Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cắm mốc ranh giới để giữ đất lúa?
22 | 08 | 2008
Ngày 21/8, tại TP HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý về chiến lược ANLT Quốc gia và chiến lược phát triển trồng trọt đến 2020. Tại đây, nhiều vấn đề nóng đã được đặt ra...
Phải giữ chặt đất lúa!

Theo TS Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mặc dù đang là nước XK gạo hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có những dấu hiện bất ổn về an ninh lương thực quốc gia. Đó là khả năng tiếp cận lương thực của người dân ở mọi nơi, trong mọi tình huống, vẫn chưa tốt, mà điển hình là vụ sốt gạo hồi cuối tháng 4 vừa rồi. Hay lượng gạo dự trữ đang có xu hướng giảm, dự trữ gạo đến cuối năm 2007 là 1 triệu tấn, giảm 300 ngàn tấn so với cùng kỳ ...

Nhưng trên hết, đó là tình trạng đất SX lúa đang bị mất khá nhiều do chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, phát triển công nghiệp, sân golf, đô thị hóa…Từ năm 2000-2007, trung bình mỗi năm nước ta mất 51 ngàn ha đất canh tác lúa, tương đương với giảm 400-500 ngàn tấn lúa/năm. Năng suất lúa tuy vẫn tăng nhưng đang có xu hướng chững lại. Trong khi đó, dân số nước ta lại ngày càng tăng lên, dự kiến sẽ đạt khoảng 100 triệu người vào năm 2020, đạt 120-130 triệu người vào 2030 …

Chính vì vậy, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, và tầm nhìn xa hơn tới 50 hay thậm chí 100 năm nữa, SX lúa gạo vẫn đảm bảo đủ nhu cầu cho người dân trong nước, thì trước hết, Chính phủ phải giữ được vững được diện tích đất lúa hiện nay, đồng thời phát triển mạnh một số loại cây lương thực khác. Theo đó, diện tích đất canh tác lúa được duy trì đến năm 2010 là 4 triệu ha (sản lượng 36,5 triệu tấn), năm 2015 là 3,8 triệu ha (38 triệu tấn), năm 2020 là 3,6 triệu ha (39,8 triệu tấn) và giữ ổn định lâu dài từ sau 2020 đến 2050 là 3,5 triệu ha.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKTNNMN cho rằng:

Chính phủ cần phải quy định cụ thể tỉnh nào tập trung làm nông nghiệp, tỉnh nào phát triển công nghiệp. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều tỉnh đang coi nhẹ sản xuất nông nghiệp, quá chú trọng vào sản xuất công nghiệp là vì sản xuất công nghiệp sẽ làm cho bản báo cáo về sự tăng trưởng GDP của tỉnh được… đẹp hơn, thu ngân sách nhiều hơn.

Công việc cần làm ngay trước mắt là khẩn trương rà soát, xây dựng quy hoạch tổng quan phát triển SX lúa, ngô đến năm 2020 trên phạm vi toàn quốc và theo từng vùng. Theo TS Phan Huy Thông, trọng tâm của công tác này là thắt chặt quản lý đất lúa. Theo đó, sẽ tổ chức cắm mốc chỉ giới đất lúa giống như cắm mốc lộ giới giao thông. Đồng thời sẽ chia đất lúa hiện nay làm 3 loại: đất làm lúa vĩnh viễn, đất lúa có thể chuyển đổi sang cây trồng khác, đất lúa chuyển sang làm công nghiệp.

Tập trung vào năng suất lúa

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, để tính toán được chính xác lượng lúa gạo cần có nhằm đáp ứng đủ nhu cầu người dân đến năm 2020, thì rất cần có những nghiên cứu chính xác về nhu cầu dinh dưỡng, sự thay đổi trong tập quán ăn uống của người Việt trong bối cảnh nền kinh tế liên tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính chính xác lượng lương thực dành cho chăn nuôi, sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, hay thậm chí là để nấu rượu...GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng nước ta cần phải thành lập ngay một hệ thống thông tin lương thực thường xuyên để cập nhật kịp thời tình hình xuống giống, thu hoạch lúa ở tất cả các tỉnh, qua đó giúp cho Chính phủ có những quyết sách kịp thời trong việc tiêu thụ, lưu thông, XK gạo.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng trong thời gian tới cần phải xây dựng hệ thống tồn trữ lúa ở ĐBSCL. Đây là giải pháp quan trọng vừa giúp các DN đẩy mạnh thu mua lúa trong dân, nhất là trong vụ HT. Đồng thời, cần có những chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất thoát lúa sau thu hoạch từ 14% hiện nay xuống còn khoảng 8%. Nếu làm được điều này, mỗi năm, ở ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 2 triệu tấn lúa.

Để tăng được sản lượng lúa gạo trong bối cảnh diện tích đất SX lúa không tăng thêm mà còn giảm đi trong thời gian tới, việc đẩy mạnh nâng cao năng suất lúa chính là giải pháp quan trọng nhất. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nước ta có lợi thế hơn Thái Lan ở chỗ có những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, do đó, cần phải phát huy lợi thế này mà chưa nên chạy theo đua theo họ trong việc SX các loại lúa gạo thơm, lúa gạo chất lượng cao.

GS.TS Bùi Chí Bửu cũng cho rằng trước mắt sản xuất lúa ở nước ta nên tập trung vào nâng cao năng suất, còn chất lượng thì từ từ rồi tính. Hiện tại, năng suất lúa của nước ta tuy đã vào loại cao nhất ở ĐNA, nhưng vẫn còn kém so với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Sự chênh lệch về năng suất lúa bình quân giữa các địa phương ở nước ta vẫn còn khá lớn, khoảng 1,1 tấn/ha (ở nhiều nước chỉ chênh lệch 200kg/ha). Vì vậy, nếu nâng được năng suất lúa lên ngang với mấy nước nói trên và thu hẹp được sự chênh lệch về năng suất lúa, trong những năm tới, nước ta sẽ có thêm một lượng lúa gạo không nhỏ.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường