Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra Việt Nam: Hào quang và bóng tối
12 | 09 | 2008
Hiếm có ngành hàng nào ở VN có tốc độ tăng trưởng khủng khiếp như cá tra. Con cá tra đã giúp cho hàng ngàn nông dân trở nên giàu có, hàng trăm doanh nghiệp ăn nên làm ra, giúp ngành thuỷ sản cả nước luôn giữ tốc độ phát triển "nóng"... Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang đó là những khoảng tối đầy thách thức.
Chỉ trong hơn 10 năm, sản lượng cá tra đã tăng hàng trăm lần. Con cá tra từ chỗ chỉ có mặt trên mâm cơm của những gia đình nghèo ở ĐBSCL nay đã có mặt ở mọi hang cùng ngõ hẻm trên khắp thế giới.

Sự phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp cá tra trong khi môi trường kinh doanh chưa phát triển tương xứng càng làm cho xung đột lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp càng dễ bùng phát. Trong khi đó, dường như quan niệm của xã hội là muốn giải quyết xung đột đó bằng những biện pháp mang tính xã hội, từ thiện hơn là đặt nó vào mối quan hệ kinh doanh, thị trường.

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều cách lý giải cho cơn khủng hoảng cá tra vừa qua, tuỳ theo quan điểm của từng người. Lý giải chuyện "khủng hoảng thừa" là khá thống nhất. Vụ cá năm 2007 người nuôi lời to nhờ "hiệu quả kép" (giá cá cao - 17.000đ/kg và giá thức ăn thấp 5.000 - 6.000đ/kg). Với giá này, nếu nuôi khéo, có thể lời 3.000 - 3.500đ/kg, kiếm tiền tỉ trên 1ha nuôi là "chuyện nhỏ".

Bị hấp lực vụ nuôi 2007, cùng với chính sách tín dụng quá thoải mái cho nuôi cá lúc đó, nông dân ùn ùn thả cá khi vào vụ 2008, đưa đến sự phát triển quá nóng. Tình trạng này đã 4 - 5 lần diễn ra, gần đây nhất là năm 2006, nhưng năm 2008 sự phát triển là "trên cả nóng", mà theo cách nói của Chủ tịch Vasep Trần Thiện Hải là "khủng khiếp". Vì sao giá cá giảm? Vì giá xuất khẩu (XK) giảm, năm 2007 giá XK cá tra phi lê trung bình 2,5USD/kg, đến giữa năm 2008 giá giảm thấp nhất còn 1.75USD/kg.

Nhưng vì sao giá XK giảm? Nhiều người đổ tội cho một số DN (không có cơ sở sản xuất, chuyên đi gia công, chào hàng giá thấp) đã bán phá giá, làm cho khách hàng nước ngoài dựa vào đó ép giá các DN còn lại.

Có ý kiến cho rằng nhiều DN sản xuất hàng kém chất lượng, gian lận thương mại (như mạ băng đến 30%, ngâm thuốc tăng trọng, cân thiếu...) làm ảnh hưởng giá XK cá tra.

Một loại ý kiến khác đổ cho yếu tố tiền tệ: Ngân hàng đã siết tín dụng trong giai đoạn hàng hóa "chờ bán" (cá tra chỉ tiêu thụ mạnh ở các thị trường vào cuối năm trước và đầu năm sau), để xử lý tình huống các DN buộc phải "bán đổ bán tháo" lượng cá tra đang nằm trữ trong kho để trả nợ tới hạn. Khách hàng nước ngoài thừa cơ hội ép giá.

Theo ông Trần Thiện Hải, tất cả các yếu tố trên đều đúng, nhưng không phải cơ bản. Theo ông, sự phát triển sản lượng "khủng khiếp", ra ngoài tầm kiểm soát chính là nguyên nhân bao trùm. Cho nên, theo ông, muốn giải quyết vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có Vasep, do Nhà nước làm nhạc trưởng.

Vấn đề muôn thuở

Người nuôi luôn cho rằng các DN ép giá nhằm "tối đa hóa lợi nhuận", còn các DN thường trách nông dân không tôn trọng hợp đồng, sẵn sàng "bẻ kèo" khi giá cả diễn biến có lợi cho họ.

Chỉ cách đây 1 tháng, khi cá tra quá lứa đang "đầy đồng", DN thì thiếu tiền mua, người nuôi chỉ thiếu nước van lạy DN mua cá, thậm chí mua giá nào cũng được, chừng nào trả tiền cũng được (!) Thì nay, khi lượng nguyên liệu đang cạn dần, giá đang nhích dần lên, từ 13.500đ/kg nay đang lên tới 17.000đ/kg, nhiều người nuôi "đóng ao" không bán. Họ nói với nhau giá sẽ tiếp tục tăng tới 20.000đ/kg, thậm chí hơn.

Điều đó không phải là không có căn cứ, bởi theo ông Ngô Phước Hậu, có từ 20 đến 50% số người nuôi đang "treo ao" trong vụ tới, hậu quả của cuộc khủng hoảng vừa qua. Việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất của các DN, thậm chí thiếu trầm trọng, là điều gần như chắc chắn trong những tháng cuối năm 2008, đầu năm 2009. Điều đó sẽ để lại hậu quả không nhỏ cho ngành công nghiệp chế biến này.

Mối liên kết lỏng lẻo người nuôi - DN càng bị tổn thương mỗi khi xảy ra sự cố, họ sẵn sàng đổ tội cho nhau. Vấn đề xung đột lợi ích giữa người sản xuất - DN không phải mới và không chỉ có ở VN, nhưng vấn đề là cách xử lý và thời gian xử lý.

Sự phát triển quá nhanh của ngành công nghiệp cá tra trong khi môi trường kinh doanh chưa phát triển tương xứng càng làm cho xung đột trên dễ bùng phát. Trong khi đó, dường như quan niệm của xã hội là muốn giải quyết xung đột đó bằng những biện pháp mang tính xã hội, từ thiện hơn là đặt nó vào mối quan hệ kinh doanh, thị trường.

Một hệ thống hỗ trợ về thông tin, kiến thức, pháp luật, quy luật sản xuất kinh doanh... sẽ có ích và bền vững cho người nông dân hơn nhiều so với những giúp đỡ mang tính nhất thời và từ thiện.

Theo ông Ngô Phước Hậu - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản VN (Vasep), đến tháng 9.2008 cá tra VN đã có mặt ở khoảng 140 quốc gia, năm 2008 ước XK 1,35 tỉ USD cá tra với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn nguyên liệu (vượt xa so với kế hoạch đến năm 2010 đạt 1,1 - 1,2 triệu tấn). Hiện nay, một ngày XK cá tra có giá trị bằng với XK toàn ngành thuỷ sản suốt cả năm khi nước ta bắt đầu XK thuỷ sản vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Nghề "đâm hà bá"

Người dân ĐBSCL có câu "Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Cùng với nghề rừng, nghề cá cũng đầy rủi ro! Sự rủi ro của nghề nuôi cá tra càng cao khi nó phát triển quá nóng, trong khi môi trường kinh doanh chưa phát triển tương xứng.

Mâu thuẫn giữa quy mô sản xuất quá lớn với hệ thống hỗ trợ thông tin, kiến thức, pháp luật còn sơ sài đã và đang đặt ra những thách thức cho người trong cuộc, nhất là những nông dân "chân lắm tay bùn".

Điệp khúc "thấy lời lao vào nuôi - dư thừa nguyên liệu, giá giảm - ngưng nuôi do lỗ lã - thiếu nguyên liệu, giá tăng cao" cũng thường xuyên diễn ra ở các ngành hàng khác trong giai đoạn đầu hội nhập, nhưng ở con cá tra như dữ dội hơn bởi biên độ dao động giá lớn và bởi người nuôi cá tra không thể trữ nguyên liệu.

Trong cơn "khủng hoảng thừa cá tra - giá giảm tận sàn" từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua đã cướp đi tiền tỉ của không biết bao nhiêu nông dân. Đối với người nuôi đã "có ăn có chịu" thì không có gì ghê gớm lắm, nhưng đối với những người mới "vác mai đi đào" thì là 1 đại họa. Theo tính toán, với giá mua 13.500 - 14.000đ/kg nguyên liệu như vừa qua, người nuôi lỗ ít nhất 2.000đ/kg, mỗi hécta mặt nước lỗ gần 1 tỉ đồng.

Anh Lê Văn Mà, một người dân từ Long An bị hấp dẫn bởi con cá tra, đã lần đầu tiên cùng anh em bạn bè về xã Tân Hòa (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) mướn 2ha đất nuôi cá. Các anh đã "ôm" gần 1 ngàn tấn cá suốt mấy tháng qua vì không bán được, đến ngày 3.9 khi có người mua "cá quá lứa" giá 14.200/kg, các anh đã bán ngay không chút chần chừ, để rồi phải tiếc rẻ khi ngay sau đó giá lên 15.000 rồi 16.000đ/kg (cá quá lứa). Gần 2 tỉ đồng thua lỗ ngay trong vụ đầu nuôi cá tra, anh Mà đang phân vân trước khả năng "treo ao".

Ông Bùi Hữu Trí - Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ - cho rằng cuối tháng 12.2008 sẽ là thời điểm "chết", khi khả năng "bể nợ" đối với người vay nuôi cá bị thua lỗ là "nhãn tiền" nếu ngân hàng không cho dãn nợ, tái vay!

Giá cá tra, cá ba sa xuất khẩu đã tăng

Uỷ ban Cá nước ngọt (thuộc Vasep) ngày 10.9 cho biết, đến nay giá XK cá tra, cá ba sa tại ĐBSCL đã tăng từ 2,8 USD/kg lên 3,2 USD/kg, vượt 15% so với tháng trước. Theo đó, giá thu mua cá trong lứa và cá thịt trắng đạt 16.000 - 17.000đ/kg, riêng cá quá lứa khoảng 15.000đ/kg.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Dương Ngọc Minh, với mức giá này, nông dân đã bắt đầu có lãi (1.000 - 1.500đ/kg). Các DN XK cá tại VN đã ra thông báo về nguy cơ thiếu cá nguyên liệu cho phía nhà nhập khẩu và có ý định tiếp tục tăng giá XK lên 3,5 USD/kg. Cũng theo ông Minh, cá nguyên liệu sẽ thiếu cao điểm từ tháng 11 đến tháng 1.2009 do từ tháng 5 đến tháng tháng 9.2008, tỉ lệ hộ nuôi chỉ đạt 50% so với năm 2007




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường