Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu vốn, doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản
17 | 09 | 2008
Hiện nay khó khăn về vốn tín dụng, tức là vốn vay cho sản xuất kinh doanh đang là mối lo lớn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng kém hơn.
Thiếu vốn, DN trước nguy cơ phá sản

Không có vốn tiếp tục cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, thì hàng loạt hợp đồng thi công, hợp đồng cung ứng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ,... không thực hiện được. Tiếp theo đó là người lao động không có việc làm, máy móc thiết bị phải bỏ không, gây lãng phí và thiệt hại lớn cho bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Thậm chí có thể doanh nghiệp rơi vào nguy cơ bị phá sản.

Thực ra tình trạng khó khăn về vốn tín dụng của doanh nghiệp bắt đầu tư giữa quý I/2008, khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Song trong các tháng qua, không ít doanh nghiệp vẫn có thể vay được vốn của một số NHTM, hoặc "giật gấu vá vai” chạy vạy chỗ này chỗ khác, chiếm dụng vốn của đối tác, trây ỳ công nợ đối với bạn hàng,... nhưng tình trạng đó không thể kéo dài mãi được.

Cuối năm, nhiều DN đang đứng trước nguy cơ thiếu vốn nghiêm trọng để duy trì hoạt động SXKD. Ảnh minh họa, nguồn Corbis

Bên cạnh đó chuẩn bị bước vào quý IV, giai đoạn khẩn trương hoàn thành các hợp đồng kinh tế đã ký kết trước khi kết thúc năm 2008; chuẩn bị hàng hoá tiêu thụ cuối năm và giao hàng, xuất khẩu hàng cho đối tác của năm mới, tiêu thụ lúa hàng hoá và thu mua cá tra, cá ba sa,... cho chế biến xuất khẩu ở các tỉnh vùng ĐBSCL,... nên tình hình vốn của doanh nghiệp lại càng có tính cấp bách và trở thành chủ đề nóng hổi. Vậy đâu là nguyên nhân của tình hình trên. Có thể khái quát một số lý do chính sau đây

Các NHTM thực hiện hạn mức tín dụng theo yêu cầu kiềm chế lạm phát và an toàn hoạt động. Năm 2008, hạn mức tín dụng được đưa ra là tăng trưởng dư nợ cho vay không quá 30% so với cuối năm 2007, chỉ bằng gần 1/2 so với mức tăng khoảng 55% của năm 2007. Song đến nay mức tăng trưởng tín dụng của các khối NHTM có khác nhau. Nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng cao trong 2 tháng đầu năm 2008 đến nay phải “hãm phanh lại”, hầu như rất ít cho vay mới.

Một số NHTM chỉ cho vay khách hàng truyền thống, quan hệ có uy tín, kinh doanh có hiệu quả. Do đó nhiều doanh nghiệp khác không vay được. Một số NHTM, chủ yếu là NHTM cổ phần, đến nay đã đạt được mức tăng trưởng 30% rồi, nên họ cũng hầu như không cho vay mới, mà chỉ thu nợ được số vốn vay cũ thì mới cho vay ra, nhưng cho vay ra cũng chọn lọc chứ không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay được.

Thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng cần đảm bảo vốn để duy trì hoạt động SXKD.

Một số NHTM khác, nhất là NHTM có quy mô lớn, mặc dù chưa đạt mức tăng dư nợ 30%, nhưng lo ngại rủi ro, nên tốt nhất để bảo đảm an toàn trong bối cảnh hiện nay họ cũng không mặn mà gì cho vay ra. Các NHTM này hầu như chỉ giải quyết vốn cho các dự án lớn về điện, xi măng,... của các khách hàng lớn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng ký từ đầu năm hay ký trước đây, một số dự án sản xuất hàng xuất khẩu, còn lĩnh vực khác thì rất hạn chế.

Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam công bố chương trình dành 33.000 tỷ đồng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2008–2010, nhưng kế hoạch của năm 2008 chỉ có 3.000 tỷ đồng, chỉ bằng 2-3% tổng dư nợ của ngân hàng này; đồng thời có giải ngân cho vay đủ số vốn đó hay không lại là cả một câu chuyện về hoạt động tín dụng hiện nay, bởi nếu không thì mới chỉ dừng ở việc công bố mà thôi!

Lãi suất cho vay mặc dù đã được số đông các NHTM điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm không nhiều, chỉ khoảng 0,5%-1%/năm, nên vẫn đang ở mức rất cao, gấp 1,5 lần lãi suất cho vay thời điểm đầu năm hay cùng kỳ này năm trước.

Với mức lãi suất cho vay nội tệ vẫn lên tới 1,6%-1,65%/tháng, hay 19,5%-20,5%/tháng, các NHTM này lo doanh nghiệp làm ăn gì cho có lãi mà trả nợ gốc và lãi cho NHTM được, nên mặc dù hạn mức tín dụng vẫn còn nhưng NHTM rất dè dặt cho vay. Không ít NHTM đánh giá, với lãi suất cao như vậy, một số doanh nghiệp “vẫn liều” vay, phải chăng là họ đành chấp nhận lỗ giai đoạn hiện nay để cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh vượt qua lúc khó khăn.

TIN LIÊN QUAN
Nếu không vay vốn, hợp đồng dở dang không thanh toán được. Máy móc thiết bị và nhà xưởng bỏ không, vừa lo khấu hao, vừa hao mòn vô hình, vừa tốn chi phí trông coi và bảo dưỡng. Công nhân không việc làm vừa phải trợ cấp 70% lương cho họ, hoặc không họ bỏ đi làm nơi khác, sau này rất khó thu hút trở lại. Không còn con đường nào khác đành chấp nhận phải vay, mà may còn có thể vay được của NHTM chứ không phải đi vay tư nhân với lãi suất không biết bao nhiêu,,

Lãi suất vốn vay cao, nhiều doanh nghiệp cũng không dám vay, vì không lấy đâu ra lãi, ra lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Chẳng hạn như một doanh nghiệp nhỏ và vừa vay 10 tỷ đồng, mỗi tháng tiền lãi đã lên tới 160–165 triệu đồng, đủ để trả lương cho tới 100 công nhân. Thử hỏi hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào chịu đựng nổi lãi suất đó. Thực tế nguồn vốn cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu, thu mua cá tra, cá ba sa cho chế biến xuất khẩu,... ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua là ví dụ điển hình cho tình hình trên.

Thắt chặt, nhưng cần đủ vốn để SXKD

Lạm phát ở nước ta vẫn còn cao. Chủ trương của Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng Chính phủ cũng chỉ đạo là cần phải linh hoạt, đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển hiệu quả... có tác dụng thiết thực góp phần kiềm chế lạm phát. Thúc đẩy tăng nguồn hàng xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu cũng là góp phần chống lạm phát một cách bền vững. Thiếu vốn, lãi suất vốn vay quá cao, sản xuất kinh doanh bị đình trệ sau này khôi phục lại cần thời gian rất lâu và cũng rất “tốn kém".

Tại Trung Quốc, với diễn biến lạm phát có xu hướng giảm, đồng thời các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng lớn của tình trạng lạm phát tăng cao và thắt chặt tiền tệ. Theo dự báo sẽ có khoảng trên 67.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ bị phá sản. Bên cạnh đó nhiều lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, tăng trưởng, đến tháng 8/2008 mức tăng trưởng chỉ còn 9% so với mức trên 11% trước đây. Xuất khẩu cũng có xu hướng giảm. Nên người ta lo ngại rằng khi nền kinh tế trì trệ thì phục hồi rất khó khăn và cần tốn nhiều thời gian. Vì vậy Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đang tính tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tại Việt Nam giải quyết vốn cho doanh nghiệp cần được linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế trên cơ sở dự báo những tình huống có thể xảy ra.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường