Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi heo đang… mất phanh!
13 | 10 | 2008
Như NNVN đã phản ánh 6 tháng đầu năm ngành Chăn nuôi tăng trưởng rất chậm , còn các tháng gần đây chăn nuôi có thể đã rơi vào tình trạng tăng trưởng... âm! >> Đến lượt người chăn nuôi miền Trung bị thịt ngoại ’’hành hạ’’ >> Khi ngành thức ăn chăn nuôi bị lệ thuộc
Người nuôi heo ở Đông Nam Bộ đang lâm cảnh điêu đứng, bởi giá thức ăn gia súc, các loại thuốc thú y… đang trên đà leo thang và “tỷ lệ nghịch” với giá heo hơi khiến người dân "lỗ chổng vó". Theo khảo sát của NNVN, những trại heo từ 20-50 nái mỗi tháng bị thua lỗ từ 20 đến cả trăm triệu đồng.

Choáng váng giá heo

Nói về tình trạng của người chăn nuôi heo hiện nay, anh Đào Minh Hoàng – ngụ phường Tân Phong (Biên Hòa) lắc đầu ngao ngán: “Làm nghề nuôi heo hơn chục năm qua, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn và mỏi mệt như hiện nay. Hiện nhà tôi nuôi 20 con nái và 150 heo con và heo thịt nhưng đang có nguy cơ phá sản vì hiện mỗi tháng bị lỗ không dưới 20 triệu”.

Lý giải về tình trạng trên, anh Hoàng cho rằng, do giá heo hơi giảm mạnh, nếu như trước đây giá heo hơi luôn ổn định ở mức 47.000-53.000 đ/kg thì nay chỉ còn 26.000-34.000đ/kg. Để bán được giá đó phải là những trang trại lớn, làm ăn lâu dài uy tín với thương lái, còn nếu nuôi nhỏ lẻ thì chỉ có 26.000-29.000đ/kg thôi, trong khi đó, để hoà vốn (chưa tính công) trong thời điểm hiện nay thì giá heo ít ra cũng phải 33.000-34.000đ/kg.

Thống Nhất là huyện nổi tiếng với nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn và làm giàu bằng nghề nuôi heo, thế nhưng khi PV NNVN về nhận thấy tình hình đã khác. Ông Trần Văn Cường ở xã Gia Tân 2 cho biết đã làm nghề nuôi heo quy mô trang trại từ năm 2000 với 1.600 heo thịt và 250 heo nái, mỗi tuần xuất trại khoảng 50 tấn heo hơi. Vừa qua, do dịch bệnh khiến giá heo hơi xuống thấp, tưởng hết dịch giá sẽ lên, ngược lại giá còn xuống thấp hơn khiến mỗi tháng tôi lỗ vài chục triệu đồng.

Khảo sát tại Thống Nhất cho thấy, có hàng trăm hộ nuôi heo quy mô lớn đang lâm cảnh “méo mặt” và đang đứng trước nguy cơ bỏ chuồng, bỏ trại do khó kham được chi phí chăn nuôi đang ngày một tăng cao.

Tương tự, tại Tân Phú – một trong những huyện nuôi heo có số lượng lớn, khi về đây thấy nơi đâu PV cũng nhận được những cái lắc đầu ngao ngán chuyện giá heo đang… tụt dốc không phanh. Một trong những người nuôi theo hình thức trang trại là nông dân Đinh Văn Tín Dụng ngụ ấp Phú Thắng, xã Phú Trung cho biết, với giá cám và các chi phí đầu vào cho việc nuôi heo như hiện nay thì người nuôi sẽ lỗ từ 4.000 - 5.000/kg heo hơi. Anh Dụng đang nuôi gần 200 con heo thịt đến thời điểm xuất chuồng nhưng thương lái mua với giá rất bèo chỉ 27.000đ/kg, không bán thì mỗi ngày heo ăn hết hàng triệu tiền cám, còn bán rẻ thì lỗ nặng.

Theo anh Dụng, các trại nuôi heo càng nhiều thì lỗ càng nặng. Do đó, hiện nay hàng loạt hộ dân tại đây như bà Nguyễn Thị Thỏa, ông Trần Văn Hơn, Đào Đức Tám… đang bán tống bán tháo heo thịt để giảm đàn. Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều trang trại chăn nuôi đành phải bỏ trống chuồng.

Bởi đầu vào phi mã!

Để giúp người nuôi heo có lãi và vượt qua khó khăn, Sở NN-PTNT Đồng Nai đang hướng dẫn người dân cách phân tích và tự phối trộn thành phần TĂGS để giảm chi phí nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Theo đó, khuyến khích các trang trại chăn nuôi đầu tư theo mô hình khép kín có hệ thống làm mát sẽ giúp cho heo mau lớn, đồng thời lượng thức ăn cũng giảm khoảng 0,5kg cám/kg heo thịt.

Ngoài ra, nông dân cần dùng phân thải làm khí biogas chạy máy phát điện phục vụ cho thắp sáng và hệ thống làm mát để hạ chi phí đầu vào. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, về lâu về dài, ngành nông nghiệp cần khuyến khích nông dân trồng đậu nành, bắp để hạn chế lượng nhập khẩu, góp phần giảm giá TĂGS thì ngành chăn nuôi mới đứng vững và phát triển bền vững.

Theo anh Đào Minh Hoàng, với việc tăng giá cám chăn nuôi hiện nay quả là “kỷ lục”, chưa hề thấy trong hơn chục năm anh gắn bó với nghề nuôi heo. Có tháng giá TĂGS tăng tới 3 lần, mỗi lần từ 100-300đ/kg tùy loại.

Hiện tại anh Hoàng dùng cám của Cty Cargill, theo đó giá cám đậm đặc hiện tới 11.000 đ/kg (dành cho heo nhỏ đến tách bầy), cám hỗn hợp từ 8.000-8.500 đ/kg (dành cho heo tách bầy). Với giá cám hiện nay so với đầu năm đã tăng trên dưới 50%. Anh Hoàng so sánh: đầu năm cám đậm đặc chỉ 220.000đ/bao 25kg thì nay đã lên tới 300.000đ; cám hỗn hợp từ 170.000đ nay cũng phi tới 220.000đ/bao 25kg; cám cho heo tập ăn cũng tăng từ 220.000đ lên 310.000đ/bao 25kg…

Trong khi giá cám liên tục tăng, giá heo hơi lại tuột thê thảm thì làm sao mà người chăn nuôi có lãi được, phá sản là việc khó tránh khỏi.

Nông dân Đinh Văn Tín Dụng còn cho rằng, người nuôi heo còn ngán ngẩm hơn khi hàng loạt các hãng thuốc thú y cũng đồng loạt tăng giá khiến chi phí đầu vào càng đôn lên gấp bội. Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá các loại thuốc thú y (gồm nhiều loại cho từng giai đoạn phát triển riêng của heo) tăng lên không dưới 50%.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, hiện tỉnh có trên 20 DN sản xuất TĂGS, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 3,8 triệu tấn các loại. Từ đầu năm đến nay các DN sản xuất TĂGS nhập về trên 150.000 tấn bắp, ngoài ra các nguyên liệu khác để phục vụ sản suất thức ăn như bột cá, bột xương đều phải nhập trên 50%. Theo lý giải của một số DN, lý do các loại TĂGS tăng là do giá nguyên liệu tăng, cùng với chi phí vận chuyển, giá thuê nhân công tăng…



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường