Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người "biến" vỏ, hột nhãn thành tiền
10 | 09 | 2008
Ông Tư Hiền, chủ Cơ sở sản xuất nguyên liệu hột nhãn Xuân Hiền. Đó là ông Nguyễn Xuân Hiền (Tư Hiền), chủ Cơ sở sản xuất nguyên liệu hột nhãn Xuân Hiền ở khu phố 4, thị trấn Chợ Lách (Chợ Lách-Bến Tre). Ông Tư Hiền còn được bà con chòm xóm đặt cho biệt danh “ông Tư phân nhãn”. Bởi ông chuyên mua vỏ nhãn, hột nhãn về chế biến ra nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ tổng hợp. Bây giờ, ông Tư Hiền còn đang tính chuyện đăng ký thương hiệu cho loại nguyên liệu này.
Cơ sở sản xuất nguyên liệu hột nhãn Xuân Hiền nằm cặp bờ sông Chợ Lách, gần cầu Cả Ớt. Hôm tôi đến, ông Tư Hiền đang lui cui cùng anh em công nhân chuyển nguyên liệu bột nhãn xuống ghe để đem giao cho Công ty TNHH An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) sản xuất phân hữu cơ tổng hợp An Phước. Đây là loại phân nổi tiếng, được nhà vườn chọn để bón cho cây trồng, rất phù hợp với cây có múi. Ông Tư Hiền cho biết: “Cứ 3 ngày là tôi cho anh em công nhân vận chuyển xuống ghe khoảng 10 tấn bột nhãn để chuyển về công ty chế tạo thành phân. Trung bình mỗi tháng cơ sở thu mua từ 90-100 tấn vỏ, hột nhãn về sản xuất”.

Ông Tư Hiền nay đã 75 tuổi. Ông theo Cách mạng từ năm 1949, hoạt động tại thị đội Vĩnh Long (bộ đội đặc công công tác thành). Năm 1954, ông Tư Hiền tập kết ra miền Bắc, chiến đấu ở sư 38. Đến năm 1975, ông trở về địa phương công tác ở các cơ quan của huyện Chợ Lách và về hưu vào năm 2000.

Chuyện làm nguyên liệu bột nhãn của một cán bộ sau ngày về hưu ở tuổi gần thất tuần xuất phát từ thực trạng đang cảnh báo ở huyện Chợ Lách. Đó là nguồn nước sông ở đây bị ô nhiễm trầm trọng do chất thải của vỏ, hột nhãn (khoảng 20.000 tấn/năm) của các lò sấy nhãn lấy cơm xuất khẩu đổ xuống. Sông Chợ Lách từ vàm Lách đến vàm kinh Lai Phụng dài khoảng 6km khi nước cạn dòng nước trở màu đen, mỗi lần ghe, tàu chạy ngang hột nhãn, vỏ nhãn nổi lừ trên mặt sông. Cá tôm ở đoạn sông này hình như không sống nổi vì ô nhiễm.

Bức xúc trước vấn nạn này, đồng thời cũng là một người từng gắn bó với ngành chế biến lĩnh vực nông nghiệp, ông Tư Hiền nghĩ đến chuyện thu gom phế liệu hột nhãn, vỏ nhãn về chế biến thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Trước khi bắt tay làm chính thức, ông Tư Hiền mướn thợ làm một chiếc chày quết vỏ nhãn, hột nhãn và mua một máy xay sinh tố về xay vỏ, hột nhãn thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công, để chắc ăn, ông Tư Hiền tìm đến Công ty TNHH An Phước nắm thêm qui trình chế biến ban đầu cũng như ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu bột nhãn cho công ty.

Tháng 11/2003, một qui trình sản suất nguyên liệu bột nhãn được ông Tư Hiền cho ra đời, với 2 thùng xay nguyên liệu chạy bằng máy dầu. Thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng III đối với thành phần bột nhãn cho kết quả ngoài mong đợi, trong đó hàm lượng chất hữu cơ lên tới 75,8%. Thông qua các qui trình do ông Tư Hiền thực hiện, từ vỏ, hột nhãn sẽ trở thành một nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tổng hợp.

Hiện nay, mỗi tháng Cơ sở sản xuất nguyên liệu hột nhãn Xuân Hiền cung cấp cho Công ty TNHH An Phước từ 90-100 tấn nguyên liệu bột nhãn. Trước đây, nguồn phế thải vỏ, hột nhãn của các cơ sở sấy nhãn xuất khẩu ở huyện Chợ Lách và một số nơi khác trong tỉnh Bến Tre thường được đổ xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước, nay đã được ông Tư Hiền thu mua với giá 100 đồng/kg. Từ những phế thải của trái nhãn, qua tay ông Tư Hiền đã gián tiếp tạo thành một sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất của nhà nông. Cơ sở sản xuất nguyên liệu hột nhãn Xuân Hiền của ông còn giải quyết việc làm cho 4 lao động trực tiếp tại cơ sở và khoảng 100 lao động gián tiếp. Với giải pháp, nghiên cứu có đóng góp đáng kể trong giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện thu nhập cho người dân, ông Tư Hiền được trao giải sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre giai đoạn 200-2004.

Ông Tư Hiền nói: “Do nguồn vốn có hạn nên tôi chưa mở rộng sản xuất, mặc dù nguyên liệu vỏ, hột nhãn ở tỉnh Bến Tre và các tỉnh có trồng nhãn còn rất nhiều. Tôi dự tính thời gian tới sẽ tăng năng suất hoạt động lên gấp đôi và thu mua phế liệu vỏ, hột nhãn ngoài tỉnh. Tôi cũng sẽ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình để hướng đến làm ăn ổn định, lâu dài”.



Nguồn: Doanh nhân Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường