Cũ - mới, chênh nhau đến 10 lần
Cụ thể là chuyện của 3 công ty bị hồi tố tính giá đất tại TPHCM. Theo quy định mới, giá trị DN đã đội lên đến hàng chục lần (trong đó chủ yếu là giá đất) so với quy định trước đó. Nếu áp theo NĐ 187/NĐ- CP trước đây, giá trị DN của Công ty TNHH một thành viên Bến Xe miền Đông (thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn) chỉ 110 tỷ đồng.
Thế nhưng khi tính lại theo quy định mới (vì đã có quyết định chuyển đổi của TP nhưng chưa hoàn thành việc chuyển đổi), số tiền tăng thêm đến gần 1.000 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Đầu tư hạ tầng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) cũng tương tự, từ 6 tỷ đồng đã tăng thêm 26 tỷ đồng. Rồi Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Bến Thành, ước tính sơ bộ giá chênh nhau khoảng… 800 tỷ đồng. Do rơi vào điểm giao thời nên 3 công ty này là một minh chứng để so sánh sự khác biệt giữa những DN bị áp giá đất theo quy định mới với những DN đi trước, liền kề (áp giá theo quy định cũ) khi CPH.
|
Sản xuất đèn compact tiết kiệm điện xuất khẩu ở Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: ĐỨC THÀNH |
Theo quy định, DN CPH có quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: mua hoặc thuê đất. Nhưng NĐ 187/NĐ-CP trước đây không đề cập đến việc thuê đất theo giá thị trường, còn nay, NĐ 109 buộc phải tính giá thuê theo giá thị trường- tức đưa cả phần giá trị vị trí địa lý vào tài sản DN.
Do khung giá đất mà nhà nước quy định trung bình chỉ bằng 40% giá thị trường, chưa tính ở một số vị trí đắc địa thì giá đất thị trường còn cao hơn gấp nhiều lần, nên dẫn đến giá trị DN giữa quy định cũ và mới chênh nhau nhiều đến vậy.
Thế nhưng, theo báo cáo của Ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp, kết quả xác định giá trị DN cho thấy tỷ suất lợi nhuận của DN chỉ đạt khoảng 1,9% (không cao hơn lãi suất ngân hàng), do tăng chi phí tính khấu hao và trả tiền thuê đất hàng năm nên việc đưa ra bán đấu giá cổ phần sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là vào thời điểm giá chứng khoán sụt giảm như hiện nay.
Một lý do tế nhị nữa khiến việc đấu giá chậm là do địa phương không dám quyết “giá đất thị trường”, vì nếu phê duyệt giá cao thì ngân sách khó mà kham nổi khi địa phương có dự án đền bù thu hồi đất.
Làm sao công bằng?
Ông Phạm Huy Cường, Phó ban Đổi mới Quản lý DN TP, cho biết, trên 90% DNNN đã CPH làm ăn có hiệu quả. Rõ ràng, CPH là cơ hội để DN giải quyết vấn đề lao động dôi dư, thanh lý những tài sản không cần dùng… để làm lành mạnh DN. Khi CPH, trách nhiệm người đứng đầu DN nặng hơn, DN buộc phải tính đến bài toán lợi nhuận, vì khi làm ăn không hiệu quả, các cổ đông sẽ “lật đổ” ngay.
Thời gian gần đây, do vướng về việc tính lại giá trị quyền sử dụng đất, nếu không ổn thỏa sẽ gây ra sự thiếu công bằng giữa DN đã CPH (được tính theo giá cũ, thấp) với DN chưa CPH, đang CPH (tính vị thế đất và theo giá thị trường, mắc hơn nhiều) nên tiến độ CPH các DN bị chậm. UBNDTP đang kiến nghị Chính phủ xem xét việc tính lại giá trị quyền sử dụng đất theo 2 cách, hoặc là tính lại giá trị lợi thế đất trên khung giá nhà nước nhưng nâng tỷ lệ cho thuê lên để hạn chế việc cho thuê lại; hoặc là điều chỉnh lại giá cho thuê đất theo giá địa phương nâng lên và áp dụng cho mọi thành phần kinh tế. Như vậy, những DN đã và đang CPH, DNNN hay DN tư nhân đều thuê với mức giá như nhau. Cách này sẽ tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế đối với giá thuê đất. Thế nhưng, kiến nghị của TP đã gởi đi nhiều tháng nay vẫn chưa được trả lời!
Tính đến đầu năm 2008, TPHCM còn 107 DNNN phải sắp xếp, đổi mới. Kế hoạch trong năm là TP phải sắp xếp 41 DN, trong đó CPH 31 DN, 3 DN chuyển thành công ty TNHH, 1 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp, 2 DN bán, 2 DN sáp nhập. Thế nhưng, đến nay, chưa DN nào hoàn thành việc CPH. |