Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
20% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
06 | 10 | 2008
Con số đầy quan ngại này được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) công bố tại Diễn đàn "Doanh nghiệp - Ngân hàng - Chứng khoán" cùng tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ lạm phát tổ chức ngày 3/10.
Đòn nặng nề

Theo ông Lý Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV, lạm phát tác động mạnh đến cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp (DN), trong đó DNNVV bị tác động mạnh nhất. Nó cũng như trong tự nhiên, khi cơn bão ập đến những ngôi nhà nào yếu, ít được phòng bị thì bị tàn phán nhiều và nặng nề hơn. DNNVV đang ở trong hoàn cảnh như vậy.

Hiệp hội DNNVV đã chia ra 3 nhóm DN chịu tác động lạm phát. Trước hết là nhóm DN bị tác động mạnh, đang hết sức khó khăn bị phá sản hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. Con số của nhóm này có thể lên tới 20% tổng số DN.

Nói thêm về con số này, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV cũng cho biết, gần nửa của số 20% DNNVV có nguy cơ phá sản ấy, tức 10% đã ngừng hoạt động hoặc họ có thể chuyển hướng. 10% còn lại bị tác động lạm phát, nếu chính sách tốt lên họ sẽ cải thiện tình hình tốt hơn.

Theo ông Kiêm, con số 20% được các chuyên gia tính toán và dự đoán trên diễn biến thực tế cũng như số liệu báo cáo của các địa phương, tổng hợp qua các cuộc hội thảo và theo dõi thường xuyên.

Nhóm thứ hai được tính đến là những DN bị lạm phát và khủng hoảng kinh tế tác động mạnh và hiện đang trong tình trạng khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Số lượng nhóm này có thể lên đến 60%. Lạm phát và khủng hoảng đã khiến các DN này không kiểm soát được chi phí sản xuất, mất thị trường, không đủ vốn để duy trì sản xuất.

Nhóm thứ 3, là những DN ít bị tác động, thậm chí vẫn tìm được cơ hội trong lạm phát để phát triển.

Sức ép lên lãi suất

Khó khăn lớn nhất đối với DNNVV hiện nay là thiếu vốn. Bản thân các DNNVV có tiềm lực tài chính hạn chế và rất cần đến vốn vay để kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện thắt chặt tiền tệ, việc khó vay vốn đã đẩy DN đứng trước nguy cơ phá sản.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tình trạng, trải qua một giai đoạn phát triển "nóng", rất nhiều DN vay vốn đầu tư khá lớn để đẩy nhanh các dự án, mở rộng quy mô. Thậm chí không ít DN đầu tư quá sức của mình... Vì thế, vốn đang trở nên rất cấp thiết đối với DNNVV.

Ông Kiêm cho rằng, cơ hội tiếp cận vốn của DN trong điều kiện hiện nay khó hơn là tất nhiên. Tuy nhiên, lãi suất đã giảm mức 17- 18% cũng là khá thấp.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng chia sẻ, quan trọng nhất không phải là hạ lãi suất xuống bao nhiêu mà là lạm phát giảm đi bao nhiêu. Lạm phát giảm thì lãi suất đầu vào, đầu ra giảm xuống và DN có chịu đựng nối hay không là do yếu tố lạm phát.

Về vấn đề này, ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông Nghiệp - Phát triển Nông thôn nói: khi dòng vốn đã đỡ căng thẳng thì nảy sinh vấn đề lãi suất và chi phí vốn vay.

Ông Ngọc cũng phân tích rằng trong những tháng đầu năm, mặc dù lãi suất cao song các DN vẫn chấp nhận vì còn tiềm lực. Mặt khác, với dự án, thương vụ sắp hoàn thành, một lượng vốn nhất định với lãi suất cao là điều hoàn toàn có thể chấp nhận. Nhưng vào chu kỳ sản xuất mới hoặc vào dự án trung và dài hạn thì kể cả lãi suất cho vay thấp nhất 16%, không phải DN nào cũng chịu đựng được.

"Vấn đề nổi cộm hiện nay là các DN nhất loạt đòi giảm lãi suất vay, càng thấp càng tốt. Nhưng nếu giảm lãi suất cơ bản (mặc dù hiện vẫn còn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng) thì sẽ đi ngược với mục tiêu chống lạm phát"- ông Ngọc nói.

Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, lúc này cần phải đặt ra câu hỏi làm thế nào phục vụ DN mà vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng. Nếu cho vay dưới chuẩn, ngân hàng đổ vỡ tác hại sẽ là rất lớn.

"Xã hội phải thông cảm và đặt lợi ích DN và ngân hàng hài hòa với nhau. Ngân hàng Nhà nước vừa rồi đã có những bước đi rất hài hòa, rất mềm mỏng và linh hoạt, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đó cũng chính là tín hiệu tốt để ngân hàng và DN chia sẻ trong khó khăn"- bà Dương Thu Hương nhận định.


Theo VNN
Báo cáo phân tích thị trường