Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phần lớn doanh nghiệp tăng hạng
12 | 09 | 2008
Ngày 16.9 tới, Trung tâm thông tin tín dụng - NHNN Việt Nam và Dun&Bradstreet sẽ công bố đánh giá xếp hạng tín dụng 293 DN niêm yết và danh sách 20 DN tiêu biểu trên TTCKVN năm 2008.
Nhận định tổng quát về xếp hạng năm nay là DN niêm yết tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, hoạt động SX-KD tốt, có chiều hướng tăng trưởng vững mạnh.

DN xếp hạng tối ưu (AAA) tăng hơn 23%

Thông tin tài chính (tổng tài sản, tổng nguồn vốn, kết quả kinh doanh) để xếp hạng tín dụng năm 2007 là số liệu của DN trong năm 2006, 2007 và quý I/2008. Lần xếp hạng này, Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) đưa ra biểu đồ một số chỉ tiêu tài chính (vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận) từ năm 2005 đến năm 2007 của từng DN niêm yết.

Có thể nói, kết quả phân tích, xếp hạng qua 2 năm tài chính của CIC đã phản ánh khách quan và tương đối chính xác năng lực hoạt động của từng DN niêm yết, cũng như quy mô giao dịch của 2 sàn.

Về số lượng: DN tăng thêm trên cả hai sàn là 48% (97 DN). Nhóm ngành xây dựng (XD) và bất động sản (BĐS) có số lượng DN tăng 100%, tiếp đến là nhóm ngành thương mại hàng hoá (tăng 76,4%). Theo 8 ngành kinh tế cơ bản thì các DN thuộc nhóm ngành CN sản xuất hàng tiêu dùng chiếm tỉ lệ lớn nhất (31,7%). Nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi chỉ có 2 DN niêm yết.

Theo quy mô hoạt động, tỉ trọng 3 nhóm DN theo quy mô (lớn-trung bình-nhỏ) tương ứng là 50,5%-39,8%-9,7%. Các DN có quy mô hoạt động lớn chủ yếu được niêm yết trên HoSE với 80 DN hạng tối ưu (chiếm 52% trong tổng số 152 DN niêm yết tại sàn này); trong khi đó, HaSTC chỉ có 37 DN tối ưu (chiếm 26%trong tổng số 141 DN). Các DN niêm yết trên HoSE có năng lực hoạt động tốt hơn các DN trên HaSTC.

Kết quả xếp hạng tín dụng 293/299 DN niêm yết năm 2008 (không xếp hạng ngân hàng và các chứng chỉ, quỹ đầu tư). Có 117 DN được xếp hạng tối ưu (AAA), tăng 23,16% so năm 2006, trong khi các DN xếp hạng khá tốt (BB đến AA) và trung bình (từ CCC đến B) đều giảm (tương ứng là 1,73% và 76%. Cũng so năm 2006, số lượng các DN tăng hạng là 135 DN, DN giảm hạng là 36 DN và DN giữ nguyên hạng là 122.

Kết quả xếp hạng theo ngành cho thấy: Nhóm ngành thương mại hàng hoá có số DN AAA chiếm tỉ trọng cao nhất, 46,7% trong số 30 DN niêm yết của ngành này). Tiếp theo là nhóm ngành hàng công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (52,6%). Xếp cuối cùng là ngành XD và BĐS, với số DN xếp hạng AAA chiếm 14,5%, xếp hạng từ AA đến BB chiếm 77,4% trong số 62 DN.

Dưới góc độ ngân hàng, các DN được xếp hạng tín dụng cho thấy: Các chỉ tiêu tài chính của DN nhìn chung rất khả quan, khả năng thanh toán được cải thiện, các chỉ số sinh lời đạt điểm cao, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.

Những tháng đầu năm 2008 vẫn khả quan

Theo đánh giá của CIC, những tháng đầu năm 2008 mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, nhưng do một số chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng khiến các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định dần, kinh tế trong nước tiếp tục đà tăng trưởng.

Cộng thêm vào đó là những điều chỉnh, phát huy tính chủ động, sáng tạo mà kết quả hoạt động SX-KD những tháng đầu năm của nhiều DN niêm yết vừa được công bố khả quan. Các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận phần lớn đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhóm cổ phiếu NH (ACB, STB) và các blue-chips như FPT, VNM, VSH đều cho thấy kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng tốt và mức sinh lời cao. Đây là những DN có tiềm lực mạnh, có sức đề kháng tốt trước những biến động của thị trường.

Các CP thuộc nhóm ngành xây dựng, BĐS (VCS, HDC, VC2, VMC, DCC, VC5, VC6) nhóm CP thuỷ sản và nông sản (ABT, DBC, NGC), sản xuất giấy và xuất bản (HAP, YSC, DST) cũng đã có tăng trưởng tốt, mặc dù đây là những ngành đã và đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát.

Một số DN bảo hiểm-chứng khoán (BVS, SSI, HPC...), hay các Cty có tham gia đầu tư tài chính như REE...tuy gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2008, nhưng những DN đang thuận lợi khi kinh tế đã bắt đầu hồi phục và TTCK khởi sắc. Điều này thể hiện qua giá CP của các DN ngành tài chính-ngân hàng-bảo hiểm đã tăng khá mạnh trong hơn tháng nay.

Kết quả xếp hạng tín dụng hỗ trợ thị trường

Đối với quyết định đầu tư CP của từng NĐT thì có lẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng thông tin tổng quan về tình hình SX-KD của các DN niêm yết vẫn khả quan và đạt hiệu quả cao sẽ góp phần củng cố niềm tin của các NĐT vào thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Đào Quang Thông (Phó giám đốc CIC) nói: "Thông tin xếp hạng DN cũng chỉ là một kênh thông tin tham khảo. Chắc chắn là đối với các DN xếp hạng tối ưu sẽ được NĐT quan tâm tìm hiểu hơn và ai đã mua thì yên tâm nắm giữ hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các DN còn lại không được sự quan tâm của NĐT, giá CP phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng. Những DN hiện còn ở xếp hạng ở mức khá tốt và trung bình, nếu có chiến lược kinh doanh đúng đắn, tiềm lực mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt, có sức "đề kháng" trước biến động thị trường thì nhiều khả năng sẽ lên hạng trong thời gian tới. Số DN xếp hạng tối ưu năm 2007 tăng mạnh so năm 2006 là một minh chứng. Cổ phiếu của các DN như vậy luôn hấp dẫn các NĐT.

Cung cấp thông tin để giúp các NĐT tham khảo đưa ra quyết định mua/bán cổ phiếu là một trong những mục đích của việc công bố kết quả xếp hạng tín dụng. Điều đó để thấy rằng, việc công bố thông tin của CIC luôn tác động tích cực đến thị trường".

Thông điệp từ Hãng thông tin Dun&Bradstreet (D&B) cho rằng: "Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn do áp lực giá cả leo thang kéo dài, tình trạng lạm phát cao làm suy yếu cầu trong nước và làm tăng rủi ro tài chính, nhưng lợi ích của các NĐT nước ngoài vẫn duy trì ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tổng giá trị của các dự án đã đăng ký là 30,9 tỉ USD. Bên cạnh đó, tại D&B, chúng tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng thông tin không ngừng tăng lên nhằm giúp các DN đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác. Khi phải đối mặt với nhiều sự bất ổn định như hiện nay, hy vọng rằng sự hiểu biết sâu sắc về thương mại là chìa khoá xây dựng lòng tin giữa các NĐT trong và ngoài nước".



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường