Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra năm 2009: Tăng giá trị, giữ nguyên sản lượng
18 | 09 | 2008
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương đã khẳng định như vậy đối với việc xuất khẩu cá tra năm 2009 tại cuộc họp sáng 17-9, tại TPHCM. Vấn đề quan trọng nhất được bàn thảo là làm sao tiêu thụ hết lượng cá nuôi trong dân, tìm thêm thị trường mới…
Năm 2009 – sắp xếp vùng nguyên liệu, nâng giá trị xuất khẩu

Đến cuối tháng 8, lượng cá tra thu hoạch đạt khoảng 900.000 tấn (đây là chỉ tiêu của năm 2010), kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD (mức của năm 2007). Cả năm có thể đạt 1,3 triệu tấn và 1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường cá tra Việt Nam được mở rộng sang 107 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay không có thị trường nào chiếm tỷ lệ xuất quá lớn như thị trường Mỹ trước đây (khoảng 90%), ngay cả EU - thị trường lớn nhất cá tra VN hiện nay cũng chỉ chiếm khoảng 39,2%. Có thể nói, đây là một sự thần kỳ, tạo thế đứng vững chắc cho con cá tra VN trên thế giới.

Vấn đề hiện nay là không để lặp lại “bài học” thừa thiếu nguyên liệu cá? Để làm được điều này, Thứ trưởng Lương Lê Phương nhấn mạnh, đây là thời gian chấn chỉnh và tổ chức lại vùng nguyên liệu cho phù hợp từng thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) và người nuôi phải ngồi lại với nhau và cùng nhìn lại, bắt tay liên kết chứ không thể phát triển riêng lẻ như thời gian qua, khiến DN không nắm được sản lượng, người nuôi không biết gì về thị trường.

Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh việc quy hoạch lại vùng nuôi, Bộ NN-PTNT cũng sẽ kiểm tra tất cả các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (vừa qua khi kiểm tra đột suất nhiều mẫu thức ăn không đạt hàm lượng đạm theo quy định) và các cơ sở sản xuất giống.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cảnh báo, mới có 33 đơn vị đăng ký mà lượng cá chế biến năm 2009 ước đã là 1,7 triệu tấn, nếu tất cả 57 nhà máy đăng ký, con số này không dưới 2,5 triệu tấn. Đó sẽ là “thảm họa” mới cho con cá tra VN vì nguy cơ thừa nguyên liệu (vì nhiều nhà máy đăng ký khống). Vì vậy, theo ông Minh nên giữ nguyên sản lượng cá nuôi như năm 2008, khoảng 1,3 triệu tấn.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Agifish, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt thuộc VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN), cho rằng, năm 2009, con cá tra khó có cơ hội phát triển mạnh như năm 2008 là năm phát triển quá “nóng”- đến 40%-50%, nhất là khi tín dụng bị siết chặt, lãi suất ngân hàng cao. Vì vậy, DN đăng ký sản lượng năm 2009 phải có cơ sở cụ thể (căn cứ vào công suất nhà máy, kết quả xuất năm 2008, giải trình mức độ tăng trưởng…), không thể cảm tính và trên hết là phải có trách nhiệm.

Tư duy mới về thị trường Nga

Tốc độ tăng trưởng thị trường Nga tăng rất mạnh những năm qua, 8 tháng đầu năm nay tăng 256,6% so với cùng kỳ 2007 về sản lượng và 190,2% về giá trị. Nga là thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu cá tra VN (chiếm 14,4%) sau EU (39,2%).

Theo nhận định, đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng, nhưng đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cuối năm 2006, Liên bang Nga áp dụng quy định mới về kiểm soát thủy sản xuất khẩu.

Theo đó, Cục Kiểm dịch động thực vật (VPSS) trực tiếp kiểm tra và công nhận từng DN nếu muốn xuất khẩu thủy sản vào Nga, và chỉ xuất khẩu sản phẩm theo công suất nhà máy, không chấp nhận hàng gia công. Trước khi xuất phải được cơ quan chuyên ngành VN cấp chứng thư.

Đến nay đã có 38 DN được công nhận xuất khẩu thủy sản vào Nga, nhưng từ tháng 7 qua, 6 DN bị tạm đình chỉ do có nhiều lô hàng bị phát hiện có vi phạm.

“Nga cảnh báo, nếu DNVN không xem xét lại thái độ và chấn chỉnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là vi khuẩn Lysteria Monocytogene thì Nga có thể không nhập khẩu cá tra VN thời gian tới”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Trần Bích Nga lưu ý. Chỉ mới 8 tháng Nga đã cảnh báo 38 lô hàng (cả năm 2007 là 17 lô) do nhiễm Lysteria Monocytogene là số lượng không nhỏ.

“Dù những quy định của Nga về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong nhiều trường hợp còn nghiêm ngặt hơn quy định liên quan của Codex (tiêu chuẩn châu Âu), nhưng những chỉ tiêu mà phía Nga yêu cầu không phải quá khó khăn”, Thứ trưởng Lương Lê Phương nhận định.

Ông nhấn mạnh, DN cần có tư duy và chiến lược mới về thị trường này, một thị trường nhiều tiềm năng. Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ kiên quyết tạm ngưng xuất khẩu, không cấp chứng thư đối với DN nào vi phạm những quy định của Nga. Chấn chỉnh chất lượng cá tra VN, trên hết là bảo vệ uy tín, thương hiệu con cá tra VN trên toàn thế giới.




Nguồn: sggp.org.vn/kinhte
Báo cáo phân tích thị trường