Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây “đua nhau”... xuất ngoại
04 | 09 | 2008
Vài năm trước, người trồng cây ăn trái VN ở một số tỉnh ĐBSCL thường điêu đứng vì “thua trên sân nhà”, giá cả rớt thê thảm, trái cây nhiều nhưng không nơi tiêu thụ... Nhưng thời gian gần đây, bên cạnh thị trường trong nước được mở rộng, nhiều loại trái cây VN có được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nga và các nước châu Âu.
Sau dứa đóng hộp, bưởi Năm Roi và thanh long Bình Thuận, đến lượt bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát chu, thanh long Tiền Giang, nhãn, chôm chôm, vú sữa, ớt, khoai mì... lần lượt xuất ngoại với sản lượng ngày càng lớn.

Xuất không xuể...

Sáng 3-9, vựa trái cây Hương Miền Tây của anh Đàm Văn Hưng ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày (Bến Tre) nhộn nhịp hơn mọi ngày. Các nhân viên thoăn thoắt chọn lựa, bao trái, đóng gói chuẩn bị xuất sang Đức 10 tấn bưởi da xanh vào ngày 6-9. Anh Hưng phấn khởi: “Nếu như các loại trái cây khác giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh thì bưởi da xanh Bến Tre liên tục tăng giá và khách hàng nước ngoài đặt hàng ngày càng nhiều”.

Vài năm trước bưởi Năm Roi Vĩnh Long được xem là “vua” của các loại trái cây ở ĐBSCL thì nay đến lượt bưởi da xanh. Ngày 3-9 bưởi da xanh mà các vựa trái cây ở Bến Tre và Tiền Giang thu mua tới 15.000 đồng/kg. Anh Hưng cho biết chất lượng bưởi da xanh rất ngon, đã được người tiêu dùng ở nhiều nước châu Âu biết tới. Năm 2007 anh Hưng thông qua Công ty TNHH xuất khẩu thương gia CPR (Hà Nội) xuất khẩu sang thị trường Đức 50 tấn bưởi da xanh. Nhưng đến tám tháng đầu năm 2008 đã tăng vọt hơn 80 tấn và dự kiến đạt trên 100 tấn vào cuối năm. “Khách hàng đặt mua rất nhiều, mỗi tháng họ cần mua tới 50 tấn nhưng một mình tôi làm không xuể nên chỉ nhận một phần” - anh Hưng tâm sự.

Còn theo anh Trần Anh Dũng ở xã Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre), nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh ở thị trường châu Âu hiện rất lớn. Tuy nhiên do tại Bến Tre hiện không có doanh nghiệp nào đứng ra làm đầu mối thu mua để xuất nên các vựa trái cây phải tự “bơi”, xuất được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Một khách hàng ở Đức đã tìm đến tận cơ sở của anh để chọn và đóng gói rồi vận chuyển về TP.HCM lên tàu xuất ngoại. Chuyến vừa rồi, khách hàng này mua 2 tấn bưởi rồi xuất sang Cộng hòa Czech. Thị trường của bưởi da xanh ngày càng rộng là tin vui đối với người trồng bưởi ở ĐBSCL.

Theo anh Đàm Văn Hưng, từ năm 2007 đến nay giá bưởi da xanh chưa bao giờ rớt dưới 12.000 đồng/kg. Ngày 2 và 3-9, trong lúc các loại bưởi khác rớt giá thì bưởi da xanh tăng 500-1.000 đồng/kg (ở mức 14.000-15.000 đồng/kg) do thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu “ăn” mạnh. Mỗi ngày anh Hưng cung cấp cho thị trường Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Bắc khoảng 3 tấn bưởi da xanh. Năm 2007 vựa Hương Miền Tây đưa ra thị trường nội địa 600 tấn, còn năm 2008 ước đạt 1.000 tấn.

Không chỉ trái bưởi, ông Lê Quang Ninh, trưởng phòng xúc tiến đầu tư và thương mại - du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư Tiền Giang), cho biết sau hơn hai năm “chào hàng”, từ giữa năm 2007 đến nay thị trường Nga đã chấp nhận xoài cát chu Tiền Giang, thanh long Tiền Giang và Long An, chôm chôm Tiền Giang và Bến Tre, nhãn tiêu da bò và ngay cả ớt tươi cũng đã xuất ngoại.

Theo ông Ninh, nhu cầu tiêu thụ trái cây VN tại thị trường Nga rất lớn nhưng trung bình mỗi tuần Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Xoài (Hà Nội) - một trong những công ty xuất hàng sang Nga - chỉ đưa vài trăm ký trái cây mỗi loại vì việc vận chuyển bằng máy bay rất khó khăn và cước phí cao. Tuy nhiên, cơ hội đang mở ra cho nhiều hộ nông dân ở đây khi Công ty Xoài dự kiến đầu năm 2009 sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng tại cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (Tiền Giang) để thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu trái cây với số lượng lớn sang Nga và các nước châu Âu bằng đường biển.

Ngoài Công ty Xoài, trong năm 2008 Công ty TNHH MT tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã đưa khoảng 1.000 tấn chôm chôm tươi (sau khi đã bóc 1/2 vỏ) vào thị trường Mỹ và Hàn Quốc. Công ty cũng đã đưa vào thị trường Mỹ, thông qua các siêu thị, nhiều loại nông sản khác đã qua chế biến như khoai mì, sả, ớt, chuối...

Để trái cây xuất ngoại nhiều hơn

Theo anh Đàm Văn Hưng, hiện Bến Tre có vùng chuyên canh hơn 3.000ha bưởi da xanh là điều kiện cần để mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng điều kiện đủ phải có là Nhà nước đứng ra hỗ trợ thành lập các HTX làm đầu mối ứng dụng kỹ thuật canh tác theo hướng chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó phải đầu tư hệ thống kho lạnh để sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cho tốt. Hiện nay mới có khoảng 30% sản lượng bưởi đủ điều kiện xuất khẩu. Nếu được đầu tư bài bản thì tỉ lệ này có thể đạt 70-80%.

Là người trực tiếp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, sơ chế, đóng gói trái cây xuất khẩu hai năm qua, ông Lê Quang Ninh cho rằng mặc dù yêu cầu của thị trường Nga, Mỹ rất cao nhưng không phải quá tầm tay của chúng ta. Chẳng hạn xoài, thanh long, chôm chôm xuất sang Nga vừa qua ngoài yêu cầu không có dư lượng thuốc BVTV (kiểm dịch thực vật trước), thì chỉ cần trái ngon, mẫu mã đẹp và đồng đều là được (xoài cát chu đóng gói theo quy cách ba trái/kg, tức khoảng 320g/trái).

Đặc biệt, nếu canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP (chứng nhận toàn cầu về quy trình sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) thì việc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng nước ngoài là hoàn toàn trong tầm tay. “Xoài cát chu, thanh long Tiền Giang, Long An và bưởi da xanh Bến Tre hiện được xem là những loại trái cây rất triển vọng ở thị trường Nga và châu Âu. Hiện các loại trái cây này đã có vùng chuyên canh rất lớn, nên chỉ cần đầu tư canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP và xây dựng hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch tốt là có thể tăng sản lượng xuất khẩu” - ông Ninh khẳng định.


Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=276845&ChannelID=11



Báo cáo phân tích thị trường