Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá trị nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp tăng 73%
08 | 10 | 2008
Bộ NN-PTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2008 ước đạt hơn 12,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, nhập khẩu các mặt hàng vật tư, nguyên liệu cũng đạt mức kỷ lục, chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu.
Số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ cho thấy, riêng tháng 9/2008, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản mang về trên 1,44 tỷ USD, tăng 36% so với tháng 9/2007.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều... ước đạt 734 triệu USD, tăng 53,5%; thuỷ sản đạt 460 triệu USD, tăng 44% và lâm sản đạt khoảng 246 triệu USD, tăng 21% so với tháng 9 của năm ngoái.

Một chuyên gia của Bộ NN-PTNT nhận định, giá nông lâm sản tăng cao chính là yếu tố quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kim ngạch. Thậm chí, kể cả khi lượng xuất khẩu một số mặt hàng giảm nhưng kim ngạch nông lâm sản vẫn tăng ở cao nhất từ trước đến nay.

Điển hình nhất là gạo, nhờ mức giá tăng kỷ lục (bình quân 9 tháng đầu năm đạt 655 USD/tấn, tăng hơn 2 lần cùng kỳ năm trước) nên tuy lượng gạo xuất khẩu đến nay chỉ đạt 3,7 triệu tấn, giảm 7,8% so cùng kỳ năm trước nhưng thu về 2,4 tỷ USD, tăng trên 88%.

Cà phê xuất khẩu cũng giảm 22% về lượng song tăng 9,7%về kim ngạch (ước đạt 762.000 tấn và 1,6 tỷ USD) nhờ giá xuất khẩu bình quân 9 tháng là 2.114 USD/tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng cao su cũng tăng gần 34% về giá trị, tuy giảm 8,6% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 454.000 tấn và 1,25 tỷ USD) do giá xuất khẩu tăng 46%.

Giá điều, chè, tiêu xuất khẩu cũng lần lượt tăng tới 35%, 29%, 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, kim ngạch hầu hết các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, năm nay xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn cũng đạt 130-150 triệu USD. Riêng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệpxuất khẩu đạt trên 200 triệu USD.

Giá trị nhập khẩu tăng tới 73%

TIN LIÊN QUAN
Song, lợi thế này đang có xu hướng chững lại và giảm. Giá của các mặt hàng nông lâm sản bắt đầu đi xuống, cụ thể là gạo, cà phê, chè, hạt tiêu... Hiệu quả xuất khẩu cũng sụt giảm do tốc độ tăng mạnh của giá vật tư, nguyên liệu nhập khẩu (dao động từ 0,5-2-3 lần) như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc... Tốc độ tăng của nhập khẩu cao hơn xuất khẩu tới 2,6 lần.

Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phải chi tới 1,3 tỷ USD để nhập 2,7 triệu tấn phân bón, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; 391 triệu USD để nhập thuốc trừ sâu (tăng trên 50%); 854 triệu USD để nhập gỗ (tăng 15%); 416 triệu USD để nhập cao su (tăng 55,4%)...

Tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông sản lâm thuỷ sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ nông sản lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bằng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Đặc biệt, số liệu nhập khẩu 8 tháng đầu năm nay từ Tổng cục Hải quan còn chứng tỏ khía cạnh yếu kém của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đã phải nhập tới 1,4 tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đậu tương và các sản phẩm liên quan đến đậu tương (khô dầu, dầu) lên tới 872 triệu USD, cao hơn tổng giá trị xuất khẩu của hai mặt hàng là hạt tiêu và điều.

Không những thế, đậu tương vốn là cây trồng mà nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đẩy mạnh phát triển, nhưng thời gian qua, vẫn chưa thực sự được chú trọng. Ngoài ra, nhập khẩu muối cũng tăng tới 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước trong khi Việt Nam có điều kiện sản xuất.


Xem tin gốc tại đây:

http://www.vietnamnet.vn/kinhte/2008/10/807336/



Báo cáo phân tích thị trường