Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn được ưu tiên
30 | 09 | 2008
Hiện tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu và xuất khẩu đang được các ngân hàng hết sức quan tâm. Bắt đầu từ cuối quý I/2008 trở đi, một số ngân hàng thương mại đã triển khai sản phẩm "Cho vay VND với lãi suất USD" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Điển hình là NHTMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), là ngân hàng đầu tiên thực hiện chương trình Tài trợ xuất nhập khẩu có bảo hiểm bằng tỷ giá. Sau hơn 2 tháng triển khai, Eximbank đã giải ngân gần 2.000 tỷ đồng.

Eximbank cho biết, sẽ tài trợ thêm 3.000 tỷ đồng cho chương trình này. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ bằng USD, lãi suất cho vay giảm từ 8,4%/năm còn 6,6%/năm.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vay USD có kỳ hạn 6 tháng trở xuống lãi suất còn 6,6%/năm. Đến đầu tháng 9, hàng loạt ngân hàng cũng tuyên bố hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Gần đây nhất là NHTMCP Á Châu (ACB) đã tuyên bố sẽ dành 15.000 tỷ đồng để giải ngân từ nay đến cuối năm, phục vụ tăng trưởng xuất khẩu đối với tất cả các ngành nghề.
Đợt đầu tiên, ACB sẽ giải ngân 5.000 tỷ đồng, trong đó, dành 3.000 tỷ đồng cho đối tượng là các doanh nghiệp, ưu tiên tài trợ xuất khẩu các ngành gạo, thuỷ sản, cao su, dệt may, đồ gỗ…
Đồng thời thực hiện giảm lãi suất "Tài trợ sau khi xuất khẩu" bằng VND xuống còn từ 7,3%-8,5%/năm, và lãi suất "Tài trợ trước khi xuất khẩu" còn từ 9%-10%, nhằm đem lại mức lãi suất ưu đãi tốt nhất dành cho doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, ACB sẽ dành 2.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu về mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, vay mua nhà, sửa chữa nhà để ở… đối với những khách hàng cá nhân. Tính đến 30/8/2008, tín dụng tiêu dùng của ACB khoảng 1.300 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 12,76% so với đầu năm.

Việc các ngân hàng công bố tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cũng giảm lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề ưu tiên là một tín hiệu đáng ghi nhận của các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với các NHTMCP, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cho biết sẽ tăng cường cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi, giảm 0,5%-1% đối với cho vay bằng VND và giảm 2%-2,5% đối với cho vay bằng USD. Khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng sẽ được Techcombank "bơm" ra thị trường cho doanh nghiệp thu mua và chế biến lúa, gạo, cà phê, điều, sắn lát….

Đồng thời Techcombank cũng có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đầu tháng 9, NHTMCP An Bình (ABBank) đã quyết định tăng cường hỗ trợ cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi bằng VNĐ giảm từ 0,75%-2% so với trước. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngoại tệ giảm mạnh từ 2-3% so với mức cũ. ABBank cam kết luôn đảm bảo nguồn vốn cả bằng VND và USD để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mức lãi suất ưu đãi này.
Trong khi đó, NHTMCP Đông Nam Á (Seabank) cũng vẫn đang thực hiện giải ngân 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay.

NHTMCP Quốc tế (VIBank) cũng vừa triển khai dịch vụ "Tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất siêu ưu đãi", với tỷ lệ tài trợ lên đến 95% trị giá L/C hoặc 90% trị giá hợp đồng. Thời hạn tối đa là 180 ngày với lãi suất tương đương lãi suất vay USD, doanh nghiệp được VIBank cam kết mua lại ngoại tệ từ nguồn tiền hàng về theo tỷ giá thoả thuận. VIBank cũng sẽ tài trợ 1.000 tỷ đồng cho sản phẩm "Bao thanh toán" đang được triển khai tại ngân hàng này.
 
NHTMCP Hàng hải (Maritime Bank) cũng sẽ dành 3.000 tỷ đồng trong cơ cấu nguồn vốn để phát triển tín dụng, chú trọng tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các ngành nghề ưu tiên…

Trong khi đó, khối NHTM Nhà nước cũng đang hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề thiết yếu như: Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), vẫn hỗ trợ cho vay doanh nghiệp xăng dầu hàng nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo.

Ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tuyên bố dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đến nay, Agribank đã đưa ra khoảng 15.000 tỷ đồng cho khu vực này, và đầu tháng 9/2009, ngân hàng tiếp tục “bơm” bổ sung 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê niên vụ 2008-2009 tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Trong điều kiện lãi suất giảm, vốn tiếp tục được "bơm" ra, nhưng các ngân hàng phải kiểm soát thật chặt chẽ khách hàng của mình, tập trung nguồn vốn ưu tiên cho phát triển kinh tế, mục tiêu là tăng trưởng có kiểm soát. Do đó, chỉ những doanh nghiệp nào đạt yêu cầu mới được cấp tín dụng.


Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường