Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thức ăn nhanh được tiêu thụ mạnh
27 | 08 | 2008
Đi siêu thị vào ngày thứ bảy, ngoài việc chọn một số mặt hàng thiết yếu, chị Lê Mai Tuyết (ngụ ở Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận – TPHCM) còn chọn mua 5 loại đồ hộp làm món ăn chính của các ngày trong tuần. Theo chị, ban ngày đi làm đã ăn trưa ở quán nên chiều về chỉ ăn đơn giản để tiết kiệm chi tiêu.
Đồ hộp rẻ hơn thực phẩm tươi sống Không chỉ riêng gia đình chị Tuyết mà hiện có rất nhiều gia đình đang chọn thực phẩm công nghệ thay cho thực phẩm tươi sống. Thống kê của một số siêu thị, gần đây lượng khách tập trung nhiều tại khu bán đồ hộp, lạp xưởng, mì gói... Chị Vũ Thu Cúc (ngụ ở quận Bình Thạnh) tính toán: Một hộp xíu mại xốt cà giá 12.000 đồng là hai vợ chồng ăn đủ một bữa; nếu tự nấu thì chi phí của món này ít nhất cũng 20.000 đồng. Còn anh Nguyễn Phước Hưng (ngụ ở quận Tân Phú) mua cả thùng thực phẩm ăn liền gồm mì gói, bún, miến... để ăn sáng. Nếu so với việc ăn sáng bên ngoài, chi phí từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/món thì cả tháng anh tiết kiệm được 300.000 đồng. Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nên mãi lực của các ngành hàng cũng thay đổi mạnh. Bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống Maximark, cho biết: Ba tháng nay, sức mua của các mặt hàng thực phẩm công nghệ tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là các loại đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn. Một trong những lý do khiến khách hàng chuyển sang dùng các sản phẩm này là chi phí rẻ hơn từ 20% - 30% so với thực phẩm tươi sống. Quán cơm văn phòng bớt khách Nắm bắt được nhu cầu này nên các doanh nghiệp đều đẩy mạnh sản lượng và chủng loại. Khách hàng có thể chọn thịt kho trứng, thịt heo kho gừng, sườn heo nấu đậu, bò ra - gu, bò nấu đốp, xíu mại... giá từ 8.000 đồng – 32.000 đồng/hộp. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, nhận xét: Nhóm hàng thực phẩm công nghệ gồm đồ hộp, thịt chế biến... có mức tăng trưởng khoảng 60%; cơ cấu, chủng loại hàng tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại với tình hình trên, lượng khách đến các quán cơm trưa giảm đáng kể, nhất là các quán cơm văn phòng có giá từ 25.000 đồng/phần trở lên. Bà Thảo, chủ một quán cơm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), cho hay: Trước đây, mỗi ngày bà nấu 20 kg gạo thì nay chỉ dám nấu 14 kg gạo. Lượng khách đến quán giảm mạnh vì ngày càng có nhiều công chức mang theo cơm để ăn trưa. Thống kê của một doanh nghiệp ở quận 3 cho thấy nếu đầu tháng 7 chỉ có 11/41 nhân viên mang theo cơm trưa thì đến tháng 8, con số này đã là 23/41 nhân viên. Mỹ phẩm, quần áo bán chậm Một trong nhóm ngành hàng mãi lực cũng đang giảm mạnh là mỹ phẩm và quần áo với mức giảm khoảng từ 5% - 17%. Chị Bích Liên, chủ sạp quần áo tại chợ Bến Thành, than: Trước đây, lượng khách trong nước mua hàng chiếm khoảng 50%, còn bây giờ, gần như chỉ bán được hàng cho khách quốc tế. Theo một số công ty mỹ phẩm, doanh số bán hàng của họ đang giảm rất mạnh (giảm từ 10% - 25% so với đầu năm). Riêng các loại mỹ phẩm ngoại nhập, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi sức mua yếu do tình hình chung còn bị tác động của đợt áp dụng thuế mới (tăng khoảng 10% từ đầu tháng 7) nên sức mua giảm ít nhất 20%.
Du lịch, khách sạn vắng khách Mặc dù đang là mùa cao điểm du lịch nhưng đây là lần đầu tiên trong khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều đơn vị lữ hành không đạt kế hoạch đề ra, lượng khách không bằng năm trước.Đến đến giữa tháng 8, theo một cán bộ trong ngành du lịch, đã có một số doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa vì tình hình kinh doanh ế ẩm. Một nguyên nhân khác khiến lượng khách sụt giảm còn do giá dịch vụ tăng cao kéo theo giá tour tăng từ 20% - 30% so với mùa du lịch hè năm 2007, trong đó dịch vụ vận chuyển tăng nhiều nhất... Công suất phòng tại các khách sạn, resort ở Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt... cũng giảm mạnh. Dù áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, công suất phòng của một số resort 3-4 sao ở Mũi Né (Phan Thiết) chỉ xấp xỉ khoảng 65%, trong khi cùng thời điểm mọi năm đều đạt từ 88% - 100%. Tr.Bảo



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường