Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo xuất khẩu đang bị “ép giá”
23 | 09 | 2008
Các nhà kinh doanh gạo cho biết tại cảng TP.HCM hiện nay, hầu như không có tàu cập cảng mua gạo, dù các hợp đồng gạo vẫn chưa giao đủ hàng.
Nguyên nhân có thể là do giới kinh doanh gạo nước ngoài nắm bắt được sản lượng lúa hè thu của Việt Nam hiện đang còn nhiều và ứ đọng nên họ tiếp tục chờ giá xuống thấp hơn nữa mới thực hiện mua.

Chính động thái này đã tạo áp lực giảm giá cho các loại gạo xuất khẩu. Giá gạo 10% tấm và 15% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần rồi ở mức 560 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với tuần trước đó. Gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD/tấn, còn 500 USD/tấn.

Trong hai tuần gần đây, thị trường giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu thế “đóng băng”, các hoạt động thu mua chậm. Các khách hàng lớn như Indonesia và Philippines đang có những động thái làm giảm hoạt động xuất khẩu gạo của

Việt Nam. Indonesia (nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) trong năm 2008 đã đáp ứng được nhu cầu gạo cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu gạo trong năm 2009.

Năm 2007, Indonesia đã nhập từ Việt Nam khoảng 700.000 tấn gạo, chiếm hơn 30% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, Philippines đã kết thúc mua gạo cho nhu cầu năm 2008 từ tháng 6. Do đó, quốc gia này thấy dư thừa cũng đang trả giá gạo thấp nên các nhà xuất khẩu Việt Nam không muốn bán.

Theo thống kê sơ bộ hiện nay, các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh (11 tỉnh), mỗi tỉnh còn tồn đọng ít nhất 100.000 tấn, nhiều tỉnh tồn đọng từ 500.000 – 600.000 tấn lúa (An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang).

Như vậy, tính sơ bộ số lúa còn tồn đọng trong dân vào khoảng từ 3 triệu tấn trở lên. Cộng thêm với vụ thu đông sẽ thu hoạch trong thời gian tới, con số tồn đọng sẽ còn cao hơn nữa.




Nguồn:Trung tâm thông tin PTNNNT - www.agro.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường