Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Để lúa không bị tồn đọng
22 | 09 | 2008
Hiện nay, lượng lúa hàng hóa ở các tỉnh ĐBSCL đang tồn đọng trong dân là rất lớn. Trong đó tỉnh An Giang còn trên 400.000 tấn, Cần Thơ còn 270.000 tấn, Vĩnh Long trên 200.000 tấn, Tiền Giang còn trên 100.000 tấn gạo…

Không nên vội bán lúa

Ngày 9-8-2008, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về việc đẩy mạnh tiêu thụ lúa ở ĐBSCL, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết trên thị trường thế giới hiện nguồn cung gạo đang nhiều do vào thời điểm nhiều nước thu hoạch lúa, trong khi một số nước nhập khẩu gạo đã mua hàng. Do đó, nếu nông dân chưa thật sự có nhu cầu thì không nên vội bán lúa. Biện pháp để giúp đỡ nông dân là các ngân hàng sẽ gia hạn nợ và cho vay thêm vốn, “bà con nên bình tĩnh, không tạo tâm lý vội vã bán tháo, chỉ gây khó khăn thêm cho thị trường”. Tổng nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới hiện nay còn cao và dự đoán, giá gạo thế giới sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Cuối tháng 8-2008, Hiệp hội Lương thực VN đã chỉ đạo cho các DN thành viên thu mua khoảng 660.000 tấn gạo của nông dân ở ĐBSCL. Trong đó, Tổng Công ty Lương thực miền Nam mua 300.000 tấn, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mua 200.000 tấn.

Ông Phạm Minh Xo, Trưởng trạm Kinh doanh chế biến lương thực Cái Răng (thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu, Tổng Công ty Lương thực miền Nam) nói: “Giá gạo thế giới giảm, nhưng công ty vẫn tiếp tục duy trì việc thu mua gạo của người dân theo chủ trương của công ty nhằm giúp tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa cho nông dân. Hiện nay trạm đang thu mua bình quân 130 tấn gạo/ngày”.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong cho biết, ngay từ đầu tháng 9-2008, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có yêu cầu về việc đẩy mạnh thu mua lúa gạo nhằm giúp tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa trong dân, công ty đã tích cực thực hiện chủ trương này. Hiện nay công ty đang thu mua từ 400 tấn đến 500 tấn gạo và lúa/ngày. Một thuận lợi nhất là nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh rõ ràng thì sẽ dễ vay vốn so với trước đây.

Cần phối hợp nhịp nhàng

Bà Nguyễn Thị Tám ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, chuyên đi thu mua lúa xay gạo bán lại cho các DN, từ một tháng nay bà đã cho chiếc ghe 15 tấn của mình nằm bến do hơn một tháng đi mua lúa với giá 4.700đ, về xay ra gạo bán chỉ với giá 6.200đ/kg. Hiện bà còn 8 tấn lúa nhưng do nhà máy chỉ mua gạo với giá 5.900đ/kg, nên bà còn giữ lại để chờ giá cao hơn. Ông Nguyễn Văn Thế ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Long, Phong Điền, TP Cần Thơ hiện có 1,6 tấn lúa vụ hè thu 2008 thu hoạch gần một tháng nay, chưa tiêu thụ được.

Ông phân trần: “Hồi đầu mùa, một số hộ còn bán lúa ở mức 5.000đ/kg, hiện nay nếu có người mua giá rẻ tui cũng bán một phần để có tiền chi tiêu và trang trải tiền phân thuốc cho lúa vụ 3. Vừa rồi nghe thông tin Chính phủ chỉ đạo thu mua hết lúa của dân nên ai cũng mừng, mong rằng giá lúa, gạo sẽ sớm được cải thiện”.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói, cần phối hợp nhịp nhàng để điều hành sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa hợp lý hơn. Trước mắt, cần hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn để mua lúa tạm trữ 3-4 tháng. Đồng thời, có chính sách gia hạn và giãn nợ đối với các hộ dân không bán được lúa. Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất Chính phủ cần có chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ từ 3-4 tháng, thành lập quỹ dự phòng bình ổn giá lúa gạo.

Anh Trần Văn Bảnh, nông dân ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói vấn đề hiện nay là cách tính toán giá thành sản xuất lúa của nông dân. Từ đó doanh nghiệp phải mua lúa hàng hóa đảm bảo cho dân có lãi khoảng 40% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu giá thành sản xuất lúa của nông dân 3.000đ/kg, doanh nghiệp phải mua lúa thấp nhất là 5.000đ/kg. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Để giám sát việc doanh nghiệp thực hiện đúng với chỉ đạo của Thủ tướng cần phải có giải pháp quyết liệt, tránh tình trạng chuyển biến chậm chạp như tiêu thụ cá tra, cá ba sa vừa qua.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường