Khu dân cư trên đất rừng
Nhiều năm trước, khu vực đối diện Dinh 2 - Đà Lạt là một khu rừng cảnh quan tuyệt đẹp. Nhưng ngày nay chen giữa rừng thông là một khu dân cư với những ngôi biệt thự hoành tráng, những ngôi nhà kiên cố, những túp lều... và những “nhà kính” để trồng rau, hoa của hơn 150 hộ dân, trong đó hơn một nửa thuộc địa phận phường 3, số còn lại là của phường 10.
Tương tự, rừng cảnh quan ở các khu vực Dinh 1 (phường 10), tịnh xá Ngọc Hoàng (phường 4), đồi Mai Anh (phường 6), đồi Sở Giáo dục (phường 3)... lâu nay cũng bị đào xới, san phẳng để làm nhà, lập vườn và hình thành từng cụm dân cư!
Mất 70ha rừng thông Theo cơ quan hữu quan, trước năm 1997 diện tích rừng tập trung trong khu vực nội ô của TP Đà Lạt là 356,5ha và gần 10.000 cây thông phân tán trên khắp địa bàn. Nhưng theo một báo cáo mới đây của HĐND TP Đà Lạt, từ năm 1988 đến nay rừng nội ô Đà Lạt đã “biến mất” trên 70ha và khoảng 3.380 cây thông phân tán bị chặt hạ. |
Theo các chuyên gia, diện tích rừng thông và lượng cây thông phân tán bị chặt hạ và lấn chiếm trong thời gian qua còn lớn hơn con số do HĐND TP Đà Lạt đưa ra, trong đó có hàng trăm trường hợp người dân tự ý lấn rừng để làm nhà, lập vườn trái phép.Ví như trước đây đường Bùi Thị Xuân luôn xanh mát bởi những mảng rừng thông nhỏ liên hoàn, được chính quyền cho bạt đồi xây nhà nên nay đã là một khu phố sầm uất với rất nhiều nhà hàng, khách sạn.
Còn khu rừng phía sau UBND tỉnh Lâm Đồng thì những gốc thông già đã được người dân tìm mọi cách triệt hạ để biến thành khu dân cư đông đúc thuộc phường 3. Riêng khu vực Đặng Thái Thân, phường 3, gần đây đã xuất hiện nhiều ngôi biệt thự và khách sạn qui mô!
Trồng lại rừng: không thể!
Từ năm 2000 chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã có qui định khi chặt hạ một cây thông thì (cá nhân, tổ chức) phải trồng lại năm cây thông từ 1,5 tuổi trở lên, trong đó một cây trồng tại chỗ cây thông vừa bị chặt hạ, bốn cây còn lại trồng nơi khác. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân phải đóng 750.000 đồng (đơn giá một cây thông là 150.000 đồng) vào quĩ cây xanh để ban quản lý rừng nội ô triển khai trồng thông theo qui định.
Thế nhưng từ bao năm qua, cơ quan hữu quan chỉ thu tiền cho quĩ cây xanh, còn việc trồng lại thông đến nay vẫn chưa triển khai được! Chẳng hạn, khu vực đường Đặng Thái Thân có hàng chục cây thông bị chặt hạ để làm đường, làm nhà... từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa có cây nào được trồng lại, hoặc như hàng loạt cổ thụ ở đường Hồ Tùng Mậu bị chặt hạ để mở đường từ mười năm trước nhưng đến nay đoạn đường đối diện thao trường Lâm Viên vẫn còn trơ những bờ taluy và những khối nhà bêtông đồ sộ...
Ông Hoàng Công Đính, trưởng Ban quản lý rừng nội ô Đà Lạt, giải thích: việc trồng mới thông cho rừng nội ô rất khó vì cơ chế ràng buộc nên không thể thanh toán, quyết toán được. Hơn nữa, khi đã chặt thông rồi thì không ai muốn trồng lại một cây thông khác nữa vì sợ rằng vườn nhà mình sẽ mất giá nên nếu có trồng rồi thì cũng sẽ bị chủ nhà tìm cách “sát hại”!