Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp vẫn ngại lãi suất
10 | 10 | 2008
Tuy lãi suất huy động và cho vay đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm dần trong thời gian qua, nhưng trên thực tế vẫn khó thu hẹp được khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp: Thu hẹp sản xuất, chờ giảm lãi suất

Rào cản lớn nhất đối với các DN trong việc tiếp xúc ngân hàng (NH) hiện nay vẫn là áp lực về lãi suất (LS). Ông Phạm Quang Thắng - Phó TGĐ Techcombank cho rằng, những chính sách của chính phủ đã phát huy tác dụng. Cụ thể tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần qua các tháng và đặc biệt là tháng 9 (0,18%) nên việc NH giảm LS huy động là hợp lý. Thanh khoản của các NH hiện khá tốt, nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của DN vẫn cao.

Tuy nhiên, để giải ngân được nguồn vốn lúc này không phải là bài toán dễ đối với NH. Phó TGĐ một NH thừa nhận, hiện không ít DN đã thu hẹp kinh doanh để chờ LS giảm tiếp mới bắt đầu tái mở rộng. "Có thể đến hết năm nay, nếu LS đầu ra giảm xuống mức 18%/năm, các DN mới tính đến việc triển khai hoạt động" - ông này nói.

Gần đây, LS đầu ra đã được điều chỉnh, nhưng với những người cần vốn lúc này áp lực về LS vẫn còn khá cao. LS đầu ra giảm từ 21%/năm xuống 17,7 - 20,5%/năm về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn cho DN. Trước đây, với mức LS vay vốn NH 12 - 15%/năm, lợi nhuận thu về trong hoạt động của DN có thể đạt trên dưới 20%/năm. Nhưng hiện nay, LS phải trả cho NH tăng lên gấp đôi, trong khi lợi nhuận thu về của DN khó đạt được mức 20%, do tình hình kinh tế khó khăn.

Ông Lý Xuân Hải - TGĐ ACB cho biết, sau hơn 1 tháng mở rộng tín dụng, đến nay NH đã giải ngân được hơn 1.000 tỉ đồng trong số 5.000 tỉ đồng ACB đưa ra thị trường đợt đầu. Theo kế hoạch ACB dành ngân khoản 15.000 tỉ đồng để giải ngân từ nay đến cuối năm. Trong đó, nguồn vốn giá rẻ chủ yếu được dành cho DN xuất, nhập khẩu. Lãi suất cho vay tối thiểu tại ACB hiện nay là 19,5%/năm và tối đa là 20,5%/năm. ACB cũng dành 1.000 tỉ đồng cho DNVVN; 500 tỉ đồng cho vay bất động sản... Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, tiến độ giải ngân vốn cũng chưa tăng.

Ngân hàng: Chưa thể giảm mạnh lãi suất đầu ra

DN vẫn ngại LS đầu ra, cho dù NH đã cố gắng điều chỉnh xuống mức thấp nhất. Theo ông Hải, nếu so sánh mức LS đầu ra giữa 21%/năm và 19,5 - 20%/năm về cơ bản vẫn không khác nhau nhiều. Chi phí đầu vào DN vẫn chưa thực sự được tiết giảm, do đó nhiều Cty vẫn trong trạng thái thăm dò thị trường và đợi LS giảm thêm mới có triển khai việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, với NH lúc này chưa thể cắt giảm mạnh LS đầu vào và đầu ra, vì LS cơ bản chưa thể giảm khi chủ trương kiềm chế lạm phát vẫn được Chính phủ và NHNN tiếp tục thực hiện.

Riêng với khách hàng cá nhân, các NH cho biết, trong lúc này nhu cầu mua nhà để ở vẫn có, nhất là với những bất động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở xuống, nếu khách hàng vốn tự có khoảng 500 - 600 triệu đồng. Theo khảo sát của ACB, trong 100 khách hàng cá nhân thì hiện có khoảng 50 người có nhu cầu vay tiền mua nhà để ở. Nhưng chỉ có phân nửa quyết định vay vốn NH để có cơ hội sở hữu bất động sản đang được xem là giá cả phù hợp. 30 người vẫn muốn xem xét diễn biến LS và có suy nghĩ không biết có nên vay hay không? Phần còn lại vẫn muốn xem xét tình hình LS.

Khó khăn không chỉ với DN, mà triển khai tín dụng lúc này NH cũng phải hy sinh phần nào về lợi nhuận. Nhưng hoạt động NH là không thể không cho vay, do đó các nhà băng phải tiếp tục đẩy vốn ra thị trường. Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH đưa ra nhận định, so sánh giữa LS huy động ở mức bình quân được nhiều NH đang áp dụng hiện nay là 17%/năm với lãi suất cho vay trên dưới 20%/năm thì triển khai tín dụng sẽ không có lãi.

Tuy nhiên, các NH không thể hoạt động mà không cho vay nên phải tiếp tục triển khai tín dụng. Hiện vẫn có ngân hàng áp dụng mức LS huy động cao hơn cho vay ra, nhưng so với cùng kỳ năm trước giải ngân vốn của các NH có dấu hiệu chững lại, vì LS đầu ra vẫn ở mức cao.

Nguồn vốn giá rẻ vẫn được các NH ưu tiên cho DN xuất, nhập khẩu nên khách hàng cá nhân và DN ngoài lĩnh vực trên vẫn ngại đến với NH, cho dù nhu cầu vốn có tăng. Theo dự báo của một chuyên gia ngành NH, có thể nhu cầu vốn của DN sẽ tăng trong tháng 10 và tháng 11. Các DN có nhu cầu về vốn để nhập hàng phục vụ mùa Tết cuối năm. Tuy nhiên, so với năm trước nhu cầu trên chỉ bằng phân nửa, do sức ép về LS.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường