Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bùa phép “rau mầm”
03 | 10 | 2008
Rau mầm đang được ưa chuộng tại TP.HCM và nguồn cung chính là từ miền Tây. Nhu cầu tăng mạnh khiến người ta phải “bùa phép” để nhanh thu hoạch sản phẩm. Chuyện “bùa phép” này có ổn không?
Rau mầm với thời gian sinh trưởng trong vòng 6 – 7 ngày đang được xem là cách hái ra tiền nhanh nhất. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà sản xuất rau mầm vì mục tiêu lợi nhuận đã sử dụng một số loại thuốc kích thích tăng trưởng, thông dụng nhất là progib (GA3) gibberellin, hầu hết hoá chất xuất xứ từ Trung Quốc, để rau mầm phát triển nhanh hơn.

Nhiều người trồng rau thuỷ canh “tự sản – tự tiêu” cũng đã tự điều chế dung dịch kích thích tăng trưởng. Theo TS Trần Thị Ba, khoa nông nghiệp trường đại học Cần Thơ, progib (GA3) gibberellin được phép sử dụng trên những cây trồng như dưa, nhưng chưa thấy cho phép sử dụng trên rau mầm.

Kỹ sư Nguyễn Phương Tuấn, công ty Trang Nông, tiền thân là Trang Ký Chành ở Chợ Lớn, có trại thử nghiệm giống các loại hạt giống rau mầm và cung cấp hạt giống rau F1, các loại rau ăn lá châu Á và châu Âu... tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM, khuyến cáo: Theo nguyên tắc, rau mầm sản xuất theo tiêu chuẩn không dùng đất (trừ đất sạch), không dùng phân bón hoá học, không dùng thuốc trừ sâu tăng trưởng, không dùng nước nhiễm bẩn. Khi rau phát triển được 4 – 5cm thì đưa khay ra nơi có ánh sáng để rau xanh và mập thân – ông Tuấn khẳng định – “không cần dùng hoá chất”.

Người đầu tiên ứng dụng kỹ thuật trồng rau mầm ở Cần Thơ là TS Trần Thị Ba. TS Ba cho biết, có người tiết lộ với bà rằng họ xử lý giá thể bằng phân mục mua trong bãi rác chỉ 5.000đ/kg để có lời nhiều. Có người thì mua phân heo về ủ cho bớt mùi hôi rồi bón rau.

Theo TS Ba, đó là những mối nguy vì các nguồn phân này chưa được xử lý, thanh trùng. Với phân bón chưa thanh trùng thì chắc chắn vi khuẩn bệnh đường ruột từ phân nhiễm vào rau sẽ đi trực tiếp vào cơ thể người. Chưa kể việc nhiều người dùng nguồn nước không sạch nên có loại rau khi kiểm tra hàm lượng kim loại nặng thấy thừa nitrate”.

Với 30g hạt giống và không cần nhiều diện tích, có thể trồng rau mầm trên giá thể xơ dừa thay đất, sau 5 – 7 ngày trồng thu được 400 – 450g rau mầm, giá trị dinh dưỡng tương đương 1,5kg rau thường. Một số loại rau mầm có vị cay, hơi hăng như mầm của các loại rau cải: củ cải trắng, củ cải đỏ… một số khác có vị bùi, ngọt đặc trưng, nhưng khi sử dụng các hoá chất kích thích tăng trưởng, hương vị sẽ kém đi.

Ước tính, cứ 50g hạt giống có thể thu hoạch từ 500 – 700g rau mầm, giá trị dinh dưỡng bằng 2kg rau thường. Trừ mầm khoai tây có chứa rất nhiều chất độc solanin, chất này có thể gây ngộ độc, thậm chí có trường hợp bị tử vong.

Hiện nay, mầm đậu tương được ưa chuộng nhất vì chứa chất gaba (acid gamaaminobutyric) chất điều tiết hoạt động hệ thần kinh trung ương của người với hàm lượng cao. Trong rau mầm đậu tương có chứa các phytoestrogen – genistein, daidzein nhiều gấp hàng chục lần so với hạt đậu tương bình thường. Phytoestrogen được sử dụng để chống lão hoá và làm đẹp cho nữ giới. Mầm cải súp lơ xanh (broccoli sprouts) chứa chất phòng chống ung thư sulforaphan nhiều hơn 30 lần so với súp lơ xanh đã trưởng thành. Sulforaphan được đánh giá là chất chống oxy hoá rất có hiệu quả để bảo vệ da.



Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường