Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà khoa học làm gì cho “tam nông”?
18 | 09 | 2008
Cơ chế, động lực nào để các nhà khoa học, các viện nghiên cứu có thể đóng góp lớn hơn vào vấn đề tam nông trong những năm tới, để hàng ngàn tỉ đồng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp đem lại hiệu quả… là những vấn đề đặt ra tại buổi làm việc sáng hôm qua (16.9) tại Hà Nội của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý... trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói rằng những năm qua, thực sự khoa học và công nghệ đã có đóng góp to lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ví dụ như trong sản xuất lúa gạo, từ trước năm 2004, tăng trưởng về sản lượng lúa, gạo thì 70% là do tăng diện tích và 30% do năng suất; nhưng từ năm 2004, 2005 đến nay thì đảo ngược lại, mức tăng sản lượng chủ yếu là do năng suất – mà quyết định đến năng suất là kết quả nghiên cứu, ứng dụng của giống lúa mới, kỹ thuật canh tác. Ở các tỉnh phía Nam, 85 – 95% giống lúa là do các viện nghiên cứu trong nước nghiên cứu, áp dụng. Năng suất của nhiều loại lương thực, cây công nghiệp khác như cà phê, hồ tiêu, cao su... của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới cũng nhờ ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học trong nước.




Tuy nhiên, những thành tựu đó cũng không thể che giấu những yếu kém, lạc hậu trong các lĩnh vực: trồng cây công nghiệp (bông, vải...), trồng rừng… mà năng suất đều rất thấp so với năng suất trung bình của thế giới. Trong chăn nuôi, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây đã làm lượng gia súc, gia cầm giảm sút nghiêm trọng, nhưng các viện nghiên cứu, các nhà khoa học lại không đưa ra được một sản phẩm, công trình nghiên cứu giá trị nào để hạn chế dịch bệnh. Giáo sư – đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng đã nhiều lần than thở trước Quốc hội: “Một đất nước hơn 80 triệu dân mà đến giờ chưa sản xuất được một gam kháng sinh. Không tự nghiên cứu được mà năm nào cũng nhập thuốc, đi lo chống dịch thì làm sao khá lên được”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát dường như cũng thấm thía điều ấy nên ông nói với các nhà khoa học: “Vấn đề trăn trở nhất bây giờ không phải là (thiếu) tiền nữa mà làm gì để có những sản phẩm nghiên cứu để cải thiện đời sống nông dân, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp… trên diện rộng”.

Nhưng để có sản phẩm nghiên cứu khoa học giá trị lại phải có con người. Trong số gần 7.500 nhà khoa học làm việc tại các viện, trường thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo bộ trưởng Cao Đức Phát, không phải ai cũng say mê nghiên cứu ngày đêm, không kể tiền bạc, mà nhiều nhà khoa học không có động lực sáng tạo. “Cơ chế quản lý hiện hành không tạo ra sự khích lệ vật chất một cách chính đáng mà ngược lại, dẫn đến sự trì trệ, suy giảm sức sống. Hệ quả là chất lượng nghiên cứu khoa học đạt thấp, không đủ sức tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, tạo đột phá cho sản xuất”, bộ trưởng Phát phân tích. Ông cho rằng vấn đề đáng lo lắng nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực. Để phục vụ các chương trình đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, đến nay, việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực mới được chú ý. Nhưng rõ ràng trong khoa học, việc đào tạo cũng có độ trễ, sẽ phải mất rất nhiều năm nữa mới có nguồn nhân lực được đào tạo để làm việc cho các trường, các viện nghiên cứu đang được Nhà nước tăng cường đầu tư về vốn, trang thiết bị…

Một số nhà khoa học có ý kiến băn khoăn. Được tăng cường đầu tư trang thiết bị, có con người, có sản phẩm nghiên cứu rồi thì sao? Cơ chế nào để ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học ấy?

Ông Lê Văn An, tổng giám đốc tổng công ty Cơ điện thuỷ lợi cho biết có những sản phẩm do tổng công ty nghiên cứu, sản xuất có thể giúp tiết kiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm, ngàn tỉ đồng so với thiết bị nhập ngoại nếu được áp dụng, nhưng doanh nghiệp của ông quá vất vả để có thể được chi trả. Ví dụ thiết bị máy biến thế của tổng công ty Cơ điện thuỷ lợi trị giá có 12 tỉ đồng được triển khai, lắp đặt tại công trình thuỷ điện Sơn La đã thay thế được cho thiết bị cùng loại phải nhập ngoại giá lên tới 130 tỉ đồng. Thiết bị đó lắp đặt từ năm 2005 nhưng đến nay, công ty của ông vẫn chưa được thanh toán. Hoặc một sản phẩm khác lắp đặt tại một công trình thuỷ điện của tập đoàn Điện lực của tổng công ty này nếu triển khai sớm có thể giúp giảm chi phí tới 1.000 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa được ai phê duyệt… Ông An nói rằng, quy định hiện nay bắt buộc nhiều công trình, gói thầu phải sử dụng thiết bị đồng bộ nhập ngoại trong khi ở trong nước có thể sản xuất thì thực sự lãng phí và không khuyến khích nghiên cứu khoa học. Ông đã phải tìm cách liên kết với các công ty nước ngoài để có thể đưa sản phẩm của doanh nghiệp ứng dụng được ở trong nước.

Trong cuộc toạ đàm, nhiều nhà khoa học của ngành nông nghiệp đã hăng hái phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho vấn đề “tam nông” như: khoán kinh phí cho sản phẩm cuối cùng, cho phép doanh nghiệp tư nhân tuyển chọn đề tài, dự án; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài... Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với nhiều kiến nghị đó. Nhưng từ những kiến nghị, rồi những phê chuẩn, ban hành chính sách đến khi áp dụng lại không thể giúp triển khai những sản phẩm, những kết quả nghiên cứu có giá trị như của tổng công ty Cơ điện thuỷ lợi thì những cố gắng đó sẽ mất đi rất nhiều giá trị.



Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường