Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Campuchia – nơi doanh nghiệp thử sức cạnh tranh
17 | 09 | 2008
Ngày mai (18.9), hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2008 chính thức khai mạc tại Campuchia và kéo dài đến hết ngày 22.9. Nét mới của hội chợ năm nay là ngoài hoạt động chính tại thủ đô Phnom Penh, có các chương trình triển lãm và xúc tiến thương mại tại Battambang
Ông Trương Trọng Nghĩa, giám đốc trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã cho biết thêm về các hoạt động xúc tiến thương mại của UBND TP.HCM tại Campuchia.

Thưa ông, là người làm công tác xúc tiến thương mại, ông đánh giá về thị trường Campuchia hiện nay như thế nào?

Không chỉ có biên giới chung với Việt Nam, Campuchia đang là thị trường hấp dẫn về mặt thương mại mà bất cứ doanh nghiệp nào tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh đều mong muốn khai thác. Dân số 10 triệu người, sức mua liên tục tăng đều đặn hàng năm nhưng công nghiệp sản xuất và chế biến hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm về y tế, xây dựng, dịch vụ... của doanh nghiệp nội địa Campuchia chưa mạnh. Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Campuchia tốt đẹp, hai nước cùng nằm trong khối ASEAN – tức các hàng rào thuế quan và các chính sách mậu dịch thương mại đều có điểm chung, thêm vào đó hệ thống giao thông vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ – đường bộ – đường hàng không đều rất thuận tiện... Một thị trường xuất khẩu gần như thế, cơ hội bán hàng tốt như thế, nếu không tranh thủ thật là đáng tiếc.

Các hoạt động xúc tiến thương mại lần này sẽ có những hoạt động gì khác hơn?

Khác hơn ở đây chính là sự chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Trên thị trường Campuchia hiện nay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại chủ yếu diễn ra giữa hàng Việt Nam với hàng Thái Lan và Trung Quốc. Đa phần hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam đều nhập vào Campuchia bằng con đường tiểu ngạch, chưa thể hiện được tầm vóc thương mại và uy tín thương hiệu cho các doanh nghiệp. Vì vậy, ITPC đang xúc tiến các cơ hội thương mại để người dân Campuchia biết đến hàng hoá Việt Nam, biết đến các thương hiệu doanh nghiệp, biết đến các ưu điểm nổi bật về sự phù hợp thị hiếu tiêu dùng, chất lượng và giá cả... Trung tâm chúng tôi đang vận động một số công ty thương mại hàng đầu của thành phố thành lập một hoặc một số trung tâm thương mại dành riêng cho hàng Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh hoặc ở một số đô thị lớn ở Campuchia.

Trung tâm thương mại này có gì mới và khác với những showroom hàng Việt Nam từng có tại Campuchia?

Trung tâm này cần có diện tích lớn để các doanh nghiệp không chỉ bán hàng mà còn trưng bày sản phẩm, cung cấp các dịch vụ từ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp đến ẩm thực, văn hoá giải trí... Việc phối hợp nhiều loại hình sẽ giúp người tiêu dùng cơ hội tiếp xúc và tiêu dùng hàng hoá Việt Nam trong mọi hoạt động của đời sống. Từ chỗ sử dụng các dịch vụ, họ sẽ biết và quen với các mặt hàng hoá mỹ phẩm, điện tử, thực phẩm, văn hoá phẩm... Chúng ta có thể học cách mà các nước khác đang tạo nên trào lưu tiêu dùng tại Việt Nam là thông qua phim ảnh, sách băng đĩa nhạc, xu hướng trang điểm... để mở đường cho hàng hoá Việt Nam ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Campuchia.

Tại sao ông lại cho rằng Campuchia là nơi doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực xâm nhập và trụ lại?

Theo tôi, thị trường “lân cận” có ý nghĩa rất quan trọng – vì nó gần và ta biết về nó rất rõ, mạnh trên sân lân cận thì sẽ có khả năng vươn xa tốt hơn. Cuộc cạnh tranh tại thị trường Campuchia chủ yếu là cạnh tranh với hàng hoá Trung Quốc và Thái Lan, nếu đủ sức cạnh tranh ở đây thì doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng cạnh tranh ở các thị trường xa hơn nữa.

Nhìn thẳng vào thực tế, từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì các nước đã khai thác rất tốt cơ hội hàng rào thuế quan đang dỡ bỏ dần dần để đẩy hàng nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì lại khai thác cơ hội bước vào nước họ chậm chạp hơn.

Hội nhập toàn cầu tạo cho mọi quốc gia những cơ hội như nhau, nhưng nếu chúng ta không chiếm lấy, khai thác tốt thì các nước khác sẽ làm điều đó.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường