Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc có an toàn trước “bão” tài chính Mỹ?
04 | 10 | 2008
“Cơn bão" tài chính từ Phố Wall có thể làm giảm tăng trưởng xuất khẩu, giảm giá trị dự trữ ngoại tệ và gây thiệt hại cho các ngân hàng của Trung Quốc, nhưng cũng mang đến một số cơ hội hiếm có cho nước này.

Bất chấp những khó khăn kể trên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa bày tỏ tin tưởng rằng, kinh tế Trung Quốc đủ khả năng vượt qua hàng loạt thách thức hiện nay và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một giai đoạn dài.

Trong họa, có phúc

Theo báo Văn hối (Hồng Kông), cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc và làm giảm bớt thặng dư mậu dịch của nước này. Các ngân hàng Trung Quốc đang nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thua lỗ ở Mỹ đã thiệt hại hàng chục triệu USD.

Việc đồng USD mất giá sẽ khiến lượng trái phiếu Trung Quốc đang nắm của Bộ Tài chính Mỹ giảm giá, nghĩa là dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị giảm theo. Trung Quốc hiện có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với hơn 1.800 tỷ USD, trong đó, 30% là trái phiếu Mỹ. Tính đến cuối tháng 4/2008, tổng giá trị trái phiếu Trung Quốc nắm giữ tại thị trường Mỹ đã lên đến 502 tỷ USD.

Một điều quan trọng nữa là cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ dẫn tới việc Trung Quốc phải điều chỉnh lại chính sách tiền tệ. Theo đó, phải kích cầu tiêu dùng trong nước trong bối cảnh các đối tác thương mại gặp khó khăn; tránh tình trạng thắt chặt tiền tệ.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ cũng đã tác động rất tiêu cực đến đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc. Thị trường tài chính Hồng Kông đã náo loạn sau khi có thông tin về nguy cơ đổ vỡ của Bank of East Asia (BEA), ngân hàng lớn thứ 5 ở Hồng Kông. Sau khi kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Phố Wall bị Hạ viện Mỹ bác bỏ, sáng 30/9, chỉ số chứng khoán trên thị trường Hông Kông đã lập tức giảm 978,67 điểm (khoảng 5%).

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, “cơn bão” tài chính hiện nay cũng đưa đến cho Trung Quốc những cơ hội hiếm có, nói như người Trung Quốc là: “trong hoạ có phúc”.

Sự thất thế của Mỹ trên thị trường tài chính quốc tế sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc xác lập vị thế của mình trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể rút ra nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ để nâng cấp hệ thống tài chính của mình.

Theo Nhật báo Phố Wall, từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thứ cấp đến nay, 20% nhân viên Phố Wall mất việc. Điều này tạo cơ hội cho các ngân hàng Trung Quốc thu hút các nhà quản lý cấp cao, người Hoa, trong giới tài chính, ngân hàng.

Một lợi thế nữa với Trung Quốc là do nước này có lượng dự trữ lớn, trong khi Mỹ đang  cần tiền mặt. Điều này có thể khiến Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc trong các vấn đề chính trị-quân sự.

Bài học “thận trọng” của Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ không ảnh hưởng lớn đối với Trung Quốc, do nước này đặt nền móng cải cách tài chính của họ dựa trên cơ sở hệ thống tài chính Mỹ, nhưng chỉ thực hiện từ từ.

Thời gian qua, Bắc Kinh vẫn cô lập thị trường tài chính của họ với các luồng vốn toàn cầu, khiến các đối tác của nước này bất bình. Nhưng nhờ vậy, các ngân hàng Trung Quốc vừa qua đã tránh được tình trạng náo loạn khi cơn “địa chấn” tài chính Mỹ lan khắp thế giới. Các ngân hàng Trung Quốc cũng không nắm nhiều cổ phiếu của những ngân hàng phá sản ở Mỹ.

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa tổ chức tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc tuần trước, Chủ tịch Uỷ ban điều phối ngân hàng Trung Quốc Lưu Minh Khang cho rằng: các tiêu chuẩn cho vay của nước Mỹ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu là không thể chấp nhận. Và, thế giới có thể học tập hệ thống tài chính thận trọng hơn của Trung Quốc, khi xem xét cải cách hệ thống tài chính.

Cũng tại diễn đàn trên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, những nền móng cơ bản của kinh tế Trung Quốc không bị thay đổi, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các chính sách kinh tế của nhà nước vẫn tỏ ra hiệu quả.

Việc Trung Quốc duy trì tăng trưởng nhanh và ổn định sẽ là yếu tố tốt nhất giúp ổn định tình hình kinh tế thế giới. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng cao, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là giữ cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm việc làm với kiềm chế sức ép tăng giá tiêu dùng.

Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách mở cửa, tăng cường cải cách kinh tế và thúc đẩy tái cơ cấu chính trị. Đồng thời, sẽ tiếp tục theo đuổi các đường lối chính sách mềm dẻo, linh hoạt nhưng thận trọng để đối phó với tình hình khủng hoảng chung hiện nay.

Các báo Hồng Kông cho rằng, đây cũng sẽ là nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các ngày từ 9-12/10 tới.



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường