửa, mọi thành phần kinh tế dựa trên cơ sở chế độ công hữu là chủ thể ở Trung Quốc đều được phát triển, nhưng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thực chất còn đang trong giai đoạn trưởng thành, quy mô của phần lớn xí nghiệp còn nhỏ, vẫn cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong môi trường cạnh tranh chung, nếu có chính sách đúng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ có thể trở thành các doanh nghiệp có ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thực tế trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược khu vực kinh tế nhà nước cũng như cải tổ về căn bản các DNNN nhằm hợp lý hoá cả về bố cục lẫn kết cấu của khu vực kinh tế Nhà nước, làm cho kinh tế nhà nước nắm được địa vị chi phối các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân, phát huy được vai trò chủ đạo, dẫn dắt và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc dân.

2. Mục tiêu điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế

Điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế Nhà nước là nhằm cải biến tình trạng quá phân tán của khu vực kinh tế nhà nước hiện nay, tập trung nguồn vốn có hạn của nhà nước vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân, nâng cao khả năng khống chế của khu vực kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế quốc dân.

Trọng điểm chiến lược và chức năng của khu vực kinh tế nhà nước phải thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, trình độ chín muồi của thị trường, năng lực của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh… Sau hai mươi năm cải cách mở cửa, các yếu tố trên ở Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn. Do vậy trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của khu vực kinh tế nhà nước là phải xuất phát từ lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia, dồn lực lượng vào những lĩnh vực trong đó có các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cơ chế thị trường không thể phát huy tác dụng tốt, đảm bảo dẫn dắt các thành phần kinh tế cùng phát triển để nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, thực hiện quá độ ổn định sang thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa . Để thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc cần:

Trước hết phải phát huy được chức năng cơ bản của Chính phủ, tập trung sức làm tốt các việc chính phủ phải làm, trước hết là ổn định xã hội - điều kiện tiên quyết để đi sâu cải cách và phát triển kinh tế, và ổn định kinh tế vĩ mô.

Dưới tiền đề ưu tiên đảm bảo chức năng cơ bản của Chính phủ, khu vực kinh tế Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo ở các lĩnh vực khu vực ngoài quốc doanh, không muốn đầu tư, đó là các lĩnh vực an ninh, công ích, các lĩnh vực mang tính chiến lược, mang tính dẫn dắt đòi hỏi vốn lớn, mạo hiểm và ít sinh lời song lại mang tính quyết định sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. !!

Trong điều kiện tài chính quốc gia có hạn phải biết ưu tiên cho các lĩnh vực trọng điểm. Và ngay cả các lĩnh vực này cũng không nên loại trừ sự tham gia của các nguồn vốn ngoài quốc doanh, chỉ cần họ tuân thủ pháp quy nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thì chính phủ nên khuyến khích. Cũng cần thấy rằng các lĩnh vực then chốt mang tính chiến lược cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Do vậy trọng điểm chiến lược của khu vực kinh tế nhà nước cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.

Nói như trên không có nghĩa là kinh tế nhà nước có thể rút ngay ra khỏi mọi lĩnh vực không có tầm quan trọng chiến lược. Điều này không thực tế vì số lượng các DNNN rất lớn, trải rộng, cơ chế thị trường chưa hoàn chỉnh, thị trường vốn chưa chín muồi, khả năng ngăn chặn khủng hoảng kinh tế chưa mạnh. Do vậy, bố cục lại khu vực kinh tế nhà nước cũng phải tuỳ tình hình thực tế, tránh mất ổn định xã hội. Các DNNN trong các lĩnh vực không mang tính chiến lược có thể đi trước một bước trong việc lợi dụng thị trường vốn để cải tổ, thu hút các nguồn vốn của mọi hình thức sở hữu, thực hiện đa nguyên hoá quyền tài sản.

3. Phương thức điều chỉnh bố cục hợp lý hoá kết cấu kinh tế kinh tế nhà nước

Điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước sẽ đụng chạm đến nhiều mặt, đây là nhiệm vụ cực kỳ gian nan, cần phải có giải pháp đồng bộ. Giới hoạch định chính sách cải cách DNNN ở Trung Quốc cho rằng phải thực hiện 7 kết hợp dưới đây.

3.1. Kết hợp tốt chính sách với cơ chế thị trường. Cải tổ xí nghiệp không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính, chủ yếu phải dựa vào cơ chế thị trường. Chính phủ cần đưa ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy việc điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước như hình thành và quy tắc hoá thị trường vốn, thanh lý các khoản nợ kéo dài của các DNNN, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội; thay đổi chức năng chính phủ, ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ địa phương, cải tiến chế độ thuế, lành mạnh hoá hoạt động của chính quyền các cấp…

3.2. Kết hợp giữa điều chỉnh vĩ mô với điều chỉnh vi mô. Phương hướng điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước là tập trung nguồn vốn nhà nước vào các lĩnh vực then chốt, các ngành chiến lược. Do vậy khi chọn ngành nghề cần ưu tiên dễ trước khó sau. Cải tổ khu vực kinh tế nhà nước bắt đầu từ các lĩnh vực, các ngành, các xí nghiệp hấp dẫn nhất đối với các nguồn vốn ngoài quốc doanh. Về bố cục vi mô, vốn nhà nước phải tập trung vào các doanh nghiệp hiệu quả thấp hướng tới các doanh nghiệp hiệu quả cao, điều cốt yếu là đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước, xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại. Đây chính là nội dung quan trọng và cũng là điều kiện cơ bản để điều chỉnh chiến lược khu vực kinh tế nhà nước.

3.3. Kết hợp điều chỉnh bố cục khu vực kinh tế nhà nước với điều chỉnh kết cầu ngành nghề. Điều chỉnh chiến lược bố cục khu vực kinh tế nhà nước phải tiến hành đồng thời, đồng bộ với điều chỉnh kết cấu ngành nghề. Điều chỉnh kết cấu ngành nghề không phải là việc riêng đối với DNNN, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng đứng trước nhiều vấn đề. Cho đến nay, tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như quy mô doanh nghiệp ở Trung Quốc còn nhiều bất cập, thiếu sức cạnh tranh quốc tế, cần phải vượt qua các hạn chế về chế độ sở hữu, khu vực, ngành nghề, cần dựa vào các doanh nghiệp có ưu thế để cải tổ, hình thành các tập đoàn doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế.

3.4. Kết hợp giữa quy hoạch tổng thể với việc phát huy tích cực của chính quyền các cấp. Về phân công, chính phủ Trung ương chủ yếu phát huy tác dụng đối với các lĩnh vực chiến lược, các hạng mục công ích liên quan đến nhiều khu vực, còn chính quyền địa phương chủ yếu phát huy tác dụng đối với các sự nghiệp công cộng mang tính khu vực.

3.5. Kết hợp điều chỉnh giữa đầu tư mới với hiện có. Về nguyên tắc, đầu tư mới của chính phủ chủ yếu chỉ dành cho các hạng mục đảm bảo các trọng điểm chiến lược của khu vực kinh tế nhà nước, số tài sản nhà nước nằm trong các lĩnh vực không có vai trò chiến lược, nếu khó giải phóng trong thời gian ngắn, có thể thông qua hình thức đa nguyên hoá các chủ thể đầu tư để cải tạo, đảm bảo sự ổn định.

3.6. Kết hợp điều chỉnh bố cục khu vực kinh tế nhà nước với việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Cần thấy rằng phát triển lành mạnh khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là điều kiện rất cần thiết để điều chỉnh bố cục và kết cấu khu vực kinh tế nhà nước. Bởi vậy phải tạo bằng được môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thúc đẩy nó phát triển.

3.7. Kết hợp nâng cao hiệu suất với nắm bắt thời cơ. Để tăng được giá trị của toàn bộ tài sản nhà nước, tránh tình trạng nguồn vốn nhà nước thất thoát dần, cần nắm thời cơ với giá cả tương đối hợp lý chuyển các DNNN ở những ngành không có tầm quan trọng chiến lược ra khỏi khu vực kinh tế nhà nước để thu hồi một bộ phận tài sản nhà nước đầu tư vào nơi quan trọng hơn.

Với những luận giải trên, chúng ta có thể thấy trong thời gian tới tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân Trung Quốc sẽ giảm. Có nguồn tin cho biết số DNNN quy mô đặc biệt lớn sẽ từ 268 xuống còn 62, số DNNN quy mô lớn sẽ tử 7223 giảm xuống còn 991 để nhà nước tập trung đầu tư buộc các DNNN đều thực hiện theo "Luật xí nghiệp" đảm bảo lời hứa 3 năm xoay chuyển tình trạng thua lỗ của DNNN".


Nguồn: www.vietnamchina.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường