Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế và lực mới của Việt Nam
04 | 09 | 2008
Sau hơn 20 năm đổi mới, từ một nước có tỷ lệ đói nghèo cao, nay Việt Nam là nước đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới.
Một môi trường đầu tư thông thoáng và tiếp tục được cải thiện, một đất nước có môi trường chính trị xã hội ổn định, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục lập kỷ lục, kinh tế tăng trưởng nhanh, có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức khu vực và quốc tế, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc… Đó là những gì bạn bè quốc tế nhắc đến khi nói về Việt Nam, cũng là những yếu tố góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.


Việt Nam ngày nay được thế giới biết đến như là điểm đến hấp dẫn về đầu tư, du lịch, hấp dẫn về sự đổi mới. Đây là nhận xét của ông Taichi Sakaguchi, TGĐ Cty Nikken International Asia, Nhật Bản: “Lý do tôi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì Việt Nam đang là một hiện tượng về phát triển kinh tế và tương lai Việt Nam còn phát triển nữa, vì hiện Việt Nam đang phát triển mạnh cơ sở hạ tầng. Trong châu Á, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất. Bản thân Việt Nam có những ưu thế của mình, nhân lực rất ưu tú, môi trường đầu tư đang được cải thiện rất nhiều. Những ưu điểm này khiến Việt Nam đang được các nhà đầu tư chú ý”.

Cuối năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo trước Quốc hội rằng: tiềm lực quốc gia được tăng cường, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo nên thế và lực mới cho sự nghiệp chấn hưng đất nước bền vững, mở ra khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm trước thời hạn mà Đại hội X và Quốc hội đã đề ra.

Sau hơn 20 năm đổi mới, từ một nước có tỷ lệ đói nghèo cao, nay Việt Nam là nước đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới. Cà phê, hồ tiêu Việt Nam góp phần quyết định giá cả và cung cầu mặt hàng này trên thế giới. Việt Nam giờ đây đang vươn tới nước có thu nhập trung bình. Có những cơ sở quan trọng để đạt được mục tiêu này.


Trước hết, chúng ta có một đội ngũ nhân lực trẻ, đang nỗ lực nâng cao trình độ để tiến đến nền kinh tế tri thức. Khu vực kinh tế dân doanh liên tục phát triển, góp phần giải quyết tốt việc làm cho người dân. Quan trọng hơn, mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức, lao động trẻ rất lạc quan về tình hình đất nước. Anh Lê Thanh Tùng, một tri thức trẻ đang làm việc tại một doanh nghiệp TP HCM, nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam mới đây gặp khó khăn và chững lại, nhưng nay đã ổn định trở lại nhờ sự điều hành vĩ mô hiệu quả của Chính phủ. Chúng ta đang đóng góp nhiều hơn tiếng nói có trọng lượng và sự ảnh hưởng đến khu vực và thế giới nhờ những thành tựu trong phát triển kinh tế và con người".


Với thành tựu kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc phân bổ GDP đến mọi đối tượng người dân, chú trọng chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Ngay như địa bàn nông thôn, 99% số hộ được tiếp cận dịch vụ y tế, 100% số xã có đường kết nối điện thoại, 85% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã. Đặc biệt là về giáo dục, gần như tất cả 100% số xã có trường tiểu học, 91% có trường THCS. Liên tục nhiều năm, học sinh, sinh viên Việt Nam đều đạt những giải cao trong các cuộc thi quốc tế.


Giáo sư-Viện sỹ Hồ Sỹ Vịnh, Viện trưởng Viện Giáo dục hướng nghiệp, thuộc Hội Nghiên cứu Đông Nam Á, đánh giá: "63 năm qua, có nhiều mặt chúng ta phát triển nhảy vọt. Ví dụ như giáo dục, chúng ta đã có chủ trương đào tạo nguồn lực con người từ rất sớm. Sau này cũng có rất nhiều Nghị quyết Trung ương nói đến đào tạo nhân lực. Chúng ta đưa người đi đào tạo tại nước ngoài nhiều, nay giữ nhiều chức vụ quan trọng của đất nước. Đấy là tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước ta. Nguồn lực con người luôn là điều kiện quan trọng để nâng cao vị thế đất nước".


Những năm 80, thế giới biết đến thành công của VN trong việc ngăn chặn được lạm phát phi mã trên 700%, thì hai năm trở lại đây, các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát. Có những lúc tưởng chừng nền kinh tế lâm vào khủng hoảng như Thái Lan và châu Á năm 1997 nhưng nay, tình hình cơ bản đã được kiểm soát. Trong niềm vui kỷ niệm ngày Quốc khánh năm nay, có niềm tin, niềm tự hào của người dân Việt Nam vào vị thế đang lên của đất nước. Với khí thế sôi nổi này, chúng ta sẽ khắc phục được những khó khăn, nắm bắt thời cơ để vững bước trong hội nhập kinh tế quốc tế.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường