Nguyên nhân chính là hai bên chưa thống nhất được về giá cả và chất lượng.
Tiền nào của nấy?
Một trong những mâu thuẫn đang tiềm ẩn giữa người mua và người bán là giá cả. Trên thực tế, giá thu mua sữa bò tươi hiện nay do Vianmilk và Dutch Lady cũng như các Cty khác dao động từ 6.000- 7.500đ/kg.
Theo lãnh đạo Vinamilk thì giá họ áp dụng hiện nay đã ngang bằng với các nước Âu- Mỹ, cao hơn các nước trong khu vực (xem box). Tại khu vực TPHCM, hiện nay Vinamilk đang mua với mức 7.450đ/kg, bao gồm giá chuẩn chất lượng 5.500đ/kg và các hỗ trợ khác là 1.950đ/kg (không kể chi phí hoa hồng thu mua, bảo quản, vận chuyển sữa 300đ cho đại lý trung chuyển). Tuy nhiên, giá này chỉ áp dụng với loại sữa đạt chuẩn AAA, những loại sữa chỉ đạt mức E, Cty chỉ mua 1.000đ/kg (lần đầu), các lần sau sẽ không mua.
Ngoài ra, có một thực tế khác là dù giá thu mua sữa bò tươi cao nhưng người chăn nuôi đang phải chịu chi phí giá thức ăn cao. Hiếm thấy nước nào giá 1kg bắp hạt lên đến 5.000-5.500đ (gần bằng một lít sữa tươi) như ở nước ta. Trong khi tại Thái Lan, người dân bán 1 lít sữa mua được 2kg bắp hạt, tại Mỹ mua được 4,6kg, Hà Lan 2,6kg...
Bên cạnh đó, giá giống bò, công lao động và các chi phí khác tăng cao, dẫn đến lợi nhuận của người chăn nuôi giảm; đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ giảm đàn bò.
Thêm nữa, sự hoài nghi trong việc kiểm tra chất lượng, do Nhà nước chưa ban hành tiêu chuẩn quy định cho chất lượng sữa bò tươi, nên càng khiến người chăn nuôi cảm thấy thiệt thòi.
Có chuẩn chất lượng- dễ xử lý
Qua tìm hiểu, có thể thấy "vướng" nhất về việc định ra giá cả trong thu mua sữa bò tươi hiện là ở chất lượng. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao một số Cty vừa qua chỉ mua loại sữa kém chất lượng của nông dân với giá rất thấp (2.500 đ/kg, thậm chí thấp hơn). Trên thế giới, hiện nay nhà sản xuất thu mua sữa tính theo lượng chất béo và chất đạm. Ngoài ra, nếu sữa không đạt vệ sinh (vi sinh kém, số lượng tế bào somatic vượt chuẩn) thì họ không thu mua.
Giá thu mua sữa bò tươi tại Châu Âu vào tháng 3.2008 trung bình là 27,78 pence/kg (tương đương với 7.778 VND - tỉ giá 1EUR= 28.000VND). Giá này bao gồm VAT (quy về chuẩn 4,2% béo, 3,4% protein, quota 500 tấn/năm, tổng số vi khuẩn 24.999 vi khuẩn/ml và tổng số tế bào somatic là 249.999 tế bào/ml). |
Ở ta, tiêu chuẩn mà các Cty áp dụng hiện nay khi thu mua sữa đạt chuẩn AAA thì tỉ lệ chất khô phải đạt 12%, chất béo 3,5% và thời gian mất màu xanh metylen 4h (tiêu chuẩn vi sinh). Theo nhiều chuyên gia thì các tiêu chuẩn này không cao, vì trong điều kiện và trình độ chăn nuôi bò sữa của VN hiện nay nếu áp dụng theo chuẩn của thế giới thì người chăn nuôi chưa đạt được. Bởi vậy, với các loại sữa tươi nguyên liệu không đạt chuẩn AAA, có Cty phải mua giá thấp hơn để bù vào khoản chi phí phát sinh do phải bổ sung thêm nguyên liệu.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, khi đánh giá về thực trạng của ngành chăn nuôi bò sữa VN, đã cho rằng nguyên nhân của việc nhiều hộ chăn nuôi phải chuyển nghề hay phá sản là do chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, vệ sinh chuồng trại không tốt, không biết cách chăm sóc cho bò ăn... dẫn đến tình trạng sữa không đạt chất lượng. Ngược lại, những hộ chăn nuôi có đầu tư, chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi có hiệu quả sẽ phát triển, tăng đàn
Thống kê của Vinamilk cho thấy, đàn bò do họ quản lý trên hợp đồng tại khu vực TPHCM và phụ cận trong năm 2007 là 36.147 con, nhưng đã tăng lên 47.419 con vào tháng 7.2008. Như vậy, có thể thấy chưa có khuynh hướng giảm lượng đàn bò sữa tại TPHCM. Còn thực tế có giảm chỉ xuất hiện ở những hộ nuôi nhỏ, lẻ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để nông dân không thiệt thòi khi bán sữa hoặc không bị DN ép giá do "nhập nhèm" chất lượng thì nên có quy định tiêu chuẩn cho chất lượng sữa bò tươi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Phó TGĐ Vinamilk - đồng tình: "Vinamilk ủng hộ các cơ quan chức năng nghiên cứu và xây dựng quy định những tiêu chuẩn cho sữa tươi nguyên liệu. Khi đó, tuỳ thực tế sữa bò tươi theo tiêu chuẩn nào thì ứng với giá sữa đó; nếu không đạt chuẩn theo quy định thì nhà sản xuất cũng từ chối thu mua. Hiện Vinamilk đang quy định chất lượng sữa theo 64 tổ hợp tiêu chuẩn và sẵn sàng chia sẻ, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng các quy định thành nhiều tổ hợp hơn".
Tuy nhiên, các nhà quản lý và nhà sản xuất phải có trách nhiệm tư vấn, giúp đỡ nông dân từ khâu chọn giống, chăm sóc và thu hoạch sữa cho đúng chất lượng, chứ không nên để cho họ "tự bơi"!