NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đã thực hiện chương trình cho vay tiền đồng có LS USD. Mức LS cho vay mà Eximbank đưa ra là 8,4%/năm, chỉ bằng 60% LS cho vay VND hiện hành.
DN khi có hợp đồng hoặc L/C xuất khẩu, NH sẽ giải ngân vốn VND theo LS USD để thu mua nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Khi DN nhận được tiền bán hàng, NH sẽ mua lại số ngoại tệ đó theo tỉ giá được hai bên thỏa thuận tại ngày NH đã giải ngân cho DN. Để có được mức LS cho vay thấp, Eximbank phải kết hợp nhiều nghiệp vụ về ngoại hối, thanh toán. Với chương trình 2.000 tỉ đồng với LS 8,4%/năm, chỉ sau hơn một tháng triển khai, các DN đã được vay khoảng 1.000 tỉ đồng với thời hạn 3-4 tháng, phù hợp với thời hạn làm hàng xuất khẩu. Cứ mỗi 100 tỉ đồng vốn vay, DN sẽ tiết kiệm được hơn 1 tỉ đồng tiền lãi/tháng, chỉ phải trả khoảng 700 triệu đồng thay vì 1,75 tỉ đồng.
Theo ông Trương Văn Phước - tổng giám đốc Eximbank, DN vay trả sòng phẳng vì vậy NH này đã tăng hạn mức cho vay lên 5.000 tỉ đồng, cũng với LS 8,4%/năm. Đồng thời NH đổ quân xuống ĐBSCL để mở rộng cho vay đối với các DN xuất khẩu nông sản ở khu vực này. |
Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu lương thực, câu chuyện cá tra, lúa gạo tồn đọng và giảm giá trong những tháng trước đây không hẳn do thiếu vốn mà chính là do LS quá cao. DN mua hàng để dự trữ chỉ là "rước nợ vào thân". Mua hàng sớm ngày nào phải trả lãi ngày đó, mỗi tháng khoảng 1,7% tiền lãi. Mà vốn vay để thu mua lên đến vài tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Vì vậy, dù NH Nhà nước có chỉ đạo, một số NH có bơm vốn ra nhưng DN chào thua vì LS quá cao. Nay trở ngại LS đang dần được giải quyết nhưng nếu có thể được, NH nên giảm thêm vẫn tốt hơn. Mới đây, NH Á Châu (ACB) đã dành ra 20 triệu USD cho chương trình tài trợ xuất khẩu VND với LS đặc biệt. Theo ACB, LS cho vay ngang với LS USD và chỉ bằng khoảng 70% LS cho vay VND. ACB sẽ tập trung cho vay vào bốn nhóm hàng xuất khẩu chính là thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su...
Theo ghi nhận, một số NH cũng đang "học bài" để có thể áp dụng cho các khách hàng của mình. Cuộc chạy đua cho vay LS rẻ sẽ còn tiếp diễn và tất cả đều có lợi. Các NH được lợi khi có thể bán thêm được nhiều dịch vụ khác cho khách hàng, đặc biệt là về ngoại hối. DN thì tiết giảm chi phí, qua đó duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giảm bớt tình trạng "đóng băng" trong thu mua, kinh doanh mà hậu quả là hàng nông sản bị ứ đọng, giá giảm...