Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng : Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
30 | 09 | 2008
Gần đây, những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) cùng các vụ việc "đen" do doanh nghiệp mua bán thực phẩm kém an toàn vệ sinh, hàng gian, hàng giả và kinh doanh gian dối liên tục bị "đưa ra ánh sáng".
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng công tác xử lý các vụ việc này vẫn gặp nhiều bất cập do Pháp lệnh bảo vệ QLNTD đã trở nên "lạc hậu". Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM đã trao đổi với Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Mở đầu cuộc trao đổi, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định: Pháp lệnh Bảo vệ QLNTD đã được ban hành ngày 27-4-1999 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 2-10-2001 của Chính phủ, kèm theo danh mục các văn bản pháp luật để xử lý và xử phạt vi phạm hành chính trong việc bảo vệ QLNTD.

Theo ông, bất cập lớn nhất của pháp lệnh là không quy định rõ chế tài xử lý các hành vi vi phạm, làm mất đi tính răn đe, dẫn đến tình trạng người dân dù biết rõ mình bị lừa dối, bị xâm hại quyền lợi nhưng không biết làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình. Xét trên lĩnh vực thực phẩm thì càng thấy rõ sự "thụ động" này. Người tiêu dùng ăn thịt, cá thì sợ thuốc tăng trọng, ăn rau quả thì sợ hóa chất độc hại, uống nước giải khát thì lo lắng phẩm màu công nghiệp nhưng để ngăn chặn những rủi ro trên thì chỉ còn cách… từ chối sử dụng vì nếu lỡ ăn, có bề gì, kiện tụng cũng chẳng biết có kết quả gì không.

Về các biện pháp chế tài cụ thể có thể áp dụng, luật sư Hậu cho rằng trước hết, cần thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận hành nghề hoặc buộc đóng cửa vĩnh viễn những đơn vị có vi phạm, trường hợp cố tình tái phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử phạt bổ sung truy thu toàn bộ khoản thu nhập bất chính do hành vi vi phạm trái pháp luật mang lại. Ví dụ, các cây xăng gian lận bị "bắt quả tang" không thể chỉ bị phạt vài chục triệu đồng như vừa qua vì số tiền những nơi này "móc túi" người tiêu dùng không chỉ có chừng ấy. Nếu phát hiện sai phạm này thì chắc chắn phải phạt nặng kèm theo biện pháp cưỡng chế đền bù cho khách hàng.

 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Thực tế cho thấy, nhiều người dân hiện mất lòng tin với cơ quan chức năng do không ít nơi đùn đẩy trách nhiệm và bất lực trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân. Do vậy, đi kèm các biện pháp chế tài nghiêm khắc với đơn vị vi phạm, cũng cần có quy định rõ ràng về việc xử lý những cơ quan quản lý Nhà nước thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, đối với trường hợp quan chức Nhà nước không chịu công bố thông tin công khai, thiếu minh bạch về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nhiều người thì cần xem đó là một hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi về ý kiến cho rằng quy trình tố tụng liên quan đến lĩnh vực này còn quá nhiêu khê, phức tạp, khiến người tiêu dùng rất ngại khi đụng đến kiện tụng, luật sư Hậu nhận xét: Đây cũng là một trong những vấn đề mà dư luận khá quan tâm. Một thị trường hàng hóa cung cấp cho trên 80 triệu dân nhưng số trường hợp khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này còn quá ít đã phần nào cho thấy thực tế này.

Rõ ràng quy trình tố tụng xét xử hiện nay khiến người dân bị xâm phạm quyền lợi và dễ nản lòng khi vác đơn đi kiện. Theo luật sư, một trong những hạn chế cần được dỡ bỏ là không nên buộc người tiêu dùng khi khởi kiện sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng phải trả chi phí thử nghiệm, kiểm định sản phẩm vì trách nhiệm đó thuộc về nhà sản xuất. Ngoài ra, khi bị xâm hại đến lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện một trong các thành phần: nhà sản xuất, người phân phối hay đơn vị bán lẻ.

Không ít trường hợp hàng hóa kém chất lượng do lỗi của các đơn vị phân phối trung gian. Ông đưa ra ví dụ về vụ một khách hàng - bạn đọc của Báo SGGP - kiện buộc hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim hoàn trả tiền mua một máy tính xách tay do máy liên tục hư hỏng trong thời gian bảo hành. Ban đầu siêu thị Nguyễn Kim - một đơn vị phân phối trung gian - từ chối giải quyết quyền lợi cho khách hàng nhưng khi ra đến TAND quận 1 thì khách hàng này, thông qua trợ giúp pháp lý từ CLB Chống hàng giả và Bảo vệ QLNTD Báo SGGP đã thắng kiện. Đây rõ ràng là tín hiệu tốt thể hiện trách nhiệm bình đẳng của nhà phân phối - nhà sản xuất trước việc đảm bảo QLNTD.

Ngoài ra, bàn về kẽ hở trong khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực bảo vệ QLNTD, LS Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của tình trạng hàng giả, hàng nhái, vốn đang gây thiệt hại rất lớn đến QLNTD nhưng dường như biện pháp xử lý của cơ quan chức năng chưa thật sự căn cơ. Mọi người đều thấy hàng giả đang tồn tại công khai tại nhiều điểm bán hàng nhưng chúng ta lại không thể xử lý dứt điểm.

Sắp tới, thiết chế luật cần tăng quyền cho các tổ chức tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các cơ quan thanh tra, giám sát, quản lý thị trường, công an… nhằm nâng tầm quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, xử lý thật nghiêm các hành vi sản xuất và phân phối hàng giả. Cuối cùng, theo luật sư Hậu, bộ luật mới nếu được ra đời cần nâng cao vai trò của các tổ chức bảo vệ QLNTD, vì khi những tổ chức này được gia tăng quyền lực sẽ giúp cho thị trường hàng hóa diễn biến lành mạnh hơn. Nhà nước cần có sự đầu tư, hỗ trợ các tổ chức có chức năng bảo vệ QLNTD để họ có thêm điều kiện phục vụ người dân

TƯỜNG MINH ghi

Điểm đen thị trường

°Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) phát hiện kho hàng của hộ kinh doanh cá thể Trần Văn Năm (thuê kho của Công ty TNHH Bình Tây ở số 406 đường Trần Văn Kiểu phường 7 quận 6) chứa trữ hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh. PC15 tạm giữ 1.068.480 viên pháo diêm nổ (pháo dạng hình trụ) do Trung Quốc sản xuất, 194.500 que pháo bông do Trung Quốc sản xuất, 25 thùng + 8 bao (chưa kiểm đếm số lượng) đồ chơi trẻ em bạo lực.

°Cửa hàng kinh doanh đồng hồ đeo tay do ông Nguyễn Văn Khởi làm chủ, nằm trong khuôn viên siêu thị Co.opMart (số 127 Đinh Tiên Hoàng phường 3 quận Bình Thạnh) bị Đội QLTT Bình Thạnh tạm giữ 93 đồng hồ đeo tay không hóa đơn chứng từ.

°Cửa hàng kinh doanh băng đĩa nhạc số 311 Lê Quang Định phường 7 quận Bình Thạnh do bà Mai Thị Thu Cúc làm chủ bị bắt quả tang đang kinh doanh khoảng 16.328 băng, đĩa các loại không hóa đơn chứng từ và không nhãn kiểm soát.
Nguồn: Chi cục QLTT TPHCM



Nguồi: Sài Gòn Giải Phóng
Báo cáo phân tích thị trường