Tại hội thảo về Dự án nông nghiệp hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch- châu Á (ADDA) phối hợp tổ chức sáng nay, 6-11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Chiến, Giám đốc Ban quản lý Dự án, cho biết: Những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tương lai sẽ tổ chức lại thành một hiệp hội.
"Hiệp hội này sẽ cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng, có giấy chứng nhận, có thương hiệu sản phẩm". Ông nói.
Từ đầu năm đến nay, dự án giúp các nhóm nông dân xã Tả Văn, huyện Sa Pa (Lào Cai) trao đổi kinh nghiệm với nhóm nông dân thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, phương pháp phòng trừ sâu bệnh. Bà con nông dân còn tham gia hội thảo đầu bờ tại huyện An Lão (TP Hải Phòng) về trao đổi kinh nghiệm nuôi cá hữu cơ, từng bước thiết lập hệ thống tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua các sản phẩm hữu cơ như gạo tám Sa Pa, rau Bắc Ninh, cá hữu cơ ở Hải Phòng, mật ong của Vườn quốc gia Tam Đảo...
Theo lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, thời gian tới, cán bộ Hội Nông dân Việt Nam và chuyên gia dự án tiếp tục cung cấp các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cho các nhóm nông dân trong vùng dự án, giúp bà con nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Ông Knud Schmidt, Trưởng Dự án nông nghiệp hữu cơ ADDA tại Việt Nam, cho biết: Một số sản phẩm hữu cơ, như quả vải ở Bắc Giang, qua thực tế cho thấy hoàn toàn có khả năng vào thị trường châu Âu.
Từ kinh nghiệm gần 30 năm trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ông Knud Schmidt nói thời gian tới sẽ liên hệ với các siêu thị, một số các nhà nhập khẩu nông sản để đưa quả vải Bắc Giang sang thị trường Đan Mạch và một số nước châu Âu.
Dự án nông nghiệp hữu cơ do ADDA tài trợ với tổng trị giá 2,1 triệu USD và được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ năm 2004 đến 2009, thực hiện thí điểm tại sáu địa phương nói trên.