Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững: Cạnh tranh cần bình đẳng
09 | 10 | 2008
Vinacafé vẫn tự tin vào chất lượng và khối lượng đóng gói đúng tiêu chuẩn 20 gram của mình, nhưng nếu công luận không lên tiếng về việc rút ruột sản phẩm, bớt xén quyền lợi của người tiêu dùng mà nhiều thương hiệu cà phê khác đang áp dụng, thì cà phê Việt Nam sẽ thiếu một sân chơi bình đẳng - nền tảng cho phát triển lành mạnh và bền vững.
Do công nghệ chế biến sử dụng quá trình thủy phân các chất tan trong hạt cà phê, cà phê hòa tan thường có vị chua đặc trưng. Nắm được điểm này, năm 1993, Vinacafé đã nghiên cứu và đưa ra thị trường cà phê hòa tan 3 trong 1.

Vào thời điểm đó, đây là sản phẩm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Nhằm hạn chế độ chua của cà phê hòa tan nguyên liệu bằng việc phối trộn nó với đường tinh luyện và bột sữa thực vật, Vinacafé đã đưa ra thị trường một khái niệm hoàn toàn mới: cà phê hòa tan 3 trong 1 uống liền. Sản phẩm có hương vị gần giống với cà phê được pha bằng cà phê phin truyền thống với sữa đặc có đường. Điểm khác biệt khiến cà phê 3 trong 1 nhanh chóng thâm nhập thị trường chính là tính tiện dụng và vị ngậy đặc trưng của sữa thực vật, loại bỏ vị gây của sữa bò cô đặc. Sản phẩm nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi một công ty nước ngoài sau khi tốn kém rất nhiều tiền để hướng người tiêu dùng Việt Nam sử dụng cà phê theo kiểu châu Âu không thành công đã phải xin thay đổi dự án đầu tư nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sang sản xuất cà phê hòa tan 3 trong 1.

Trước khi chính thức tung sản phẩm mới, Vinacafé đã nghiên cứu xác định gu của người tiêu dùng Việt Nam. Rất nhiều mẫu đã đưa đưa ra thử nghiệm, cuối cùng công thức chuẩn đã được xác định gồm tỷ lệ phối hợp 3 thành phần với khối lượng tiêu chuẩn: 20 gram/gói nhỏ cho 1 ly cà phê hợp khẩu vị người Việt Nam.

Ông Phạm Quang Vũ, Phó Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa, cho biết: Các sản phẩm tương tự tham gia thị trường sau này thường làm ít hơn của Vinacafé từ 1 đến 2 gram. Có thể họ muốn có sự khác biệt nào đó hoặc vì tham gia thị trường sau, họ cần phải có chi phí thâm nhập thị trường nên làm ít hơn một chút. Nhưng có lẽ chính sự chênh lệch này là một yếu tố quan trọng đã giúp Vinacafé trụ vững trước các chiến dịch quảng cáo rầm rộ của đối thủ và vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam như hiện nay.

Tuy nhiên, gần đây hầu hết các sản phẩm cà phê 3 trong 1 đồng loạt giảm thêm khoảng 15% khối lượng. Có sản phẩm chỉ còn 16 gram, ít hơn của Vinacafé đến 20%. Trong bối cảnh lạm phát, yếu tố giá được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Để giảm áp lực tăng giá, các công ty đã lựa chọn biện pháp rút bớt khối lượng bên trong gói nhỏ. Thông tin về khối lượng mới được ghi bằng cỡ chữ rất nhỏ và ở góc khuất, bao bì sản phẩm lại có kích thước không thay đổi nên nhiều người tiêu dùng không biết. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, tiết kiệm là cần thiết nhưng đó là quyền chủ động của người tiêu dùng. Rút ruột sản phẩm không phải là tiết kiệm và việc doanh nghiệp chủ động rút ruột sản phẩm là xâm phạm vào quyền lợi của người tiêu dùng. Hơn nữa, cà phê là thức uống có gu, có thể rút từ 3 ly xuống còn 2 ly/ngày nhưng đã uống thì phải được sảng khoái. Chính vì thế Vinacafé vẫn giữ đúng khối lượng 20g/gói như 15 năm qua để đảm bảo cung cấp những ly cà phê vừa thơm ngon, vừa đầy đặn.

Một lý do khác, là một trong 30 thương hiệu được chính phủ lựa chọn vào chương trình thương hiệu quốc gia, Vinacafé phải quan tâm mục tiêu chung của cả ngành cà phê Việt Nam. Đó là phát triển cà phê bền vững. Muốn thế phải ổn định thu nhập của người trồng cà phê bằng cách tìm đầu ra ổn định. Việt Nam đang xuất khẩu cà phê nguyên liệu thô và thu nhập của nông dân rất bấp bênh do các trung gian nước ngoài thường xuyên ép giá mua cà phê xuống thấp. Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng chính là kích cầu tiêu dùng cà phê nội địa. Nếu các công ty chế biến cà phê cứ giữ cách kinh doanh kiểu như giảm cả chất lượng lẫn khối lượng sản phẩm sẽ làm người tiêu dùng quay lưng lại với cà phê. Hơn thế, ngành cà phê Việt Nam sẽ thiếu đi một sân chơi lành mạnh và bình đẳng, điều kiện để cà phê phát triển bền vững.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường