Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía trắng Cao Phong long đong tìm đầu ra
31 | 08 | 2008
Cây mía được coi là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện Cao Phong (Hoà Bình). Toàn huyện có trên 2.400ha mía, trong đó, mía tím 1.100ha, mía trắng trên 1.300ha. Thời điểm thu hoạch mía tím khoảng từ tháng 2 – 4, mía trắng từ tháng 6 – 7. Diện tích mía tím đã thu hoạch xong và trồng lại, nhưng đến cuối tháng 8, toàn huyện vẫn còn khoảng 20% diện tích mía trắng chưa tiêu thụ được.
Ông Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, việc tiêu thụ mía trắng gặp khó khăn không chỉ ở các xã vùng cao, đường đi lại khó khăn như Yên Thượng, Yên Lập mà cả thị trấn và các nơi đất mía như Dũng Phong, Tân Phong. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thời tiết năm nay không thuận, mưa sớm, nhu cầu giảm. Trong thời gian thu hoạch, người dân có tư tưởng chờ được giá.

Xã Yên Lập có 80ha mía, trong đó có 30ha mía tím, 50ha mía trắng. Cây mía được xã xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nhưng đến nay diện tích mía trắng hầu hết chưa tiêu thụ được. Ông Bùi Hồng Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bà con chủ yếu trồng mía trắng là do mức đầu tư, chăm sóc ít hơn mía tím. Nói như vậy, nhưng đầu tư cho 1ha mía trắng cũng hết gần hai chục triệu đồng. Một năm mới được thu một lần, không bán được mía, đồng nghĩa với khó khăn chồng chất. Do thời tiết và đường giao thông lầy lội, cây mía Yên Lập khó ra được thị trường. Anh Bùi Văn Diến bộc bạch: Gia đình trồng 1ha mía trắng. Hồi tháng 6, tư thương đến thoả thuận giá 70 triệu đồng, nhưng trời mưa nên xe ôtô không lên chở mía được. Sau đó, họ cũng không lên nữa. Cuối tháng 8, tranh thủ mấy hôm trời nắng đành chấp nhận bán chặt chọn cây đẹp mới được 500 đồng/cây. Số cây còn lại hết vụ, lại gặp mưa hỏng cũng chỉ chặt làm... củi. Một số hộ muốn bán rẻ để dọn vườn cho vụ mới và gỡ gạc lại ít vốn đầu tư cũng khó. Có gia đình thuê xe chở mía đi bán thì thu không đủ chi phí thuê xe.

Tình hình tại xã Yên Thượng càng khó khăn hơn, do đường lên xã ghập ghềnh khó đi. Ông Bùi Minh An, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Yên Thượng là đất mua đắt, bán rẻ. Nếu thời tiết khô ráo, bán con lợn, con gà, cây mía đều rẻ hơn ở Dũng Phong, trời mưa thì gần như bị cô lập. Dự án đường từ Tây Phong lên xã đã được thi công nhưng chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và giao thương hàng hoá của địa phương. Xã không phát triển nhiều diện tích mía, chỉ có 39ha, nhưng hiện nay, số mía trắng không tiêu thụ được hoặc bán cầm chừng, rẻ mạt, không đủ chi phí.

Ông Phạm Hồng Quân cho biết thêm: Cây mía trắng ở Cao Phong chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, không dùng để ép lấy đường, nên khi thời tiết chuyển mùa, việc tiêu thụ mía tồn đọng là khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo cho vụ mới, người dân vẫn phải bán rẻ, hoặc chặt bỏ. Huyện không có chủ trương tăng, hay giảm mà ổn định định diện tích mía hiện có, tập trung đầu tư, chăm sóc để thực sự là cây mía hàng hoá có chất lượng.

Mía Cao Phong từ lâu đã xây dựng được uy tín ở thị trường nhiều tỉnh phía Bắc. Năm nay, mía trắng cuối vụ tiêu thụ khó khăn, chủ yếu do thời tiết và thị trường. Huyện đang cùng nông dân tập trung, tháo gỡ khó khăn. Vấn đề xây dựng vùng nông sản hàng hoá, thương hiệu và có giá trị ổn định là việc cần quan tâm, nghiên cứu để có định hướng phù hợp. Để có một vụ mía thắng lợi, theo ông Quân, trước hết người dân cần chủ động trong đầu tư, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường